Chiến dịch đổ bộ đường biển lớn nhất Hải quân Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Năm 1979, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã mở chiến dịch đổ bộ đường biển lớn nhất trong lịch sử hải quân ta.

Trong chiến dịch phản công biên giới Tây Nam 1979 quét sạch quân Khmer Đỏ ra khỏi lãnh thổ và giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ, lần đầu tiên Hải quân Nhân dân Việt Nam đã tổ chức chiến dịch đổ bộ đường biển lớn nhất trong lịch sử hải quân ta. 

Đổ quân lên Tà Lơn

Cuối tháng 12/1978, trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, quân đội ta tiến hành chiến dịch phản công lớn đánh vào toàn bộ các vị trí quân của Khmer Đỏ. Ở hướng biển Tây, Quân chủng Hải Quân được giao nhiệm vụ đảm trách mũi tiến công vào cảng Công Pông Xom và quân cảng Ream. 

Thực hiện nhiệm vụ, lực lượng hải quân lập kế hoạch đổ quân lên chân núi Tà Lơn. Tài liệu Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam viết: “Ngày 5/1/1979, tại Sở chỉ huy tiền phương, Bộ Tư lệnh Hải quân chính thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị: bí mật đánh chiếm bãi đổ bộ tại chân núi Tà Lơn, phong tỏa đường 3 và 4, tiến đánh cảng Công Pông Xom, tiêu diệt lực lượng hải quân địch, ngăn chặn không cho tàu chúng từ quân cảng Ream, Công Pông Xom chạy ra biển, bảo vệ sườn trái đội hình đổ bộ của Lữ đoàn Hải quân Đánh bộ”.

Trên hướng tiến công của hải quân, lực lượng địch có Sư đoàn hải quân 164 và Trung đoàn 17 biên phòng cùng các lực lượng của đặc khu Công Pông Xom và tỉnh Cô Công với nhiều tàu pháo, tàu phóng lôi cùng với pháo đặt trên đất liền với công sự kiên cố. 

Lực lượng được giao nhiệm vụ đổ bộ lên chân núi Tà Lơn gồm Lữ đoàn Hải quân Đánh bộ 101 và 126. Để hỗ trợ cho hai đơn vị này có Hạm đội 171 và Hải đoàn 127 với các tàu pháo, tàu đổ bộ, tàu tuần tiễu.

Lực lượng Hải quân Đánh bộ Việt Nam trong một cuộc diễn tập đổ bộ đường biển.

Ngày giờ cuộc đổ bộ được xác định là 20h ngày 6/1/1979. Lúc 19h các tiểu đoàn của Lữ đoàn 126 đã áp sát bờ biển. Quân Khmer Đỏ phát hiện quân ta đã cho pháo bắn ra ngăn cản quyết liệt. Lập tức phân đội đặc công của ta tiến công tiêu diệt trận địa pháo. Trước đó, phân đội này đã bí mật đổ bộ vào đêm 4 và 5/1 để làm nội ứng chờ lực lượng đổ bộ. 

Cùng lúc, trận địa pháo tầm xa 130mm ở Phú Quốc và lựu pháo 105 mm ở đảo Hòn Đốc của ta bắn đồng loạt vào các trận địa pháo của địch ở các đảo Hòn Nước, An Tây, Tre Mắn, Keo Ngựa, Kiến Vàng, Phú Dự để chế áp hỏa lực và bảo vệ cho đội hình đổ bộ.

Tranh thủ thời cơ, tiểu đoàn 863 của Lữ đoàn 126 nhanh chóng đổ lên bờ rồi tỏa ra đánh chiếm các mục tiêu làm đầu cầu. Lúc này trên biển, tàu ta phát hiện 2 tàu địch đang tiến về phía đoàn tàu đổ bộ của ta. Hai tàu mang số hiệu 203 và 215 thuộc biên đội cảnh giới sườn trái bãi đổ bộ của ta bắn pháo vào tàu địch. 

Đến 23h5, các tàu ta bắn chìm 2 tàu này và bắn cháy 1 tàu khác buộc chúng phải rút lui. Đến 1h30 ngày 7/1 ta phát hiện 5 tàu địch đang từ cảng quân sự Ream chạy ra biển hòng đánh lén vào đội hình đổ bộ của ta. Chờ tàu địch đến gần, các tàu HQ-05 và HQ-07 lập tức bắn vào đội hình tàu địch dữ dội. Sau ít phút giao tranh, tàu địch đi đầu bị trúng pháo chìm xuống biển, ta lại bắn cháy thêm 1 tàu nữa làm địch phải quay đầu chạy. 

Cùng thời gian này, một số tàu của ta tiến về hướng quân cảng Ream. Cách cảng 1km, pháo hạm của ta bắt đầu pháo kích 30 phút vào cảng địch làm chúng hoang mang không biết quân ta tấn công từ hướng nào là chính. 

Theo sau tiểu đoàn 863, các tiểu đoàn 864, 867 cùng xe tăng thiết giáp lần lượt đổ bộ lên bờ an toàn. Tuy nhiên Lữ 126 còn 3 tiểu đoàn 862, 865, 866 cùng các xe vận tải do thủy triều lên cao, không áp sát vào bờ được nên chiến sĩ phải vượt bãi sình lầy gần 1km còn các xe vận tải đành phải bỏ lại trên tàu chờ.

