Chọc thủng phòng tuyến cầu Don So
Những ngày đầu tháng 1 của 35 năm trước đây, Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tiến những bước vũ bão trên con đường vào thành phố Phnom Penh để giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng tàn ác của tập đoàn Pol Pot. Những câu chuyện về chiến dịch này cho đến hôm nay vẫn nóng hổi trong lòng các cựu chiến bính sư 7 (Quân đoàn 4) – đơn vị đầu tiên vào Phnom Penh.
Trong câu chuyện về một thời chiến đấu, bác Nguyễn Hữu Hiệu (Cẩm Hoàng – Cẩm Giàng – Hải Dương) nguyên là lính tiểu đoàn 26 thông tin của sư đoàn 7 nhớ mãi trận đánh vào cầu Don So ngày 2/1/1979.
Ngày ấy, sau hơn 1 tuần ta tổng phản công trên toàn tuyến biên giới, quân Pol Pot bị tiêu diệt nhiều sư đoàn chủ lực phải lui dần vào nội địa. Chúng lui về lập tuyến phòng thủ tại cầu Don So. Để vào Phnom Penh, ta phải bằng mọi cách chọc thủng phòng tuyến này.
|
Ảnh minh họa.
|
Bác Hiệu kể: “Trung đoàn 209 có nhiệm vụ đánh mở cửa để tạo điều kiện cho đơn vị bạn đánh thẳng vào cầu Don So. Khó khăn nhất là phải vượt qua bờ tường ủi chính là bờ mương dẫn nước phục vụ nông nghiệp, đất đào lên được đưa lên hai bên thành cao 1,5m; mặt đường dùng làm đường giao thông phục vụ dân sinh, lòng mương rộng khoảng 8m tạo thành 1 bức tường thành vững chắc để phòng thủ.
Khoảng hơn 3h sáng, các loại pháo của sư đoàn, quân đoàn bắt đầu bắn vào bờ tường ủi, các tọa độ đã được chấm định sẵn, lúc đầu còn bắn thưa sau càng bắn dồn dập, tiếng nổ làm mặt đất rung chuyển, những tia chớp lóe sáng phá tan màn đêm. Đã qua bao chiến dịch nhưng chưa bao giờ tôi thấy quân ta sử dụng nhiều pháo đến thế. Ngày 26/4/1978 khi quân ta tiến công toàn tuyến cũng chưa sử dụng nhiều như vậy. Các loại pháo 85, 105, 130, 155, nghe nói có cả 175 (pháo tự hành hạng nặng M107 175mm thu được của Mỹ) cũng tham gia công phá trận này. Nằm dưới hầm mà tấm tôn che trên nóc cứ rung lên bần bật”.
Pháo thôi bắn, Tiểu đoàn 8 và 9 của Trung đoàn 209 lập tức xung phong. Tuy nhiên địch có lợi thế trên cao. Khu vực lại hoàn toàn trống trải cho nên ta có thiết giáp yểm trợ mà cũng không vượt qua được bức tường ủi. Đến 12h cùng ngày, lực lượng 2 tiểu đoàn bị thương vong khá nhiều nên ta phải tạm ngừng tấn công.
Sang ngày 3/1, Trung đoàn 209 quyết định đưa tiểu đoàn dự bị (Tiểu đoàn 7) vào trận thay Tiểu đoàn 9. Lần này, với quyết tâm cao độ, không ngại hy sinh, quân ta đã chiếm được bờ tường ủi. Mất bờ tường ủi, tuyến phòng thủ Don So của địch nhanh chóng tan vỡ. Quân ta liền tiến lên truy kích địch trên đường 10.
Ông Hiệu đánh giá: “Đây là phòng tuyến rắn nhất, sử dụng lực lượng của nhiều đơn vị, có sự yểm trợ của thiết giáp. Quân số thương vong của ta lớn nhất trong chiến dịch giúp bạn giải phóng Phnom Penh”.
Sức mạnh không gì cản nổi
Sau khi chọc thủng được tuyến phòng thủ cầu Don So của địch, Quân đoàn 4 hành tiến hướng về Phnompenh. Sư đoàn bộ binh 7 được chọn làm hướng chính diện tiến vào Phnompenh. Hai Sư đoàn 9 và 341 đảm nhiệm việc bảo vệ sườn cánh trái và cánh phải ở hướng Nam và Bắc cho sư 7 hoàn thành nhiệm vụ.
Đêm 5/1/1979, Trung đoàn 165 đã đuổi địch đến phà Neak Luong. Bộ đội ta lập tức chiếm bờ đông bến phà để chuẩn bị vượt sông tiến vào Phnompenh. Từ phía sau, các đơn vị bộ binh của Trung đoàn 141, 209 cùng pháo binh, tăng thiết giáp cũng ùn ùn kéo tới Neak Luong.
Mặc dù bộ binh đã đến bờ đông Neak Luong nhưng lại thiếu phương tiện để vượt sông vì công binh bị ùn tắc ở phía sau không lên được. Sự cố này khiến tiến độ tiến quân của của Quân đoàn 4 bị chậm lại.
