Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang soạn thảo Luật Khoa học & Công nghệ sửa đổi. Một trong những điểm mới của Luật là việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.
Tại họp báo tháng 4 của Bộ KH&CN, bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN) cho hay, nội dung về rủi ro trong nghiên cứu khoa học đã có trong kết luận ngày 11/1/2024 của Bộ Chính trị . Theo đó, Việt Nam sẽ rà soát cơ chế, chính sách để thể hiện được tính đặc thù của khoa học, công nghệ, bao gồm việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.
Quốc hội khóa 15 cũng đã giao Chính phủ và các Bộ ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ, trong đó có nội dung về việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Điều đó cho thấy, chủ trương này đã được thể hiện xuyên suốt. Trong quá trình sửa đổi Luật, Bộ KH&CN sẽ có nhiệm vụ thể chế hóa chủ trương thành các quy định.
|
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ KH&CN - Nguyễn Thị Ngọc Diệp. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo bà Diệp, đặc thù của lĩnh vực khoa học công nghệ là việc nghiên cứu, tìm tòi cái mới. “Chúng ta có thể đặt ra một mục tiêu, nhưng trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu lại không đi đến kết quả. Điều này không có gì mới và đã được quốc tế chấp nhận”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ KH&CN chia sẻ.
Đại diện Bộ KH&CN cho hay, đây không phải là nội dung hoàn toàn mới mà đã có trong một số quy định. Trên thực tế, Luật Khoa học & Công nghệ năm 2023 cũng có quy định liên quan đến chấp nhận rủi ro nghiên cứu khoa học ở Điều 23 về ưu đãi trong sử dụng nhân lực, trọng dụng nhân tài.
Cụ thể, người được bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ sẽ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, gây ra rủi ro cho Nhà nước. Điều này diễn ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, do nguyên nhân khách quan dù đã thực hiện đầy đủ, đúng quy trình.
Với Luật Khoa học & Công nghệ đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, chính sách này sẽ tiếp tục được hoàn thiện. Dự thảo về quy định liên quan đến việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu sẽ mở rộng hơn so với quy định hiện hành.
“Dự kiến, sẽ miễn trách nhiệm dân sự cho nhà khoa học nếu gây ra thiệt hại, rủi ro cho Nhà nước, hoặc đã nghiên cứu, thực hiện đầy đủ quy trình nhưng không đi đến kết quả cuối cùng. Họ có thể sẽ không phải bồi hoàn chi phí đã sử dụng”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ KH&CN bật mí.
|
Họp báo thường kỳ tháng 4 của Bộ KH&CN. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang, cơ chế chính sách hiện nay đang có điểm nghẽn. Một trong số đó là việc có chấp nhận hay không về độ trễ, rủi ro trong nghiên cứu khoa học.
“Khi dùng ngân sách Nhà nước nghiên cứu một công trình nào đó, quá trình làm đúng quy định, theo đúng các bước nhưng không ra được kết quả. Trước đây chúng ta coi đó là thất bại, nhưng hiện nay điều đó được chấp nhận nếu thực hiện cơ chế mới", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhận định.
Hiện Bộ KH&CN đang quyết liệt sửa đổi Luật Khoa học & Công nghệ. Ngay trong tuần này, Bộ này sẽ có buổi làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để phối hợp nhằm triển khai sửa đổi Luật. Một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo là việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.
“Chỉ có chấp nhận rủi ro mới khuyến khích được các nhà khoa học tham gia nghiên cứu. Đây là việc Bộ KH&CN rất quan tâm và mong muốn sửa đổi Luật càng nhanh càng tốt”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang khẳng định.
Theo Trọng Đạt/Vietnamnet