Phát triển bền vững kinh tế biển đảo trong bối cảnh dịch COVID-19

Google News

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo "Phát triển bền vững kinh tế biển đảo trong bối cảnh dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu"

Hội thảo được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức sáng 26/11 theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với Liên hiệp Hội địa phương ở 62 tỉnh/thành phố, đặc biệt là điểm cầu ở Liên hiệp Hội thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng.
Phat trien ben vung kinh te bien dao trong boi canh dich COVID-19
 PGS.TS. Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA.
“Với chủ đề Phát triển bền vững kinh tế biển đảo trong bối cảnh dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho các tổ chức thành viên ở trung ương và địa phương của VUSTA, các nhà khoa học trao đổi các vấn đề và giải pháp bền vững kinh tế biển trước tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, góp phần thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW” - PGS.TS. Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA cho biết.
Theo PGS.TS. Phạm Quang Thao, Nghị quyết 36-NQ/TW ban hành ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được triển khai hơn 3 năm với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tầm nhìn và tư duy mới của Nghị quyết đã đem đến kỳ vọng cho nhiều địa phương, nhiều ngành kinh tế biển về sự phát triển lớn mạnh và bền vững. Việc thể chế hóa Nghị quyết đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện quyết liệt. Trước thách thức ngày càng lớn của biến đổi khí hậu và bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp trong thời gian qua có tác động lớn đối với việc triển khai các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế biển nói riêng.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam đã cùng nhau tập trung thảo luận về các nội dung như: Nhìn lại 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng nội lực khoa học và công nghệ biển Việt Nam và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay; phát triển điện gió ngoài khơi, chuỗi cung ứng và cảng biển ở Việt Nam: Tiềm năng phát triển, cơ hội, thách thức và giải pháp; phát triển nuôi thủy sản trên biển ở Việt Nam trong quy hoạch tích hợp không gian biển.
Phat trien ben vung kinh te bien dao trong boi canh dich COVID-19-Hinh-2
 PGS.TS.Nguyễn Chu Hồi. 
Nhìn lại 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, PGS.TS.Nguyễn Chu Hồi - đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam; thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF) - nhận định, các kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế quốc dân, ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích biển của nước ta; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước. Theo đó, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành nghề bước đầu thay đổi theo hướng chuyển dần từ kinh tế biển “nâu” sang “xanh”, cùng với sự chuẩn bị và thúc đẩy một số lĩnh vực/ngành nghề kinh tế mới, triển vọng. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 nhưng biển và vùng ven biển vẫn đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ, chuỗi cung ứng được giữ vững. Kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu đã xây dựng được một số khu kinh tế ven biển, đảo - là các trung tâm kinh tế hướng biển. Đã có bước phát triển mới ở một số đảo, vai trò “kinh tế đảo” tăng lên rõ rệt, kết cấu hạ tầng trên đảo được tăng lên rõ rệt. Công tác quốc phòng, an ninh trên biển đảo được tăng cường kể cả về đội ngũ, trang thiết bị và khả năng tác chiến; chủ quyền quốc gia được giữ vững; nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với phát triển an ninh quốc phòng, an ninh được quan tâm thực hiện….
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhận thức vai trò, vị trí của biển và phát triển kinh tế biển bền vững của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân vẫn chưa đầy đủ và toàn diện. Quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển… ở vùng ven biển còn nhỏ bé, trang thiết bị thô sơ, “thừa chồng chéo, thiếu phối hợp” trong phát triển kinh tế biển bền vững. Tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả. Môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu và tiếp tục bị “đầu độc” chủ yếu liên quan đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững. Đến nay, phát triển kinh tế biển ở nước ta vẫn theo cách tiếp cận mở và chủ yếu quản lý theo ngành. Vẫn thiếu các luật, chính sách cơ bản và đặc thù về biển để thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo và kinh tế biển.
Phat trien ben vung kinh te bien dao trong boi canh dich COVID-19-Hinh-3
 TSKH Nghiêm Vũ Khải.
Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA, khi xảy ra đại dịch COVID-19, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã dự báo giá trị gia tăng toàn cầu kinh tế biển sẽ gia tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020 - 2030, đồng thời tạo thêm 40 triệu việc làm. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng đáp ứng của đại dương. Các hệ sinh thái biển là trung tâm của nhiều thách thức toàn cầu của thế giới. Việc quản lý đa dạng các hoạt động kinh tế biển và khai thác tài nguyên biển đòi hỏi phải nâng cao kiến thức liên quan đến đại dương một cách thận trọng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo tồn các hệ sinh thái biển mong manh. Trong đó, khoa học và đổi mới đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi rất cần thiết của việc sử dụng ồ ạt sang thực hành bền vững hơn…
Tại hội thảo, nhiều nội dung cụ thể cũng đã được các đại biểu đưa ra để VUSTA tập hợp và kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền, đóng góp thiết thực vào việc tiếp tục triển khai và hiện thực hóa tinh thần của Chiến lược biển Trung ương đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW. Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự hợp tác trong và ngoài hệ thống VUSTA trong thời gian tới.
Phat trien ben vung kinh te bien dao trong boi canh dich COVID-19-Hinh-4
 Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
Liên kết và tích hợp đa ngành để phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam gồm: Ngành nuôi hải sản; ngành du lịch; ngành dầu khí; ngành cơ khí đóng tàu; ngành năng lượng; ngành kinh tế số và tự động hóa; ngành quốc phòng - an ninh, PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, các giải pháp chính sách cần đồng bộ để phát triển kinh tế biển bền vững. Riêng về tổ chức liên kết để thực hiện Quyết định 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, ông Nguyễn Hữu Dũng đề xuất VUSTA phối hợp điều tra hiện trạng nuôi biển cả nước và các địa phương; phối hợp xây dựng Nghị định về các chính sách phát triển thủy sản; hợp tác đa ngành xây dựng chương trình khoa học công nghệ phục vụ nuôi biển; phối hợp vận động thành lập Bộ Kinh tế Biển và Thủy sản….

 

Hiểu Lam