Không quân Việt Nam ở chiến trường Campuchia (2): đòn sấm sét

Google News

(Kiến Thức) - Những chiếc máy bay Mỹ sản xuất F-5, A-37, C-130 đã được không quân ta dùng để “tung đòn sấm sét” tạo điều kiện cho Quân đoàn 4 giải phóng Phnom Penh.

Đập tan ý đồ dựng phòng tuyến
Đầu tháng 1/1979, trên hướng chính của Quân đoàn 4 tiến vào Phnom Penh, sau mấy ngày phản công quân ta đã đẩy lùi các Sư đoàn 340, 703, 805 địch vào nội địa. Địch (quân Khơ Me đỏ) có biểu hiện bỏ chạy về sau để lập tuyến phòng ngự cố thủ.
Trên đường vào Phnom Penh phải vượt qua sông Mekong ở phà Neak Luong. Đây là một yếu địa, nếu để cho địch tập trung được về đây lập tuyến phòng thủ vững chắc thì quân ta rất khó vượt qua để sang giải phóng Phnom Penh. Vì thế Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định cho Không quân Nhân dân Việt Nam tập kích để ngăn chặn địch.
 Hiện vật tiêm kích F-5 từng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam 1979.
Nhận lệnh, Bộ Tư lệnh Không quân nhận định: địch nhất thiết sẽ bám theo đường bộ, sau đó qua phà Neak Luong sang bờ tây sông Mekong củng cố lực lượng và xây dựng tuyến phòng thủ mới. Đây là điểm nút giao thông cực kỳ quan trọng với địch nhưng lại là mục tiêu đánh rất thuận lợi với không quân ta.
Các Trung đoàn 935, 937, 918 được giao nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng công kích Neak Luong. Riêng Trung đoàn 917 tập trung làm phương án bay trinh sát, cấp cứu và vận chuyển súng đạn thuốc men cùng cán bộ và thương binh theo yêu cầu của Quân đoàn 4.
Sáng sớm ngày 3/1/1979, Trung đoàn 935 bắt đầu cho F-5 xuất kích từ sân bay Biên Hòa lên đánh bến Neak Luong. 6h35, cặp F-5 thứ nhất cất cánh bay qua Gò Dầu Hạ vào đánh các mục tiêu cố định ở hai bên đường số 1 phía tây bắc Svay Rieng. Sau cặp này liên tiếp 5 cặp F-5 nữa lần lượt cất cánh lên đánh các đoàn xe, pháo của địch đang rút chạy trên đường 1 từ Svay Chrum (tây bắc Svay Riêng 5 km) đến Ampil (tây bắc Svay Riêng 25 km). 9h30, cặp F-5 cuối cùng đi công kích đã trở về hạ cánh an toàn.
 Trực thăng CH-47 (do Mỹ sản xuất, thu giữ năm 1975) đang đổ quân trong chiến dịch phản công trên biên giới Tây Nam 1979.
Sau F-5, lực lượng máy bay A-37 của Tung đoàn 937 cũng xuất kích đánh vào mục tiêu núi Xôm. Ba biên đội gồm 12 chiếc A-37 nối nhau rời đường bay Biên Hòa. Đội hình bay thấp ở độ cao 450m, hạn chế liên lạc đối không. Khi còn cách mục tiêu 3 phút 30 giây, các máy bay đồng loạt kéo cao lên 3.000m vào ném bom với góc bổ nhào 35 độ, ném bom ở độ cao 2.100m rồi thoát ly khỏi mục tiêu. Đợt ném bom của các máy bay A-37 đã tiêu diệt sở chỉ huy sư đoàn 210 và sư đoàn 250 cùng một trận địa pháo 105mm của Khơ Me đỏ tại đây buộc chúng phải rút về Ta Keo.
Những đòn đánh bồi