Đến trưa 7/1, đến lượt các tiểu đoàn 6 và 8 của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 được đổ lên bãi Tà Lơn để chốt giữ đầu cầu đổ quân cho các đơn vị của lữ 126 phát triển  lên phía trước. Cuộc đổ bộ quy mô của hai Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 và 126 lên bãi Tà Lơn cơ bản thành công. 

Đánh gục hải quân địch

Ngày 8/1, sau khi toàn bộ lực lượng đánh bộ được đổ lên bờ, quân ta có pháo chi viện và có xe tăng, thiết giáp hỗ trợ đã đột kích nhanh chóng trên trục đường số 3. 

Lúc này, sư đoàn 304 của quân đoàn 2 cũng đã cơ động tới Công Pông Xom. Bộ binh và Hải quân đánh bộ của ta hiệp đồng tấn công vào cảng Công Pông Xom. Đến 8h15 ngày 10/1, các ổ đề kháng cuối cùng của địch bị diệt, quân ta làm chủ cảng Công Pông Xom và phát triển tấn công quân cảng Ream.

Trước đó, sáng 10/1, hai tàu chiến PCF 102 và 107 của ta đã tiến vào gần cảng Ream để nắm tình hình địch. Địch phát hiện tàu ta đã ngay lập tức bắn phá dữ dội, nhanh chóng sở chỉ huy quân chủng điện lệnh cho các biên đội tàu tiến vào cách cảng Ream 8km, dùng pháo lớn bắn chế áp địch. 

Bộ đội Hải quân Đánh bộ luyện tập đổ bộ. 

Tiếp sau đó, 3 tàu chiến PGM-605, 606, 607 lập tức tiến vào tiêu diệt các hỏa điểm địch. Sở chỉ huy Quân chủng cũng điều các tàu 602, 603, 615 và 2 tàu HQ-05/07 từ hướng cảng Công Pông Xom đến tăng cường.

Ở mũi tiến công trên bờ, sau khi làm chủ cảng Công Pông Xom, một mũi bộ binh của Quân đoàn 2 tiến công quân cảng Ream. Tiểu đoàn 8 Hải quân cũng được lệnh tiến theo đường bộ cùng đơn vị bộ binh bạn đánh chiếm Ream từ phía sau. Lực lượng ta từ dưới biển cũng nhanh chóng đổ bộ lên cảng phối hợp đơn vị bộ binh của Quân đoàn 2 và tiểu đoàn 8 hải quân đánh chiếm các vị trí quân địch. 

Ngoài biển, biên đội tàu ta phát hiện 2 tàu địch ở phía bắc vịnh Công Pông Xom. Các tàu 199, 203, 205, 197 cùng hai tàu HQ-01, HQ-03 được lệnh cơ động đến bao vây, dùng hỏa lực bắn gây cho địch một số thiệt hại. Tính tới chiều ngày 10/1, quân ta hoàn toàn làm chủ cảng Ream. 

Chỉ trong 4 ngày chiến đấu, hải quân hiệp đồng với bộ binh quân đoàn 2 đã giải phóng 2 cảng quan trọng và làm tan rã lực lượng hải quân của địch. Đặc biệt, chỉ trong 2 ngày quân ta đã đổ bộ một lực lượng lớn gồm 2 Lữ đoàn Hải quân Đánh bộ cùng với đầy đủ xe tăng, thiết giáp lên bờ an toàn. Trong lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam, đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức một chiến dịch đổ bộ lớn và phối hợp nhiều lực lượng cùng một lúc như thế.

 Hải quân Đánh bộ Việt Nam 

Đơn vị Hải quân Đánh bộ đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam là Lữ đoàn 101 và Lữ đoàn 126. Tiền thân của Lữ đoàn 101 là Trung đoàn 101 (trực thuộc Sư đoàn bộ binh 325C) được thành lập ngày 20/9/1965. Tháng 12/1975, trung đoàn 101 được điều về trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân đặc trách phòng thủ biển đảo ở vùng 5 Hải quân. Tháng 4/1978, trung đoàn 101 được nâng cấp thành Lữ đoàn Hải quân Đánh bộ đóng quân ở đảo Phú Quốc. 

Còn Lữ đoàn 126 tiền thân là đoàn đặc công hải quân được thành lập năm 1966. Sau giải phóng, đoàn đặc công được nâng lên thành Lữ đoàn Hải quân Đánh bộ 126. Cũng trong năm 1978, thêm một đơn vị Hải quân Đánh bộ được thành lập là Lữ đoàn 147. 

Đến tháng 1/1983, Lữ đoàn 101 bị giải thể, một số cán bộ chiến sĩ sang tập trung xây dựng Lữ đoàn 126. Đến tháng 4/2002, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân cho đổi phiên hiệu Lữ đoàn 126 thành Lữ đoàn Hải quân Đánh bộ 101. 

Hai Lữ đoàn 101 và 147 ngày nay là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ phòng thủ các đảo trên vùng biển rộng lớn của tổ quốc ta. Trang bị của lực lượng này cơ bản vẫn là các vũ khí của Liên Xô và chiến lợi phẩm của Mỹ như xe tăng lội nước PT 76, tàu đổ bộ LST, LCM… 

Tuy nhiên, những năm gần đây, với yêu cầu hiện đại hóa Hải quân, lực lượng Hải quân Đánh bộ cũng đang được đầu tư hiện đại hóa để nâng cao sức chiến đấu. Một minh chứng rõ ràng là lực lượng này đã được trang bị súng trường tiến công hiện đại TAR-21 nhập từ Isarael.



ĐANG ĐỌC NHIỀU: 
TIN LIÊN QUAN: 
Vũ Đức