Việt Nam ngày càng hoàn thiện các yếu tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Google News

“Đổi mới sáng tạo được đánh giá là một trong những chỉ số phát triển quan trọng, là yếu tố định hướng trung tâm phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam”, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cho biết.

Mới đây, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) diễn ra sự kiện Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống bên lề Ngày hội, TSKH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: “Nằm trong những quốc gia có quyết tâm cao về đổi mới sáng tạo, Việt Nam ngày càng hoàn thiện các yếu tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo hiệu quả”.
Theo Chủ tịch VUSTA, trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã xác định mục tiêu cụ thể để xây dựng một xã hội hiện đại hóa và công nghiệp hóa là phải áp dụng khoa học - công nghệ và việc “áp dụng khoa học - công nghệ là động lực cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam”.
Trong giai đoạn này, Việt Nam xác định phát triển đổi mới sáng tạo cùng với khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Viet Nam ngay cang hoan thien cac yeu to thuc day doi moi sang tao
 Ảnh 2: Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng cùng các đại biểu tham dự ngày hội tham quan sản phẩm đổi mới sáng tạo 2024
Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia; Hà Nội và TPHCM lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 4 bậc so với năm 2022) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên Hợp Quốc tăng 15 bậc, từ vị trí 86/193 quốc gia lên vị trí 71/193.
Theo tìm hiểu, Ngày hội Đổi mới sáng tạo là sự kiện để các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước được quy tụ, giới thiệu những công nghệ mới, tiên tiến nhất.
Trong 5 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ, thực sự trở thành hạt nhân dẫn dắt đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại ngày hội Đổi mới sáng tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp “Đổi mới để bứt phá, vượt qua chính mình - Sáng tạo để vươn xa, bay cao trong bầu trời kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại”, đổi mới sáng tạo là yếu tố đặc biệt quan trọng với Việt Nam trong kỷ nguyên mới, Việt Nam phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của nhân loại.

Thủ tướng nêu rõ: Về cơ sở chính trị, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những quốc sách hàng đầu cho phát triển nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương: Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chỉ rõ 6 nhiệm vụ, giải pháp chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế (chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển...).

Thứ hai, tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (nhất là hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng giáo dục, đào tạo…).

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (tăng cường phối hợp, liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; tập trung thực hiện Chương trình đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn…).

Thứ tư, tăng cường thu hút các nguồn đầu tư tài chính (nhất là cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực, như AI, công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức trong và ngoài nước…).

Thứ năm, tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia (xây dựng hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, chuẩn mực, kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp).

Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế (trong đó lưu ý vừa thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển giao, ứng dụng công nghệ hiện đại, vừa đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, phát triển và tiến đến làm chủ công nghệ, phát huy vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của toàn cầu...).

Chỉ ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chiến lược, cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với tinh thần tạo mọi thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.


PV