Tiềm năng phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc

Google News

Ngày 28/4/2023, tại hội trường tỉnh ủy Tuyên Quang đã diễn ra hội thảo với chủ đề Tiềm năng, nguồn lực và hiện trạng liên kế phát triển du lịch các tỉnh khu vực Chiến khu Việt Bắc.

Hội thảo do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và Viện Kinh tế Văn hóa cùng tổ chức.
Tiem nang phat trien du lich vung Chien khu Viet Bac
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu
Tham dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Tuyên quang; cùng tham dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch tham dự.
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, vùng Chiến khu Việt Bắc gồm các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa; có nhiều nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, có thế mạnh đặc biệt để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Về tài nguyên du lịch tự nhiên, vùng Chiến khu Việt Bắc có nhiều thế mạnh đặc biệt, đó là: Các công viên địa chất toàn của Việt Nam (có ¾ công viên địa chất toàn cầu của cả nước); các hệ sinh thái đa dạng với tính đa dạng sinh học cao, (các vườn quốc gia Ba Bể, Du Già, Phia Oắc – Phia Đén; các khu bảo tồn thiên nhiên: Hữu Liên, Na Hang, Lâm Bình…; hệ thống hồ trên núi: Ba Bể, Na Hang, Núi Cốc,..; hệ thống hang động, thác nước hùng vĩ: Bản Giốc, thác Tiên – Đèo Gió, động Ngườm Ngao, hang Pắc Pó.. Về tai nguyên du lịch văn hóa, Chiến khu Việt Bắc nổi trội với hệ thống các di tích lịch sử cách mạng Quốc gia đặc biệt: Pắc Pó, Tân Trào, ATK Định Hóa,… Đây là những giá trị tiềm năng du lịch hết sức độc đáo, đặc trưng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Chiến khu Việt Bắc, tạo nên thế mạnh cạnh tranh, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Mặc dù vậy, hiện nay các tỉnh trong vùng còn nhiều khó khăn, nhiều nơi còn nghèo nàn, lạc hậu..
Các tham luận tại hội thảo cho thấy, mặc dù thời gian qua công tác liên kết phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc đã được quan tâm và phần nào đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của vùng. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển của lịch của các tỉnh vừa qua vẫn còn khiêm tốn, chưa tạo được sức mạnh cho thúc đẩy phát triển du lịch của mỗi địa phương và toàn vùng tương xứng với tiềm năng và thế mạnh.
Các đại biểu đề xuất các giải pháp như:
Cần phối hợp trong việc xây dựng cơ chế, chính sách; có những định hướng và chiến lược rõ ràng cho phát triển liên kết vùng du lịch, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển một số trung tâm du lịch vùng để lan tỏa ra các vùng khác; cần liên kết phát triển theo vùng, liên vùng. Liên kết phát triển du lịch cần gắn với phát triển kinh tế - xã hội, hình thành nên chuỗi liên kết vùng; cần phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu cho vùng. Thông qua quảng bá hình ảnh ra quốc tế, xác định các chương trình du lịch điển hình cho du lịch toàn vùng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở Trung ương, với các cơ quan đại diện ngoại giao, truyền thông, hàng không, các công ty lữ hành trong nước và quốc tế để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của mỗi địa phương và toàn Vùng đến khách du lịch trong nước và quốc tế. Ngoài ra, cần thúc đẩy, đẩy nhanh các tuyến giao thông từ thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận đến với Vùng, tạo thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh.
Các đại biểu cũng lưu ý đến việc phát triển du lịch trong Vùng cần bảo tồn và phát huy các văn hóa bản địa, tạo cho mỗi địa phương, mỗi tỉnh và cho toàn Vũng những bản sắc riêng, sắc thái đặc trưng của từng địa phương tránh trùng lặp sản phẩm du lịch.
tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao các tham luận tại hội thảo.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho rằng, để phát triển được tiềm năng, liên kết phát triển du lịch các tỉnh Chiến khu Việt Bắc, các tỉnh trong vùng cần quan tâm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về thúc đẩy phát triển các tỉnh trong vùng. Cùng với đó, các tỉnh cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá. Trong đó cần đặc biệt nâng cao vài trò của cộng đồng cư dân bản địa; cần xác định mục tiêu xây dựng du lịch vùng, xác định rõ các điểm nghẽn cần khai thông. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho phát triển du lịch, các địa phương cần đề xuất các giải pháp, các chính sách đặc thù để Trung ương xem xét quyết định./.
Theo Thanh Tùng/VUSTA