Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức Hội thảo “Đánh giá tác động của một số chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cùng đại diện của các Hội cơ sở trực thuộc Liên hiệp hội Hà Nội, các cơ quan, đơn vị của TP Hà Nội.
TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội nhấn mạnh, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII ban hành năm 2012 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013. Qua hơn 8 năm thực hiện, đã có nhiều kết quả trong triển khai thực hiện, tuy vậy, từ thực tiễn cũng đã bộc lộ một số tồn tại và yêu cầu mới trong bối cảnh mới. Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có kế hoạch đánh giá kết quả thi hành Luật và nghiên cứu đề xuất chính sách lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là cơ hội để giới trí thức khoa học Thủ đô đóng góp ý kiến.
Tại hội thảo, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề cập đến việc huy động, sử dụng và phát huy tiềm lực khoa học công nghệ; phát triển, cải tạo, chỉnh trang đô thị và liên kết vùng. Hà Nội cần có cơ chế, chính sách cụ thể về: Thu hút nguồn lực; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia; khuyến khích, ưu đãi việc chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu.
|
Các trí thức Hà Nội đóng góp ý kiến tại hội thảo.
|
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, trong các đề xuất thiếu một số chính sách đặc thù được xác định trong định hướng phát triển Thủ đô. Đó là các chính sách về phát triển đô thị mới, đô thị vệ tinh, đô thị thông minh; phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân Thủ đô; quản lý, phân bố dân số.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong định hướng phát triển Thủ đô, không nên giới hạn nội đô lịch sử. Bởi, Hà Nội là nội đô lịch sử, trong phát triển ngoài nội đô lịch sử còn nhiều khu vực cần hài hòa giữa phát triển với cải tạo, chỉnh trang, như các khu cảnh quan, thành cổ Sơn Tây, thị trấn sinh thái. Phát triển hạ tầng kỹ thuật cần đảm bảo hài hòa trong phát triển đô thị, không nên quá quá chú trọng thương mại công nghiệp.
Tham góp ý kiến, TS Trần Danh Lợi, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần nhanh chóng có quy hoạch cho không gian ngầm để kêu gọi đầu tư cho hệ thống đỗ xe. Ga Hà Nội cần sớm được quy hoạch không gian ngầm cho các tuyến metro để không gây khó khăn khi trung chuyển. Cần đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng, hạn chế phương tiện ô tô, giảm phương tiện cá nhân và quy hoạch có tầm nhìn cho các bến bãi có kết nối với giao thông...
Để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu, GS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường kiến nghị, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ nguyên tắc tiếp cận để quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường nước, tạo điều kiện để xây dựng một kế hoạch tổng hợp quản lý hệ thống nước bền vững cho Hà Nội với đa mục tiêu: Bảo đảm cấp nước bền vững, bảo vệ môi trường và vòng tuần hoàn nước tự nhiên.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, di sản văn hóa, nông nghiệp... thảo luận, phân tích, dự báo tác động tích cực, tiêu cực của một số chính sách đề xuất trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội sẽ tiếp thu, tổng hợp, báo cáo thành phố để Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng với chất lượng cao.
Theo Văn Bùi / TT & CS