Học sinh trung bình học giáo viên kém nhất thì... đội sổ

Google News

Dẫn nghiên cứu chỉ ra, nếu giao nhóm học sinh trung bình cho nhóm giáo viên kém nhất, kết quả sẽ đội sổ, GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng, cần thu hút được người giỏi nhất vào sư phạm.

Hơn 16.000 giáo viên phải chuyển việc năm 2022
Sáng 24/11, Hội thảo "Việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết số 29)" đã được tổ chức với sự phối hợp giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) với Hội Hóa học Việt Nam.
Hoc sinh trung binh hoc giao vien kem nhat thi... doi so
 Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết: Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, nền giáo dục nước nhà đã có những bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng; nâng cao hiệu quả dạy và học, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân; góp phần phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của con người Việt Nam.
Cụ thể, các địa phương đã ban hành Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29, Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động, thành lập Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục và đào tạo tỉnh. Nhiều chủ trương của Đảng đã được thể chế hóa trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục năm 2019, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới giáo dục đại học.
Mục tiêu phổ cập và chuẩn hóa giáo dục mầm non theo Nghị quyết số 29 cơ bản hoàn thành. 100% đơn vị cấp huyện và tỉnh duy trì, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục được tăng cường, tổng dự toán chi năm 2022 lên tới trên 330.000 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2021.
Hoc sinh trung binh hoc giao vien kem nhat thi... doi so-Hinh-2
Quang cảnh Hội thảo. 
Bên cạnh đó, đã hoàn thành mục tiêu xây dụng Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, tập trung đầu tư bảo đảm trang thiết bị cơ sở vất chật, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa để triển khai hiệu quả chương trình. Chất lượng giáo dục đại học từng bước nâng lên, tiếp cận chuẩn quốc tế; các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng uy tín của quốc tế.
Tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, học sinh Việt Nam đều đạt thành tích vượt trội. Năm 2022, đã giành 12 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng. Đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế xếp thứ 2, Olympic Toán xếp thứ 4 và Olympic Vật lý xếp thứ 5 thế giới…
Tuy nhiên, Chủ tịch Phan Xuân Dũng cho biết, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình triển khai Nghị quyết số 29. Đó là chất lượng giáo dục đào tạo của các cấp học, ngành học và các địa phương chưa đồng đều; năng lực chuyên môn của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục còn thấp; đời sống của giáo viên, viên chức giáo dục còn khó khăn, đặc biệt là giáo viên trẻ, mầm non. Năm 2022 có hơn 16.000 giáo viên phải chuyển việc ảnh hưởng hông nhỏ đến hoạt động dạy và học. Chi ngân sách cho giáo dục chưa đạt tối thiểu 20% tổng chi ngân sách như Nghị quyết số 29 đề ra…
Phải thu hút được người giỏi nhất vào sư phạm
Từ thực tế hiện nay, các đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 29, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới.
Hoc sinh trung binh hoc giao vien kem nhat thi... doi so-Hinh-3
 GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dẫn nghiên cứu tại Tennessee và Dallas (Mĩ ) cho biết, nếu giao những học sinh trung bình cho những giáo viên nằm trong tốp 20%  giáo viên giỏi nhất thì cuối cùng các em này sẽ lọt vào 10% số học sinh có thành tích tốt nhất. Tuy nhiên, nếu giao cho những giáo viên nằm trong tốp 20% giáo viên kém nhất thì các em sẽ đội sổ.
"Từ đó cho thấy, chất lượng giáo viên ảnh hưởng tới thành tích học tập của học sinh nhiều hơn mọi yếu tố khác", GS Đinh Quang Báo nói và cho rằng, một trong những giải pháp tiên quyết, cốt lõi đối với giáo dục Việt Nam hiện nay, đó là phải thu hút được người giỏi, giỏi nhất và sư phạm để đào tạo thành giáo viên giỏi. Cùng với đó, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh ra trường có việc làm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Tô Bá Trượng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục cho rằng, trong giai đoạn 2021 – 2025, ngành giáo dục nên chọn đổi mới về đào tạo, bồi dưỡng, cơ chế, chính sách đối với giáo viên, bởi đây là nhân tố quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Theo đó, cần rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng xây dựng một số trường đại học sư phạm trọng điểm tại các vùng, miền và củng cố các trường cao đẳng sư phạm, cơ sở đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ở các địa phương theo mô hình vệ tinh với các trường đại học sư phạm trọng điểm.
Có cơ chế, chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi tối thiểu bảo đảm cho giáo viên có được điều kiện tối thiểu để sống và dạy học.
Dẫn câu nói "Không thầy đố mày làm nên", nhấn mạnh vai trò của người thầy, PGS.TS. Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Hà Nội cho biết, để có được người thầy tốt, khâu tuyển sinh vào các loại hình trường sư phạm phải được nâng lên về mặt chất lượng, phải lựa chọn để các em học sinh giỏi (thông qua kỳ thi tuyển thực chất chứ không chỉ qua học bạ), say mê nghề vào học (có cơ chế khuyến khích bằng học bổng).
Khi ra trường thì có chế độ được ưu tiên hơn với các ngành khác để giáo viên đủ sống. Bố trí công tác một cách bình đẳng (công khai minh bạch các nơi công tác) và công khai các chế độ ưu đãi và giám sát việc thực hiện các chế độ ưu đãi.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về niềm tự hào, hạnh phúc nhất khi là một cô giáo. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

 
Mai Loan