Kinh nghiệm xử lý vấn nạn tin giả trong hoạt động báo chí truyền thông

Google News

Ngày 3/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm xử lý vấn nạn tin giả trong hoạt động báo chí và truyền thông”.

Phát biểu khai mạc, bà Phạm Thị Bích Hồng, Phó Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến Kiến thức (VUSTA) cho biết, để bảo đảm thực hiện được tốt các vai trò, trách nhiệm, tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, bên cạnh những thuận lợi, thành tựu đã đạt được trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí và người làm báo đang và sẽ phải đối diện với không ít thách thức về việc thu thập thông tin, kiểm chứng nguồn tin, kiểm soát thông tin trong thời đại bùng nổ thông tin và sự phát triển vượt bậc của mạng xã hội như hiện nay, nhất là vấn nạn tin giả, tin đồn thất thiệt, tin sai sự thật mà nhiều phương tiện truyền thông đã nêu lên trong thời gian gần đây.
Kinh nghiem xu ly van nan tin gia trong hoat dong bao chi truyen thong
 Bà Phạm Thị Bích Hồng, Phó Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến Kiến thức phát biểu khai mạc.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí mà còn ảnh hưởng nặng nề đến từng cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Thậm chí có thể gây tác động tiêu cực đến xã hội, nền kinh tế và cả một thể chế.
“Tại Hội thảo hôm nay, Ban tổ chức mong muốn các đại biểu thảo luận, chia sẻ về thực trạng vấn nạn tin giả, có những loại tin giả nào; nguyên nhân xuất hiện tin giả; tin giả có ảnh hưởng như thế nào trong hoạt động báo chí...Từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị để xử lý vấn nạn tin giả” – bà Phạm Thị Bích Hồng nói.
Tham gia thảo luận, nhà báo Đặng Mạnh Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Tri thức và Cuộc sống cho rằng, trong giới báo chí truyền thông đã xuất hiện tình trạng “Đại dịch Fake News”. Tin giả trong báo chí rất hiếm nhưng với mạng xã hội và các nền tảng truyền thông thì tin giả thực sự đã “bùng nổ” khiến dư luận khuynh đảo, để lại hậu quả nhãn tiền.
Kinh nghiem xu ly van nan tin gia trong hoat dong bao chi truyen thong-Hinh-2
 Nhà báo Đặng Mạnh Hùng.
“Vì sao lại có tin giả?. Theo nghiên cứu Quốc tế, có 66% người lên mạng xã hội sẵn sàng là nạn nhân của tin giả. Việc tin giả xuất hiện là do một cá nhân, tổ chức nào đó thể hiện ý muốn chứng tỏ việc thạo tin, thông tin gì cũng biết, cũng nhanh và luôn cầm đèn chạy trước ô tô trong khi chưa có sự xác minh. Tin giả xuất hiện vì mục đích thương mại, kiếm tiền. Thậm chí, giờ đây tin giả đã là công cụ cho mục đích chính trị, chống phá” – nhà báo Đặng Mạnh Hùng nói và thừa nhận việc xử lý triệt để tin giả là không thể khi các nền tảng mạng xã hội vẫn đang phát triển, buộc chúng ta phải tìm cách chung sống cùng nhưng phải ứng xử thế nào cho hiệu quả nhất.
“Hiện nay chế tài xử phạt tin giả, tin sai sự thật chưa đủ sức răn đe. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu và có hình thức xử lý mạnh tay hơn nữa đối với tin giả, không đúng sự thật. Báo chí cũng cần phải nâng cao nghiệp vụ trong việc kiểm chứng từ nhiều nguồn khác nhau, không chạy theo và dựa dẫm vào thông tin mạng xã hội; Giàng buộc trách nhiệm, đạo đức của người làm báo gắn với trách nhiệm thu thập thông tin; Độc giả cần phải tỉnh táo chọn lọc thông tin, tiếp nhận thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống thay vì mạng xã hội không được kiểm chứng...” - Phó Tổng Biên tập Báo Tri thức và Cuộc sống nêu quan điểm.
Kinh nghiem xu ly van nan tin gia trong hoat dong bao chi truyen thong-Hinh-3
