Bộ Tư pháp công bố hồ sơ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng, đang được nghiên cứu thẩm định.
Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8/18 tội danh (chiếm 44,44%) và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội).
Các tội danh này gồm: Tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 109 Bộ luật Hình sự); tội “Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 114); tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh” (Điều 194 Bộ luật Hình sự); tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” (Điều 250 Bộ luật Hình sự); tội “Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược” (Điều 421 Bộ luật Hình sự); Tội gián điệp (Điều 110), Tội tham ô tài sản (Điều 353) và tội Nhận hối lộ (Điều 354).
 |
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, là người gần đây nhất bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: Xã hội văn minh cao, khi đó còn có thể bỏ hình phạt tử hình
Đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh như trên cho thấy công tác phòng ngừa đã làm tốt và xã hội văn minh.
Trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay, có 7 hình phạt chính, trong đó vẫn có hình phạt tử hình, có 18 tội danh trong Bộ luật Hình sự 2015 còn hình phạt tử hình.
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, mỗi lần sửa đổi Bộ luật Hình sự, số tội danh có hình phạt tử hình lại giảm đi, phù hợp với sự phát triển của xã hội cũng như phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo quan điểm lập pháp của Việt Nam cùng với sự phát triển của xã hội, ý thức chấp hành pháp luật của công dân ngày càng cao thì sẽ thu hẹp các tội danh có hình phạt tử hình tiến tới bỏ hẳn hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt Việt Nam.
Bộ luật Hình sự 2015 vẫn quy định 18 tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Một số tội danh có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình.
 |
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường |
Việc bỏ bớt các tội danh có hình phạt tử hình cũng cho thấy sự văn minh của xã hội, hiệu quả trong quản lý xã hội, phòng ngừa tội phạm, đảm bảo ngày càng đầy đủ hơn quyền con người, quyền công dân trong khuôn khổ pháp luật.
Đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ, Bộ Công an đề nghị bỏ hình phạt tử hình nhưng cũng đề nghị mức hình phạt cao nhất của các tội danh này là tù chung thân và không giảm án.
Mặc dù hiện nay Đảng và Nhà nước đang tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm về tham nhũng và chức vụ, tiêu cực, lãng phí. Những hành vi tham ô, nhận hối lộ là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, những người thực hiện hành vi này gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của Nhà nước. Tuy nhiên, dù pháp luật đã quy định định mức hình phạt cao nhất là tử hình nhưng hành vi phạm tội này vẫn diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. Bởi vậy vấn đề ở đây không phải là hình phạt mức độ như thế nào mà là phải tích cực các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Khi các giải pháp phòng ngừa được thực hiện tốt, ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên, hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân được chấp hành nghiêm túc, hạn chế giảm án, tha tù trước thời hạn cũng tạo ra sự răn đe mạnh mẽ.
Hình phạt chỉ là biện pháp cuối cùng khi các giải pháp phòng ngừa không đạt hiệu quả. Khi giải pháp phòng ngừa đạt hiệu quả, hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân cũng đủ sức để bảo vệ pháp luật, răn đe với tội phạm đối với nhiều tội danh, tiến tới bỏ hình phạt tử hình.
Thực tiễn quy định pháp luật hiện nay nếu tuyên hình phạt tử hình nhưng người phạm tội đã nộp 3/4 số tiền trong quá trình thi hành án, hình phạt tử hình vẫn có thể chuyển xuống chung thân. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao, sau đó tiếp tục được giảm án trong quá trình thi hành án, 20 năm sau vẫn có thể được trở về.
Nếu thực hiện theo đề xuất của Bộ Công an, không áp dụng hình phạt tử hình nhưng áp dụng hình phạt tù chung thân không giảm án, không có cơ hội trở lại với đời sống xã hội, hình phạt này tính nghiêm khắc cũng rất cao và vẫn đảm bảo quyền con người.
Về nguyên tắc chung của chính sách hình sự là xã hội càng mông muội, kém phát triển, hình phạt càng hà khắc. Khi xã hội càng phát triển, hình phạt sẽ bớt nghiêm khắc, tiến tới khi xã hội văn minh cao, khi đó còn có thể bỏ hình phạt. Điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội là các quy phạm đạo đức, các chuẩn mực xã hội được mọi người đều thừa nhận và tự nguyện chấp hành, bằng sự tự giác, ý thức chấp hành quy tắc cộng đồng.
Luật sư Ngô Ngọc Trai, Giám đốc Công ty luật TNHH Công Chính: Tội giết người nên thu hẹp khả năng kết án tử hình
Mặc dù đây mới chỉ là đề xuất và sẽ còn những tranh luận cân nhắc trong thời gian tới, nhưng hy vọng cơ quan đề xuất sẽ bảo vệ đến cùng đề xuất của mình.
Ngoài ra, để cho việc sửa đổi chính sách về án tử hình được thực hiện một cách đầy đủ, khoa học, nên bổ sung đề xuất về việc tội giết người, quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự vẫn còn hình phạt tử hình. Đây là tội danh mà số lượng án tử hình chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số án tử hình được tuyên ra mỗi năm, bên cạnh án về ma túy.
 |
Luật sư Ngô Ngọc Trai |
Hiện tại khung hình phạt tại khoản 1 Điều 123 quá rộng, hình phạt từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, tương ứng với đó là một danh sách gồm 16 tình tiết định khung tăng nặng.
Nên tách khoản 1 Điều 123 ra làm hai khoản khác nhau, một khoản có khung hình phạt từ 12 đến 20 năm, một khoản khác có khung hình phạt từ chung thân tới tử hình. Khoản hình phạt từ 12 đến 20 năm có thể giữ nguyên các tình tiết định khung tăng nặng như hiện nay.
Còn khoản hình phạt tù chung thân đến tử hình thì lược bỏ đi hầu hết các tình tiết định khung tăng nặng, chỉ giữ lại 1, 2 tình tiết định khung mà nó cho thấy là có tính chất hành vi giết nhiều người mà thôi.
Ví dụ các tình tiết có thể lược bỏ đi như sau: b) Giết người dưới 16 tuổi; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn.
Qua kinh nghiệm thực tế luật sư bào chữa, hầu hết các vụ án giết người đều rơi vào một trong số các trường hợp đã liệt kê, cho thấy sự bao quát của các tình tiết định khung tăng nặng quá rộng và chặt chẽ, mà từ các tình tiết định khung này cho phép nhận diện hành vi và kết án nghiêm khắc, thành ra số lượng án tử hình theo đó sẽ nhiều.
Phân tích ở góc độ khoa học tâm lý hành vi thì thấy, giết người là hành vi bạo lực phi pháp xấu xa, bởi vậy giết người nào cũng đê hèn, côn đồ. Còn những yếu tố như để che giấu tội phạm khác, được thực hiện một cách man rợ, hay bằng cách lợi dụng nghề nghiệp, xét thấy không cần phân biệt và đều có thể chung quy là hành vi giết người. Làm như thế tinh thần nhân đạo sẽ được triển khai một cách cân đối hợp lý, vừa giảm số tội danh áp dụng hình phạt tử hình và vừa điều chỉnh thu hẹp khả năng kết án tử hình ở những tội danh còn lại hình phạt này.
Hải Ninh