Báo Tri thức và Cuộc sống trân trọng giới thiệu tham luận “Hội Nghề cá Việt Nam luôn đồng hành và bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân nước ta” của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Ủy viên Ban thường vụ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam tại Hội nghị Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức vào ngày 15/9.
Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) - thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) ra đời từ năm 2000, tiền thân là Hội Khai thác cá biển (1986) và trở thành tổ chức đại diện cho gần 2,5 triệu ngư dân Việt Nam, là “cầu nối” của ngư dân với ngành thủy sản nước ta và các tổ chức nghề cá thế giới.
Trong chặng đường 35 năm phấn đấu và trưởng thành, Hội Nghề cá Việt Nam đã thực sự xứng đáng là người tập hợp lực lượng, người bạn đồng hành của ngư dân, đối tác tin cậy của kinh tế biển nước nhà. Hiện nay, cả nước đang sôi nổi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
|
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam.
|
Theo đó, thủy sản được xác định là một trong sáu ngành kinh tế biển then chốt cần ưu tiên phát triển hiệu quả và bền vững, và ngư dân nước ta tiếp tục đóng vai trò tiên phong không chỉ trong làm giàu cho đất nước, mà còn trong thực hiện “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông.
Để góp phần hoàn thành sứ mạng cao cả và gian khó đó của lực lượng ngư dân nước ta, Hội Nghề cá Việt Nam đã xác định và nhận diện ba vấn đề then chốt - Ngư dân, Ngư nghiệp và Ngư trường (bao gồm bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi hải sản và môi trường biển - ven biển) là các thành tố cơ bản cấu thành một nghề cá bền vững dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh ở nước ta.
Do đó, việc ưu tiên giải quyết đồng bộ ba vấn đề nói trên sẽ góp phần: (i) Tăng cường “thế và lực” để Việt Nam tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và xây dựng một nghề cá có trách nhiệm (Responsible fisheries) ở Việt Nam; (ii) Bảo đảm phát triển nghề cá hiệu quả và bền vững gắn với cải thiện sinh kế của các cộng đồng ngư dân ven biển và trên các đảo; (iii) Giảm thiểu các mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian hoạt động giữa nghề cá và các ngành/ cộng đồng trong quá trình khai thác, sử dụng cùng một vùng biển; (iv) Giúp ngăn ngừa và giảm thiểu các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp (IUU) trong bối cảnh có các lợi ích “đan xen” và phức tạp ở Biển Đông; (v) Tạo ra các giá trị “văn hóa vạn chài” độc đáo, đặc trưng cho văn hóa biển Việt Nam - nền tảng cho phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta; (vi) Bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS);…
Thời gian qua, thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Hội, với nhận thức nói trên, Hội Nghề cá Việt Nam đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thiết thực, kịp thời đối với những ngư dân/cộng đồng ngư dân gánh chịu các rủi ro thiên tai và “nhân tai” khi đánh bắt hải sản trên các ngư trường truyền thống thuộc các vùng biển của nước ta.
Hội cũng tham gia tích cực và trách nhiệm đối với các hoạt động phản biện xã hội trong quá trình xây dựng và thực hiện các dự án, các chính sách, chiến lược, luật pháp liên quan tới phát triển thủy sản ở nước ta. Bám sát tình hình hoạt động trên biển của ngư dân, Hội Nghề cá Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các Hội Nghề cá các tỉnh/thành phố ven biển thường xuyên tiếp nhận, thẩm định, phản ánh và kiến nghị các biện pháp lên các cơ quan chức năng, các tổ chức hữu trách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ để xử lý kịp thời các tình huống xấu, các vụ tai nạn gây thiệt hại về người và tàu thuyền của ngư dân ta.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm phản đối dưới các hình thức khác nhau đối với những hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của nước ta, gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động của ngư dân.
Đặc biệt, tiếng nói “hồn cốt” về biển đảo và về ngư dân nước ta đã được đại diện Hội Nghề cá Việt Nam với tư cách là đại biểu Quốc hội, chuyển tải và phản ánh ngay tại diễn đàn Quốc hội nước ta; thậm chí cả trong hoạt động tuyên truyền đối ngoại,...
