Ba lần bị xét xử vắng mặt
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) tiếp tục bị xét xử vắng mặt nếu không trình diện. Trước ngày mở phiên tòa, cơ quan tố tụng đã kêu gọi Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng một số bị cáo khác đang bỏ trốn trình diện để được hưởng khoan hồng của pháp luật. Bị cáo Nhàn có 2 luật sư bào chữa. Phiên tòa dự kiến diễn ra từ ngày 23 đến 25/10.
|
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) tiếp tục bị xét xử vắng mặt nếu không trình diện. |
Thẩm phán Đặng Phúc Lâm làm chủ tọa phiên tòa. Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử là 5 kiểm sát viên thuộc Viện KSND tỉnh Quảng Ninh. Phiên toà còn có 17 luật sư tham gia tố tụng, trong đó 15 luật sư bào chữa cho các bị cáo và 2 luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Công ty AIC.
Trong vụ án này, UBND tỉnh Quảng Ninh được xác định là bị hại. Công ty AIC cùng 13 doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, TAND tỉnh Quảng Ninh cũng triệu tập 46 cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.
Đây là vụ án thứ 3 bà Nhàn bị xử lý hình sự nhưng hiện trốn truy nã. Cuối năm 2022, với vai trò là chủ mưu vụ án vi phạm quy định đấu thầu, đưa nhận hối lộ xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn bị TAND Hà Nội phạt 30 năm tù. Ở vụ án thứ hai đang điều tra, bà Nhàn cũng bị cáo buộc vi phạm đấu thầu tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM.
Theo cáo trạng, dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2009, tổng vốn đầu tư 238 tỷ đồng. Dự án gồm 2 giai đoạn và chia thành 6 gói thầu mua sắm trực tiếp.
Công ty AIC tham gia dự thầu và trúng toàn bộ 6 gói thầu, trong đó Công ty AIC đứng tên trúng 4 gói thầu; Công ty Mopha là công ty trong hệ sinh thái của AIC đứng tên trúng 2 gói thầu.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC. Để Công ty AIC trúng thầu, với vai trò chủ mưu, đứng đầu chỉ đạo và trực tiếp thực hiện nhiều hành vi vi phạm quy định đấu thầu, Nhàn đã chỉ đạo Trương Thị Xuân Loan (Trưởng ban Quản lý dự án của Công ty AIC) liên hệ với Phạm Trọng Hiệu (Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án của Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh) và Nguyễn Đức Quang (Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, thuộc Ban Quản lý dự án Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh) để thông đồng về thông số kỹ thuật, cấu hình, đơn giá trang thiết bị y tế.
Nhàn còn chỉ đạo Đỗ Văn Sơn (Kế toán trưởng Công ty AIC) thực hiện hành vi gian lận, điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính nhiều năm để đảm bảo Công ty AIC có đủ năng lực tài chính tham gia dự thầu.
Ngoài ra, Nguyễn Hồng Sơn (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) và Trương Thị Xuân Loan thực hiện chỉ đạo của Nhàn, đã điều hành nhân viên lập hồ sơ “quân xanh”, “quân đỏ” cho các công ty trong hệ sinh thái giúp Công ty AIC và Công ty Mopha trúng thầu.
|
Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2009, tổng vốn đầu tư 238 tỷ đồng. |
Liên quan đến hành vi phạm tội của Nhàn, Nguyễn Thị Thu Phương được Nhàn giao nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành các công ty trong hệ sinh thái của Công ty AIC và công ty đối tác để thỏa thuận liên danh dự thầu, lập hồ sơ dự thầu làm “quân xanh” giúp Công ty AIC trúng thầu. Với 6 gói thầu sai phạm, Nhàn và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỷ đồng.
Viện kiểm sát xác định, việc Công ty AIC trúng thầu còn có hành vi giúp sức của các bị cáo thuộc Công ty AIC và các công ty có liên quan. Ngoài ra, còn có hành vi tạo điều kiện của các bị cáo thuộc chủ đầu tư và hành vi thiếu trách nhiệm của các bị can khác trong quá trình thực hiện kế hoạch đấu thầu.
Quá trình điều tra, các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Thị Xuân Loan, Nguyễn Thị Tích đã bỏ trốn, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã và phát thư kêu gọi các bị cáo ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng, đồng thời áp dụng đầy đủ các biện pháp đảm bảo thực hiện quyền bào chữa theo quy định.
Bị cáo Đỗ Văn Sơn bỏ trốn, nhưng ngày 22/6/2023 đã ra đầu thú. Quá trình điều tra, bị cáo Sơn thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, tích cực hợp tác để giải quyết vụ án, tích cực vận động gia đình nộp số tiền 50 triệu đồng để khắc phục hậu quả vụ án nên được xem xét khi quyết định hình phạt.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương cũng bỏ trốn, bị truy nã, nhưng đã ra đầu thú ngày 28/7/2023.
Anh trai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là Nguyễn Anh Dũng cũng bị truy tố trong vụ án này. Bị cáo Dũng khai nhận hành vi phạm tội qua việc đứng tên Tổng Giám đốc Công ty Phúc Hưng, giúp Nhàn ký các hồ sơ giấy tờ làm “quân xanh”.
Viện kiểm sát xác định, Nguyễn Anh Dũng đã thực hiện hành vi thông thầu, giúp Công ty AIC trúng 5 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 24 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 13 bị cáo khác bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; 2 bị cáo bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo Hoàng Dương/Tienphong