Ông Lê Công Lương. 
Ông Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng VUSTA cũng báo động: “Hiện tay tin giả đã lan sang cả yếu tố chính trị với mục đích triệt hạ. Thực tế, tin giả nhưng đã để lại hậu quả thật”.
Theo ông Lê Công Lương, để chống tin giả cần phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của đội ngũ nhà báo; Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí vì đây là yêu cầu quan trọng trong việc sàng lọc thông tin, thẩm định và phản bác lại ti giả trên truyền thông xã hội.
Ngoài ra, các nhà chuyên môn, các nhà quản lý cũng cần phải nâng cao vai trò định hướng thông tin, nhận diện tin giả và có những biện pháp ứng phó, “thanh tẩy” tin giả.
Nói về “vắc xin đặc trị tin giả”, ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú Y (Hội Thú y Việt Nam) cho biết, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật, phổ biến rộng rãi đến mọi người dân những văn bản quy phạm liên quan đến các hành vi tung tin giả; tác hại, hậu quả của việc phát tán tin giả, chia sẻ thông tin sai sự thật...Qua đó góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng trong sử dụng mạng xã hội.
Kinh nghiem xu ly van nan tin gia trong hoat dong bao chi truyen thong-Hinh-4
 Ông Nguyễn Văn Cảm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y.
“Nhà báo không chỉ đưa tin đúng mà còn có nghĩa vụ nhận diện, vạch trần và dập tắt kịp thời tin giả. Tăng nhanh lượng thông tin sạch, hạn chế tối đa cơ hội để các đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, sự tò mò của người dân kích động, trục lợi” - ông Nguyễn Văn Cảm cho hay.
Nhà báo Lê Hồng, Ban Truyền thông và Phổ biến Kiến thức (VUSTA) đề cập đến vấn đề nhà báo sử dụng mạng xã hội và kỹ năng của người làm báo trong thời đại công nghệ số. Theo nhà báo Lê Hồng, nhà báo phải nhanh nhưng phải chính xác, kiên trì với nguyên tắc kiểm chứng, không phát tán và “chính thống hóa” tin đồn.
Kinh nghiem xu ly van nan tin gia trong hoat dong bao chi truyen thong-Hinh-5
 Nhà báo Lê Hồng.
“Báo chí hoàn toàn có thể sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tiếp cận, tìm kiếm thông tin, lan truyền bài viết, tăng lượng độc giả nếu đó là những thông tin chính xác. Nhưng cùng với đó, báo chí cần phải thanh lọc, kiểm duyệt thông tin để đưa ra những nguồn tin chính xác, có tính định hướng thay vì chỉ là tin đồn trên mạng xã hội” – nhà báo Lê Hồng nêu ý kiến.
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký VUSTA đánh giá những ý kiến thảo luận, đóng góp trên của các đại biểu rất “nóng” và sát thực tế với hoạt động báo chí hiện nay, nhất là trong “cuộc chiến” chống tin giả, tin sai sự thật.
Kinh nghiem xu ly van nan tin gia trong hoat dong bao chi truyen thong-Hinh-6
 Tổng Thư ký VUSTA Nguyễn Quyết Chiến.
Ông Nguyễn Quyết Chiến cho rằng, bên cạnh tất cả kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức thì việc xử lý tin giả của những người làm báo, quản lý báo chí hiện nay gặp khá nhiều khó khăn. Để xử lý việc loan tin giả, những người làm báo, truyền thông cần có thái độ kiên trì trong tác nghiệp, tìm bằng chứng, lý lẽ và tôn trọng công chúng. Đặc biệt, cần có những định hướng để công chúng trở thành bộ lọc lớn về thông tin thông qua việc nâng cao nhận thức và trình độ của công chúng.
“VUSTA sẽ đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện để các cơ quan báo chí thuộc hệ thống VUSTA phát triển, chống lại các tin giả, tin sai sự thật bằng chính những thông tin chính thống, tin cậy và xác thực” – Tổng Thư ký VUSTA nói.

 


Hiểu Lam