Nguyên nhân là do các loại rau ôn đới cần có một thời kỳ lạnh nhất định để phân hóa nụ, hoa, quả để tạo ra các hạt lai. Các loại trái cây ôn đới như hồng, lê, đào, mận để phân hóa mầm hoa cũng đòi hỏi yêu cầu rất cao về độ lạnh hiệu quả (Chilling Units, viết tắt là CU). Ví dụ, giống đào thường yêu cầu nhiệt độ lạnh từ 600 - 1.000 CU, giống mận từ 800 - 1.200 CU (Gyuró, 1990). Đó là lý do vì sao rau và trái cây ôn đới phân bố ở các nước có vĩ độ cao, chủ yếu ở châu Âu, châu Mỹ và Đông Bắc Á... Còn tại nước nhiệt đới như Việt Nam, rau và cây ăn quả ôn đới thường phù hợp ở các địa phương vùng núi có khí hậu lạnh. Ở các vùng đồng bằng, cây thường khó ra hoa và đậu quả.
Để thúc đẩy các nghiên cứu chuyên sâu về lai tạo và chọn giống rau và cây ăn quả ôn đới, năm 2022 và 2023, Chương trình Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc KOPIA đã phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam xây dựng Nhà điều hòa sinh trưởng thực vật tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) và bước đầu triển khai các nghiên cứu thăm dò trong việc chọn tạo giống rau và cây ăn quả ôn đới.
|
Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam kiểm tra hoạt động của Nhà điều hoà sinh trưởng thực vật
|
|
Một số mẫu rau và cây ăn quả ôn đới đang nuôi trồng trong Nhà điều hoà sinh trưởng thực vật |
Nhà điều hòa sinh trưởng thực vật có diện tích 100m2, được chia làm 2 khu: khu nhà kính và buồng lạnh sâu. Khu nhà kính được trang bị hệ thống kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm tự động, có thể điều chỉnh nhiệt độ xuống thấp nhất là 15oC. Buồng lạnh sâu có khả năng hạ nhiệt độ xuống -5oC. Cả hai khu đều được trang bị hệ thống tưới tự động.
|
Đội ngũ chuyên gia KOPIA (Hàn Quốc) và nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam |
Trong năm 2023, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện các nghiên cứu đánh giá thăm dò đối với cây ăn quả và rau ôn đới, hiệu chỉnh và kiểm định mức độ ổn định của nhà điều hòa sinh trưởng. Các nghiên cứu ban đầu đã được thực hiện trên 15 giống cây ăn quả ôn đới (đào, lê, mận, hồng) và 20 dòng/giống bắp cải và súp lơ thu thập được, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của các giống cây ăn quả ôn đới và đánh giá sơ bộ khả năng phân hóa mầm hoa, ra hoa, tạo hạt của các giống bắp cải, súp lơ trong điều kiện có kiểm soát tại nhà điều hòa sinh trưởng thực vật. Trong thời gian tới, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu thử nghiệm khác, tập trung chủ yếu vào các giống rau ôn đới nhằm làm chủ công nghệ kiểm soát ra hoa, tạo hạt phục vụ công tác chọn tạo giống mới. Từ đó, từng bước làm chủ công nghệ nhân giống rau ôn đới để chuyển giao, sản xuất và cung ứng hàng hoá ra thị trường, phục vụ người tiêu dùng trong cả nước.
Lê Trang