Ngoài ra, kết hợp với các Hội thủy sản của các tỉnh/ thành phố, Hội Nghề cá Việt Nam rất chú trọng hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân, trang bị kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý nghề cá cấp cơ sở; hỗ trợ pháp luật, chuyển giao công nghệ mới và tiên tiến; triển khai áp dụng các mô hình khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững; các mô hình quản lý nghề cá mới, như: quản lý theo chuỗi giá trị, quản lý tổng hợp nghề cá dựa vào hệ sinh thái và đồng quản lý nguồn lợi thủy sản mà về bản chất là “Nhà nước và Nhân dân cùng làm, cùng hưởng”.
Điển hình cho các hoạt động kiểu này, có thể kể là các dự án của Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận với sự hỗ trợ tài chính của Chương trình dự án nhỏ Quỹ môi trường toàn cầu (GEF SGP) và UBND tỉnh Bình Thuận. Các kết quả của dự án đồng quản lý thủy sản ở huyện Hàm Thuận Nam cho thấy sự đúng đắn của Luật Thủy sản (2017) và các luật khác liên quan tới biển được Quốc hội thông qua gần đây. Hiện nay, GEF SGP đang hỗ trợ triển khai dự án liên quan đến ngăn chặn đánh bắt hải sản bất hợp pháp (IUU) ở Bình Thuận dựa trên việc xây dựng mô hình cộng đồng đánh cá “tự quản, tự điều chỉnh và tự kiểm soát” vì sự bền vững của nguồn lợi và nghề cá do ngư dân “làm chủ”,...
Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và thúc đẩy các hoạt động nói trên, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ chú trọng đến tăng cường vị thế, uy tín và đóng góp của Hội đối với đất nước, ngành thủy sản và ngư dân thông qua đẩy mạnh hoạt động kinh tế và truyền thông.
Tiếp tục chủ động đóng góp các sáng kiến và ý kiến tư vấn về các biện pháp để quản lý theo chuỗi trên cơ sở áp dụng “chuyển đổi số” trong các hoạt động: sản xuất và bảo quản sản phẩm thủy sản, chế biến và xuất khẩu thủy sản, quản lý nghề cá và kiểm soát các hoạt động tàu thuyền đánh cá trên biển,...
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình Biển Đông vẫn “yên mà không ổn”, tiếp tục phức tạp và khó lường; luật lệ trên biển của các nước láng giềng có chiều hướng tăng nặng mức chế tài đối với hoạt động của ngư dân trên biển, trong đó có ngư dân Việt Nam,...
Bên cạnh đó, thực tế nghề cá vừa qua cũng đặt ra nhu cầu phải nhanh chóng xây dựng và phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở nước ta; gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, an ninh thực phẩm và nguồn sinh kế bền vững cho ngư dân ven biển và trên các đảo.
Với mong muốn tiếp tục đóng góp vào việc thực hiện thành công các nghị quyết của Đảng, kế hoạch hành động của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới nói trên, Hội Nghề cá Việt Nam khuyến nghị với Đảng, Nhà nước và Chính phủ một số vấn đề chính sau:
Ban hành chính sách đặc thù về vấn đề Ngư dân, Ngư nghiệp và Ngư trường (Tam Ngư) để hỗ trợ phát triển đồng bộ, hướng tới xây dựng nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam;
Đẩy mạnh phát triển nghề cá nước ta theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời tổ chức lại đội tàu đánh bắt xa bờ đủ mạnh, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển; chuyển từ thực tế “nông dân đánh cá” sang “công nhân đánh cá”;
Tăng cường các giải pháp ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), kết hợp ưu tiên đẩy mạnh công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn thiên nhiên biển;
Mở rộng hợp tác quốc tế về khai thác hải sản, ưu tiên các nước ven biển Châu Phi, Nam Mỹ,...; khuyến khích phát triển nghề cá giải trí.
Trước các cơ hội và thách thức mới, Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phấn đấu là người đại diện, người tập hợp lực lượng, người bạn đồng hành của ngư dân, và là đối tác tin cậy của ngành thủy sản nước ta, và cộng đồng nghề cá quốc tế.
Trong suốt chặng đường lịch sử vừa qua, ngư dân Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, Hội Nghề cá Việt Nam nguyện sẽ đồng hành cùng ngư dân bám biển, vươn ra “biển lớn” vì sự nghiệp phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cuối cùng, Hội Nghề cá Việt Nam xin bầy tỏ lời cảm ơn trân thành đến Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, trực tiếp là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân và Hội Nghề cá Việt Nam hoạt động hiệu quả, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
>>> Mời độc giả xem video PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Ủy viên Ban thường vụ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam tại Hội nghị Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức vào ngày 15/9.
VUSTA