Phải tiêu diệt MiG-21!
Mùa hè năm 1966, Không quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) bắt đầu đưa các máy bay MiG-21 vào trực chiến. Đơn vị đầu tiên được trang bị loại tiêm kích này là Trung đoàn 921 “Sao Đỏ”. Các chiến sĩ không quân, mà đặc biệt là các phi công tiêm kích Không quân Nhân dân Việt Nam đã nhanh chóng chứng minh được khả năng của mình. Vào giai đoạn cuối năm đó, đỉnh điểm là trong tháng 12, MiG-21 rất tích cực tấn công vào những phi đội không kích Mỹ, nhiều cường kích F-105 Thunderchief (thần sấm) bị hạ hoặc phải hủy nhiệm vụ.
|
Thiếu tá Trần Hanh (trái), trung đoàn phó Trung đoàn 921 cùng các phi công MiG năm 1966. |
Khi đó, các phi đội MiG của Không quân Nhân dân Việt Nam triển khai chiến thuật du kích trên không, dựa trên sự hướng dẫn của các đài điều khiển mặt đất, bất ngờ xuất kích, tấn công vào đội hình máy bay Mỹ đủ để F-105 phải vứt bom giữa đường để đối phó rồi nhanh chóng rút lui về căn cứ, tránh đụng độ với các máy bay không chiến chủ lực
F-4, bảo toàn lực lượng.
|
MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam tại sân bay Phúc Yên (Nội Bài).
|
Khoảng 20 chú "én" MiG-21 Việt Nam đã liên tục xé nát các đợt oanh kích thuộc chiến dịch Sấm Rền được thực hiện bằng hàng trăm máy bay Mỹ. Với lực lượng
không quân được coi là hùng mạnh số một thế giới, đây là điều khó có thể chấp nhận. Khi đó, quân Mỹ bắt đầu tính tới một kế hoạch qui mô nhằm loại bỏ lực lượng MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Kế hoạch đã xuất hiện từ một huyền thoại sống của Không quân Mỹ, Robin Olds - một phi công “ace” của trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam với tư cách là chỉ huy không đoàn chiến thuật số 8 đóng tại căn cứ không quân Hoàng gia Thái Lan Ubon.
Viên Đại tá Không quân Mỹ này muốn sử dụng các máy bay F-4 Phantom (bóng ma) giả dạng cường kích F-105 nhử MiG. Chiến thuật đánh chặn du kích của Không quân Nhân dân Việt Nam đang đạt được hiệu quả rất tốt, vì vậy MiG-21 sẽ xuất kích khi phát hiện ra những tốp F-105. Kế hoạch của Olds đã khai thác chính vào điểm này, sử dụng một lực lượng lớn F-4 để nhử mồi cũng như đón lõng, phong tỏa bầu trời, một khi MiG-21 đã xuất kích là sẽ khó có thể rút lui được nữa. Chỉ huy Mỹ tin rằng các phi công Việt Nam sẽ bị bất ngờ và khi họ nhận ra thì mọi việc đã quá muộn.
Kế hoạch công phu
|
F-105 mang bom đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc oanh kích thuộc chiến dịch Sấm Rền |
Ý tưởng sử dụng F-4 đóng giả F-105 không phải là mới, nó đã được thực hiện lần đầu vào năm 1965 để đối phó với MiG-17, các chuyến bay của đại đội không quân 45, mật danh là Mink đã hạ được hai máy bay của không quân ta. Tuy nhiên, chiến dịch “trá hàng” mang tên Bolo lần này có quy mô lớn và mức độ tinh vi, táo bạo chưa từng có. Vì vậy việc tổ chức phương án chiến thuật và chọn thời điểm thích hợp là những việc tối quan trọng đồng thời cũng rất khó khăn phức tạp. Đây là lúc viên phi công “ace” Robin Olds thể hiện bản lĩnh của mình. Ông ta đóng vai trò chính trong tất cả các công việc từ lên kế hoạch (mất khoảng 2 tuần) tới chỉ huy trực tiếp sau đó.
Để thực hiện kế “sói đội lốt cừu”, các biên đội F-4 sẽ được tổ chức như F-105. Mỗi biên đội bốn chiếc, mô phỏng theo những đặc điểm hoạt động điển hình của “thần sấm” như bay cùng tuyến đường, cùng với cùng tốc độ, độ cao, sử cùng phương thức và tần số liên lạc, cùng khu tiếp nhiên liệu. Để giả dạng thêm “chuẩn”, F-4 còn phải đeo thêm các khối gây nhiễu QRC-160 và sắp xếp theo đội hình QRC tạo thành một dải nhiễu mạnh và rất sáng bao phủ toàn biên đội như F-105 vẫn làm. Cách này gây khó khăn rất lớn cho các đài
radar mặt đất trong việc xác định cũng như ngắm bắn chúng. Tất nhiên là để đeo máy gây nhiêu QRC-160 cùng dàn tên lửa đối không chất đầy, F-4 phải trải qua một chút sửa đổi.
F-4C Phantom II được huy động từ 2 không đoàn 8 và 366. Mỗi không đoàn 7 biên đội, tổng cộng 56 chiếc F-4C. Không đoàn 355 và 388 cho xuất kích 6 biên đội F-105F Wild Weasel tương đương 24 máy bay để thực hiện nhiệm vụ Iron Hand áp chế hệ thống
tên lửa phòng không S-75 Dvina của miền bắc Việt Nam để các F-4 có thế dồn toàn bộ tâm sức đối phó với MiG-21. Các biên đội EB-66, EC-121D cũng được gửi đến để thực hiện trinh sát điện tử và góp phần gây nhiễu. Chúng sẽ bay ngoài
Biển Đông và được bảo vệ bởi F-104. Tổng cộng hơn 100 máy bay các loại của được huy động trong chiến dịch Bolo.
|
MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam tại sân bay Phúc Yên. |
Theo các tài liệu giải mật, danh sách các sân bay của VNDCCH bị tấn công trực tiếp là: Phúc Yên, Gia Lâm, Cát Bi và Kép. Tên các sân bay được mã hóa thành tên các sân bay của Mỹ theo thứ tự tương ứng: Frisco, Los Angeles, Miami và Chicago. 12 trên 14 biên đội F-4 được giao nhiệm vụ tấn công trực tiếp vào 4 sân bay này. Hai biên đội còn lại thuộc không đoàn 366 có nhiệm vụ bọc hậu, ngăn không cho các máy bay MiG-21 rút lui. Không đoàn 8 đóng tại Thái Lan sẽ tấn công từ phía tây trong khi không đoàn 366 có căn cứ ở Đà Nẵng sẽ bay tới Vịnh Bắc Bộ và tiến vào khu vực sân bay từ phía đông.
Phía Mỹ cho rằng MiG-21 mỗi lần cất cánh chỉ 50 phút vì hạn chế nhiên liệu. Mười hai biên đội tấn công được dãn cách nhau 5 phút để tối thiểu là trong 55 phút luôn có F-4 tấn công liên tục, khiến MiG-21 rơi vào thế phải “xa luân chiến” và nhận kết cục thất bại vì cạn nhiên liệu.
Để giữ bí mật tuyệt đối cho hành động lần này, các phi công chỉ được thông báo về sứ mạng trước 3 ngày.
Anh Trần