Hầu hết làm việc ở các trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các ngành khoa học, quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng của các nước, các công ty xuyên quốc gia và trong nhiều tổ chức quốc tế của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác.
Nhiều người trong số họ là các du học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, được chính quyền sở tại và các viện nghiên cứu vinh danh trên lĩnh vực khoa học. Các trí thức kiều bào làm việc trong nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của nước sở tại như công nghệ điện tử, thông tin-viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nanô, năng lượng, y học, các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán.
|
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng (2016 – 2021), Giám đốc Trường Chính sách và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam phát biểu tại hội thảo “Đối thoại 2045” |
Đây là một nguồn lực quan trọng có thể đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt khi họ đều mang trong mình dòng máu Việt và lòng yêu quê hương, gắn bó với đất nước, làm sao để khai thác được tối đa những tiềm năng to lớn của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Theo Bộ Ngoại giao: Hàng năm có khoảng 300 lượt trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo.
Đặc biệt, giai đoạn năm 2015, 2016 và 2017 đánh dấu quá trình hợp tác sôi động với mật độ liên tục, diễn ra trên khắp các lĩnh vực giữa trí thức kiều bào với trong nước với một số sự kiện tiêu biểu như: Diễn đàn Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Kinh tế TW và Nhóm Sáng kiến Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, trong đó hơn 30 người là các chuyên gia kinh tế, tài chính, luật, hành chính công đang làm việc tại các trường đại học của Mỹ, Pháp, Úc, Nhật… và các tổ chức quốc tế; Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài đã thu hút khoảng 500 trí thức, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội là người Việt Nam đang sinh sống tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia đóng góp ý kiến phát triển kinh tế, khoa học, nhân lực cho thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2018, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức “Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” tại San Francisco và New York, Mỹ, thu hút sự tham dự của gần 150 đại biểu bao gồm các cơ quan chức năng và doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam, đại diện một số quỹ đầu tư, vườn ươm khởi nghiệp, chuyên gia khởi nghiệp của Hoa Kỳ và các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công của người Việt tại Hoa Kỳ. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, lần đầu tiên được tổ chức ở Silicon Valley, tạo cơ hội để các startup công nghệ trong và ngoài nước kết nối với nhau cũng như tiếp cận và xây dựng quan hệ với một số quỹ đầu tư mạo hiểm. Diễn đàn cũng là dịp đoàn kết, tập hợp lực lượng thanh niên, sinh viên, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (Vietchallenge, Nhóm Sáng kiến Việt Nam, AVSE) là thế hệ trẻ mà ta tập trung vận động, tranh thủ trong thời gian tới”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, lượng kiều hối gửi về hàng năm khoảng 12 đến 15 tỷ đôla/năm, cho thấy đây là nguồn lực lớn, góp phần nâng cao đời sống của thân nhân kiều bào cũng như góp phần vào sự phát triển đất nước. Có khoảng trên 3000 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nhân Kiều bào có nguốn vốn đầu tư kinh doanh thành công lớn và khá thành công trên nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nghệ thuật… cũng có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ tri thức. Hàng năm có khoảng 500.000 người về thăm quê hương nhất là trong những dịp Tết đến Xuân về. Tuy nhiên, tất cả những đóng góp đó chưa tương xứng với tiềm năng, chất xám của đông đảo đội ngũ trí thức kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Có thể thấy, lao động của đội ngũ trí thức là lao động trí óc, mang tính sáng tạo. Đây chính là tài nguyên đặc biệt của mỗi quốc gia. Tính đặc biệt của tài nguyên chất xám được thể hiện ở chỗ nếu biết khai thác thì hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ vô cùng to lớn, song nếu không biết cách phát huy, thì tài nguyên này sẽ hao mòn dần, và thậm chí bị mất đi theo thời gian.
Vai trò to lớn của tri thức nói chung, và vai trò của những người trí thức có tài nói riêng đối với sự phát triển đất nước đã quá rõ ràng. Những nước phát triển, hoặc những nước có những nhà lãnh đạo sáng suốt, thì dù trong những điều kiện tài chính hạn hẹp, họ đều thể hiện có các chính sách cụ thể, được thể chế hoá, tài chính hoá và rất mực nhất quán để khơi thông nguồn lực.
Vấn đề cốt lõi và đầu tiên để cuộc vận động Trí thức thành công là phải tạo được môi trường, cơ chế thuận lợi, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu phù hợp với đặc điểm, tính cách, tâm lý (tự trọng, khái tính, bản lĩnh…) của đội ngũ trí thức.
Vận động trí thức không chỉ dừng ở kêu gọi chung chung mà phải đi vào thực chất, có chiều sâu gắn chặt với công việc và quyền lợi của từng người. Quá trình tiến hành vân động phải lấy hiệu quả là tiêu chí xuyên suốt. Cuối cùng là bên cạnh việc coi trọng về mặt tinh thần phải có đãi ngộ vật chất tương xứng;
Trí thức cũng là con người, họ cũng cần cơm ăn áo mặc, cần có tiền để chăm sóc gia đình, bồi bổ sức khỏe làm việc. Các cụ đã có câu: “có thực mới vực được đạo”. Đây là vấn đề rất tế nhị không nên coi đó là mua bán mặc cả. Tuy nhiên đừng để họ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Họ sẽ không làm hoặc có làm thì cũng qua loa đại khái.
Hiện nay, các chính sách về công tác vận động trí thức cống hiến cho quê hương đã được ban hành nhưng chưa đủ mạnh và cũng chưa đủ tạo một khung chế độ đãi ngộ cụ thể, hấp dẫn về điều kiện sống, làm việc và học tập cho trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và gia đình, con em họ khi về nước làm việc. Kinh phí cho vận động và hỗ trợ chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, đầu tư của các bộ, ngành, địa phương rất eo hẹp, thiếu các chế độ đãi ngộ cụ thể đối với chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
Có thể thấy,tri thức kiều bào có một đặc điểm chung là lòng tự trọng, tri thức, sẵn lòng cống hiến tâm tài vì sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, khi chúng ta đi sâu và hội nhập vào công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì sẽ có rất nhiều những đổi mới về cơ chế, chính sách cũng như phương thức kêu gọi đầu tư. Thách thức cũng là cơ hội để các cơ quan, ban ngành đưa ra những giải pháp khắc phục những bất cập trong cơ cấu chính sách, để công tác tập hợp, phát huy hiệu quả việc tập hợp trí thức khoa học người Việt ở nước ngoài là nhiện vụ quan trọng trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, đáp ứng yêu cầu đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Theo PV/VUSTA