Chỉ trong vòng hai trận chiến ngày 2 và 6/1, Không quân Nhân dân Việt Nam đã mất 7
MiG-21 (thừa nhận) và một phi công. Các biên đội Mỹ không chịu mất mát gì đáng kể.
|
Chiếc
F-4C 63-7680 được điều khiển bởi R.Olds.
|
Trích nguyên văn trong cuốn Lịch sử dẫn đường
không quân (1959-2004):
”Như vậy, chỉ trong hai ngày MiG-21 bị tổn thất quá lớn, Quân chủng quyết định Trung đoàn 921 tạm ngừng xuất kích để rút kinh nghiệm. Những nguyên nhân chủ yếu là:
- Đã không phát hiện được thủ đoạn của địch là cho tiêm kích giả làm cường kích để nhử không quân ta lên đánh và dùng lực lượng tiêm kích đánh chính của chúng phục kích tại khu vực để bám theo máy bay ta khi xuyên lên trên mây.
- Ta chưa lường hết ảnh hưởng của điều kiện thời tiết và khả năng đánh địch bằng đội hình 4 chiếc của MiG-21.
- Dẫn đường cho biên đội Đỉnh-Thuận-Kính-Nhu cất cánh muộn, chỉ huy có tư tưởng nóng vội.
Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân (được thành lập ngày 24/3/1967) chỉ đạo cho các cơ quan và Trung đoàn 921 tập trung nghiên cứu, xây dựng cách đánh và cách dẫn đôi bay MiG-21 để tiếp tục đánh địch".
Về phía Mỹ, các chuyên gia nước này đánh giá đây là một trong những chiến tích đáng nhớ nhất của phi công Mỹ trong các cuộc không kích miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất.
Các nguyên nhân đến từ:
- Việc lập kế hoạch và chỉ huy tác chiến từ tổng thể đến chi tiết tốt, tính toán được các trường hợp có thể xảy ra, đặc biệt là phản ứng của MiG-21.
- Phi công được huấn luyện tốt để sử dụng
tên lửa (tỉ lệ tên lửa đánh trúng mục tiêu đạt ở mức yêu cầu lý thuyết), có khả năng chuyên sâu về không chiến.
- Khả năng kỷ luật và phối hợp của các biên đội với nhau và với lực lượng hiệp đồng cũng là điều đáng phải khen ngợi.
- Về khách quan,
F-4 chiếm lĩnh được ưu thế trên không (phục kích chờ sẵn) nên có điều kiện lý tưởng để tiêu diệt mục tiêu.
- Trận chiến diễn ra ở tốc độ cao nên hạn chế được ưu thế cơ động linh hoạt của MiG-21 trong khi F-4 tận dụng được triệt để vượt trội về hỏa lực, lại có lớp sơn chống phản quang, rất lợi thế để ẩn nấp khi không chiến.
Một vài thông tin thú vị xung quanh chiến dịch Bolo
|
Đại tá Robin Olds và đội của mình sau khi thực hiện thành công chiến dịch Bolo. |
1. Bolo là tên một loại dao lớn ở Indonesia, Philippines, được dùng phổ biến như dao quắm ở Việt Nam. Ở Cuba nó được dùng để chặt mía. Bolo cũng từng là vũ khí thô sơ trong các cuộc kháng chiến của nhân dân Philippines và có những bài võ đi kèm với loại công cụ này.
2. Không đoàn chiến thuật số 8 có biệt danh là “Đàn sói” (Wolfpack) ám chỉ nhiệm vụ và khả năng phối hợp ăn ý của họ. Một trong những không đoàn tiêm kích thiện chiến nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, biệt danh này chỉ thực sự nổi tiếng sau chiến dịch Bolo với Robin Olds là con sói đầu đàn.
3. Nếu bạn để ý thì tất cả 7 biên đội của không đoàn 8 trong nhiệm vụ này đều được đặt tên theo các hãng xe hơi.
4. Robin Olds như đã nói, đã có danh tiếng lừng lẫy từ trước năm 1967. R.Olds sinh năm 1922, ông vào được học viện quân sự danh giá nhất Hoa Kỳ là West Point nhờ khả năng .. đá bóng giỏi. Ông lái máy bay P-38 và P-51 trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và đã tiêu diệt được 12 máy bay Đức, trở thành một huyền thoại sống của không quân Mỹ. Với việc bắn hạ thêm 4 máy bay trong chiến tranh Việt Nam, R.Olds đã trở thành “triple ace” (cần bắn hạ tối thiểu 5 máy bay để một phi công nhận danh hiệu “ace”, R.Olds đã hơn 3 lần làm được điều đó).
5. Trong những người phi công Không quân Nhân dân Việt Nam trẻ tuổi đối đầu với R.Olds và lực lượng của ông trong chiến dịch Bolo, 3 người đã trở thành phi công “ace” của Việt Nam sau là Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Ngọc Độ, Nguyễn Văn Cốc. Đặc biệt, Nguyễn Văn Cốc trở thành “ace” xuất sắc nhất (của cả hai bên) trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước với 9 lần bắn hạ máy bay của đối phương, 7 trong số đó là máy bay có người lái.
Anh Trần