Cuộc thi được tổ chức nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng trong toàn tỉnh Nam Định, tạo sân chơi bổ ích cho các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo để trở thành nhà sáng chế trong tương lai, ông Trần Huy Quang – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Nam Định cho biết.
Cuộc thi cũng là cơ hội, điều kiện, môi trường cho thanh thiếu niên, nhi đồng giao lưu, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật; phát huy năng lực sáng tạo, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, qua đó thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Quang chia sẻ, trong những năm qua, Liên hiệp Hội Nam Định đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoạt động sáng tạo kỹ thuật, tổ chức thực hiện 6 Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật thanh, thiếu niên, nhi đồng với gần 300 giải pháp vào chung khảo, trao giải cho 117 giải pháp.
Bắt đầu từ năm 2013, Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng chính thức trở thành cuộc thi có quy mô toàn tỉnh, được tổ chức hàng năm. Năm 2021, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nam Định đã chủ trì, phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở KH và CN, Sở GD và ĐT tiếp tục tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VIII với đối tượng dự thi là tất cả các em thanh, thiếu niên và nhi đồng trong toàn tỉnh có độ tuổi từ 6 đến 19 tuổi, khuyến khích các em nhỏ tuổi, các em ở vùng xa trung tâm thành phố tham gia.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các trường học thường xuyên phải dạy và học online nên đã ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng, số lượng giải pháp tham gia ở Cuộc thi lần này. Song Cuộc thi tiếp tục nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo viên, phụ huynh và các em học sinh.
Sau một thời gian tích cực tuyên truyền, phổ biến thể lệ, đến tháng 12-2021, Cuộc thi đã nhận được 64 sản phẩm, giải pháp dự thi đến từ 10 huyện, thành phố ở 5 lĩnh vực gồm: đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Đa số các mô hình, sản phẩm thể hiện được ý tưởng sáng tạo của thí sinh, trong đó có nhiều ý tưởng mới, có sự cải tiến tốt hơn so với một số mô hình, sản phẩm dự thi các năm trước.
Đặc biệt, có đến 14 mô hình liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 và 9 mô hình sử dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), mạng xã hội, điện toán đám mây để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Bên cạnh đó, điểm nhấn trong Cuộc thi năm nay nhiều học sinh các trường tiểu học đã nộp sản phẩm dự thi, đặc biệt có em mới chỉ học lớp 1, lớp 2. Các em học sinh nữ cũng thể hiện khá rõ góc nhìn cuộc sống của giới qua sản phẩm dự thi là các đồ chơi, bức tranh từ những vật liệu thân thiện với môi trường.
Các mô hình, giải pháp đạt giải đều đảm bảo các tiêu chí Cuộc thi là tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng trong thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Từ các vật liệu, nguyên liệu sẵn có, các phế liệu trong sinh hoạt hàng ngày, các em đã sáng tạo và tận dụng, cải tiến thành các vật dụng, mô hình hữu ích, thiết bị tự động hoá, mô hình thông minh.
Tiêu biểu là giải pháp “Robot phun sương khử khuẩn” của tác giả Nguyễn Quốc Khánh, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định) đạt giải Nhất lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em.
Sản phẩm “Robot phun sương khử khuẩn” được cải tiến đáng kể so với Robot có trên thị trường do được thiết kế và chế tạo với kích thước nhỏ gọn, có khả năng di chuyển tốt trong mọi địa hình, được điều khiển từ xa thông qua quan sát hình ảnh do camera truyền ra màn hình bên ngoài.
Đặc biệt, 4 bánh Robot bằng cách phối hợp tốc độ và hướng quay của từng bánh, chi tiết có thể di chuyển theo bất kì hướng nào mà người sử dụng muốn. Camera cho phép người dùng giám sát đường vận chuyển, dễ dàng điều khiển trong quá trình phun khử khuẩn. Nước diệt khuẩn được Robot phun dưới dạng sương mù, bám vào mọi bề mặt của các thiết bị có trong phòng, nên chất lượng diệt khuẩn rất cao, có thể thay thế con người để phun trong khu cách ly, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, giảm yếu tố nguy hiểm cho người tham gia phòng chống dịch. Đây là một sáng kiến mà các sản phẩm robot trên thị trường chưa có được.
Trong Cuộc thi lần này, nhiều học sinh đã thể hiện khả năng lập trình, thiết kế phần mềm tin học có chất lượng. Điển hình là sản phẩm “Chế tạo thiết bị khuyến cáo thời gian tắm nắng cho trẻ mầm non” của nhóm tác giả Đỗ Hoàng Dũng, Trần Như Trung Kiên, Phạm Quang Thanh, lớp 12A5, 11A2 Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) với thiết bị được tích hợp cùng điện thoại thông minh có công thức tính thời gian “tắm nắng” phù hợp với từng thời điểm trong ngày, hiển thị thời gian tắm nắng tối ưu, giúp tránh được tác hại của tia UV, giảm thiểu trẻ bị còi xương do thiếu vitaminD và tăng sức đề kháng cho trẻ.
Đây là thiết bị dành cho trẻ trên thị trường chưa có, đã được thử nghiệm tại một số cơ sở mầm non trên địa bàn thành phố Nam Định như: Trường Mầm non 8-3, Trường Mầm non Nguyễn Du… cho thấy hoạt động tốt, ổn định và có thể áp dụng trên diện rộng.
Giải pháp “Chế tạo và cải tiến dầu ăn thừa thành xà phòng khử khuẩn” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Vân và Bùi Diệu Trang, Trường THCS Mỹ Trung (Mỹ Lộc) được đầu tư hơn 4 tháng để thử nghiệm, trải qua nhiều lần thất bại để cho ra sản phẩm bảo đảm các yêu cầu đặt ra. Đây là sản phẩm tái chế, giúp tận dụng dầu ăn thừa trong chế biến thực phẩm, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do xả thải; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với thiên nhiên. Sản phẩm có tính ứng dụng trong thực tế, góp phần tuyên truyền thông điệp khử khuẩn, một trong 5 nội dung của thông điệp 5K của Bộ Y tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Để các em có được những giải pháp hoàn chỉnh tham dự cuộc thi, phải kể đến công sức của các thầy giáo, cô giáo hướng dẫn và sự giúp đỡ tạo điều kiện của nhà trường. Chính các thầy cô là người lắng nghe, nắm bắt ý tưởng của các em học sinh ngay từ đầu; từ đó hướng dẫn các em tìm tài liệu tham khảo, lên thiết kế mô hình và thực hiện hoàn chỉnh.
Qua đó, cả cô và trò đều có cơ hội trải nghiệm phương pháp giáo dục STEM, vận dụng lý thuyết khoa học vào thực tiễn cuộc sống; đào tạo rèn luyện thế hệ trẻ năng lực sáng tạo và có tư duy phản biện, độc lập trong khoa học. Bên cạnh sự nỗ lực của các thầy cô và học sinh phải kể đến sự quan tâm tạo điều kiện của Ban giám hiệu các trường và sự ủng hộ của gia đình cả về vật chất và tinh thần giúp các em có thêm động lực để say mê nghiên cứu và sáng tạo thành công.
Kết quả Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VIII tiếp tục minh chứng tuổi nhỏ song sức sáng tạo và niềm đam mê khoa học “không nhỏ” của các em học sinh trong tỉnh. Thành công bước đầu từ Cuộc thi sẽ là dấu mốc điểm tựa quan trọng để các em có thêm nhiều động lực tham gia nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong tương lai, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Theo HT/VUSTA