Rất may mắn Trung đoàn Hải quân 962 đã lên kịp thời vào chiều tối ngày 6/1. Vốn dĩ trước đây Bộ chỉ huy chiến dịch tính toán phải tới 8/1 ta mới tới được Neak Luong nên kế hoạch hiệp đồng với Hải quân là ngày 8/1. Nhưng vì Quân đoàn 4 đánh mạnh khiến địch vỡ trận phải rút chạy nên đã đến sớm hơn dự định.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ
|
Ngay khi tới nơi, Trung đoàn 962 tổ chức dùng các tàu đổ bộ LCM đưa bộ binh và xe pháo qua sông. Đến gần sáng 7/1/1979, ta đưa sang sông được 1 tiểu đoàn xe tăng thiết giáp, Trung đoàn bộ binh 141, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 209 cùng một tiểu đoàn bộ đội cách mạng Campuchia.
Đội hình hành tiến đánh vào Phnom Penh đi đầu là tiểu đoàn 2 xe tăng gồm 4 T-54, 1 PT-85 cùng 11 chiếc M-113, Trung đoàn 141 được tăng cường Tiểu đoàn 8 của E209. Ở tuyến sau có Trung đoàn 165 giữ đầu cầu ở bến Neak Luong. Sau nữa có Sư đoàn 341, Lữ đoàn pháo binh 24 là thê đội 2. Dưới sông Mekong, khi bộ binh xuất phát thì Trung đoàn Hải quân 962 và Trung đoàn đặc công 113 đi cùng cũng theo sông đi lên để bảo vệ sườn cho đội hình bộ binh. Đoàn quân ta tiến vào sào huyệt của tập đoàn Pol Pot với sức mạnh như vũ bão, không gì cản nổi.
Phnom Penh hoang vắng
Bị vỡ trận, biết không chống nổi sức mạnh quân ta nên tập đoàn Pol Pot đã rút khỏi Phnom Penh từ trước bỏ lại một thành phố vắng vẻ. Chúng chỉ để lại những lực lượng nhỏ quấy rối dọc đường tiến quân của ta. Bởi thế, đội hình quân ta tiến vào thành phố chỉ gặp phải một ít kháng cự lẻ tẻ.
Lúc 10h30 phút quân ta vào thành phố Phnom Penh. Thành phố vắng lặng gần như không một bóng người. Trong đội hình của Trung đoàn 141 tiến vào thành phố, ông Nguyễn Hữu Hiệu nhớ lại: “Thành phố Phnom Penh lúc này vắng vẻ không một bóng người dân, không biết dân di chuyển đi đâu hết, chỉ có Quân đội Việt Nam và ít đơn vị lính Pol Pot thỉnh thoảng chạm súng nhỏ lẻ không đáng kể”.
|
Bộ đội ta tiến vào Phnom Pênh.
|
Còn Phó tư lệnh Quân đoàn 4 – Bùi Cát Vũ thì viết trong tập ký Đường vào Phnom Penh của mình: “Thành phố Phnom-Pênh rộng đến 20 km vuông, trước đây có gần hai triệu dân sinh sống. Pôn-Pốt cho rào tất cả các đường ngang ngõ tắt chỉ chừa lại mấy đại lộ chính. Xóa bỏ đô thị tất nhiên là Pôn-Pốt cũng bỏ tên đường phố… Nhà cửa phố xá bỏ hoang lẩn lút trong những vườn chuối và cây ăn quả cỏ dại mọc um tùm tạo thành những khu vực địa hình phức tạp rộng bát ngát. Đi giữa thành phố Phnôm Pênh chiều nay, tôi có cảm tưởng như là một thành phố phương Tây ngủ sớm trong mùa lạnh.Tôi lại tưởng tượng đến một thành phố bị bom neutron mà Đế quốc Mỹ gọi là bom sạch. Lạ lùng quá, dù đã nghe Pôn-Pốt - Iêng-Xary đuổi dân đi khỏi Phnom Penh hồi tháng 4/1975! Rùng rợn quá, dù đã biết thành phố Phnom Penh là thành phố chết”.
Điều đáng kể là bộ đội Việt Nam chiến đấu ở Phnom Penh với một tinh thần gìn giữ như chiến đấu ngay trên quê hương mình. Trong những cuộc chạm súng, ta rất hạn chế dùng súng lớn vì sợ làm hỏng hóc các công trình của nước bạn.
Tập ký của tướng Vũ có đoạn viết: “Hồi trưa này tôi nghe đồng chí trợ lý tác chiến về báo cáo lại một trường hợp tương tự như thế của một đại đội thuộc Trung đoàn 12, vây bắt địch mà không dùng B40, ĐKZ bắn vào Đài Độc Lập. Chiến sĩ ta đã không tiếc máu mình để bảo vệ những công trình lao động nghệ thuật, những phố phường trống hoang cho nhân dân bạn đỡ phần vất vả sau này. Chiến sĩ ta đã thực hiện một cách dũng cảm, nghiêm túc, sáng tạo lời dạy của Đảng ta”.
Cho đến nay đã là 35 năm, mọi vết thương chiến tranh hẳn đã lành nhưng bài học lịch sử thì còn đó. Ba nước Đông Dương hễ đoàn kết thì kẻ thù nào cũng phải thất bại rút lui còn nếu một nước nào đó muốn “đi lẻ” “ăn riêng” thì thế nào cũng bị thế lực bên ngoài lợi dụng. Một khi bị “người khác” khống chế thì chỉ chuốc lấy những thiệt hại và đau khổ cho dân tộc mình, đất nước mình.
Vũ Tiến Đức