Tình hình tiếp tục diễn biến thuận lợi. Địch bị đánh tơi tả khắp nơi đang ùn ùn rút chạy về hướng Neak Luong để sang bờ tây sông Mekong. Trung đoàn 935 tiếp tục nhận lệnh khẩn trương tổ chức lực lượng đánh vào các đoàn xe pháo đang rút chạy của địch.
11h43, Trung đoàn 935 bắt đầu tập kích đợt 2. Đợt này trung đoàn sử dụng 4 cặp F-5 đánh địch dọc theo đường 1 từ Pray Nhây (tây-tây bắc Svay Riêng 20 km) đến Lovia (đông nam Neak Luong 14 km) tiêu diệt nhiều xe pháo của địch.
Trên đường rút chạy, những toán quân Khơ Me đỏ đã bị thiệt hại nặng nề vì bom của các máy bay F-5 của ta. Về đến Neak Luong, tưởng đã an toàn thì chúng lại bị các biên đội ném bom A-37 tiếp tục công kích.
 F-5 ném bom.
Lúc 14h55 phút, từ Biên Hòa, 3 biên đội A-37 của trung đoàn 937 với 12 chiếc cất cánh bay về hướng Neak Luong. Ngay từ loạt bom đầu, nhiều trận địa pháo phòng không của địch bảo vệ phà Neak Luong đã bị chế áp trong đó có 1 trận địa pháo cao xạ 37 mm bị tiêu diệt. Những loạt bom tiếp theo rơi trúng hai đầu bến làm một phà lớn bị cháy và 2 tàu chở quân bị chìm. Trận không kích kết thúc lúc 15h54, toàn bộ đội bay trở về an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tuy ban ngày, quân địch bị F-5 và A-37 đánh cả trên Đường 1 và tại bến phà Niếc Lương, nhưng lực lượng của chúng vẫn phải tiếp tục dồn về đây. Tối 3/1/1979, Bộ chỉ huy chiến dịch yêu cầu không quân giáng một đòn nữa vào bến phà Niếc Lương. Nhiệm vụ này được giao cho Trung đoàn 918.
Vào lúc 22h, Trung đoàn 918 cho 1 chiếc C-130 xuất kích từ Biên Hòa. Mặc dù thời tiết xấu nhiều mây nhưng kíp trực ban dẫn đường Sư đoàn 372 đã kịp thời phối hợp cùng với dẫn đường trên không đưa máy bay ta vào đúng đường bay dự tính.
Phi công Không quân Nhân dân Việt Nam trên A-37.
Khi tới gần mục tiêu, lái chính Tiêu Khánh Nha giữ máy bay bay bằng ổn định đúng độ cao, tốc độ và hướng bay chiến đấu; dẫn đường trên không Đặng Văn Lự tập trung quan sát lấy phần tử ngắm. Chiếc C-130 ném luôn một loạt hết 40 quả bom MK-81-250 xuống bến phà. Sau khi bay qua mục tiêu, lái chính cho máy bay vòng lại, nhìn xuống dưới thấy nhiều đám cháy bùng lên dữ dội.
Chỉ tính riêng ngày 3/1/1979, từ Svay Riêng đến Nek Luong và tại núi Xôm, Không quân ta đã xuất kích với tần suất rất cao tích cực đánh địch. F-5 xuất kích 29 lần/ chiếc, A-37 24 lần/chiếc và 1 lần/chiếc C-130. Tất cả các chuyến bay đều đánh trúng mục tiêu được giao, vào đúng thời gian quy định, gây thiệt hại nặng nề cho quân Khơ Me đỏ.
Những đòn chủ động, đón trước của không quân ta đánh vào các lực lượng rút lui của địch đã góp phần quan trọng làm mất đi khả năng dồn quân về phòng thủ cho Phnôm Pênh. Nhờ đó Quân đoàn 4 có điều kiện thuận lợi để vào giải phóng Phnom Penh ngày 7/1/1979.
Vũ Tiến Đức