Tuy nhiên chúng ta đã có được những kết quả để làm chủ và duy trì được năng lực nghiên cứu phát triển công nghệ vũ trụ, cũng như đảm bảo điều kiện nhất định để khi tiếp nhận công nghệ mới nhất trên thế giới và vào ứng dụng thực tế, từ đó phát triển được một số sản phẩm của riêng Việt Nam.
Đưa công nghệ vũ trụ vào phục vụ đời sống
Nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ, đưa công nghệ vũ trụ phục vụ thiết thực và có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, ngày 14/6/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” của Việt Nam. Trong chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã giao Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam chủ trì xây dựng, trình duyệt, tổ chức thực hiện chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ (gọi tắt là chương trình khoa học công nghệ vũ trụ).
Chương trình khoa học công nghệ vũ trụ có vai trò rất quan trọng trong chiến lược, đó là thông qua việc xây dựng, triển khai thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về công nghệ vũ trụ, sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ cao, tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ vũ trụ ngang tầm với khu vực và thế giới, làm tiền đề để thực hiện thành công chiến lược, đưa công nghệ vũ trụ thực sự trở thành công cụ quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Bốn mục tiêu của chương trình giai đoạn 2016 - 2020 được phê duyệt gồm: Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thông, viễn thám, hệ thông tin địa lý và hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh; giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu trên cơ sở khai thác hiệu quả các hạ tầng công nghệ vũ trụ đã được đầu tư và hợp tác quốc tế; Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp ráp và thử nghiệm một số thiết bị, mô đun chính trong các phân hệ của vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, công nghệ trạm mặt đất và công nghệ phóng vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo thấp, tiếp nhận chuyển giao công nghệ vệ tinh với các nước tiên tiến; Thúc đẩy nghiên cứu cơ bản có chọn lọc về khoa học và công nghệ vũ trụ có tiềm năng ứng dụng và phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ, tiếp tục hình thành một số nhóm nghiên cứu mạnh trên cơ sở khai thác thành tựu khoa học công nghệ trên thế giới; Góp phần định hướng nội dung chiến lược quốc gia về công nghệ vũ trụ cho giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, trong đó chú trọng xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật về công nghệ vũ trụ, thương mại hóa sản phẩm và từng bước hình thành thị trường trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.
Các nội dung chính đã được phê duyệt của chương trình giai đoạn 2016 - 2020 bao gồm 5 điểm: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; Phát triển công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, công nghệ trạm mặt đất và các công nghệ liên quan khác; Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng liên quan đến khoa học và công nghệ vũ trụ; Nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ; Hỗ trợ chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vũ trụ vào ứng dụng thực tiễn.
Gần một ngàn nhà khoa học tham gia nghiên cứu
PGS.TS. Doãn Minh Chung, chủ nhiệm chương trình khoa học công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020 cho biết, sau 5 năm triển khai, chương trình đã bám sát với các mục tiêu, nội dung và sản phẩm dự kiến mà Bộ khoa học và công nghệ đề ra. Tổng số đề tài thực hiện trong chương trình là 38 đề tài khoa học công nghệ, được chia theo 3 hướng, cụ thể: 3 đề tài hướng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng liên quan đến khoa học và công nghệ vũ trụ (8% số lượng, 6% kinh phí); 8 đề tài hướng phát triển công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, công nghệ trạm mặt đất và các công nghệ liên quan khác (21% số lượng, 37% kinh phí); 26 đề tài hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh (68% số lượng, 55% kinh phí). Ngoài ra, có 1 đề tài pháp lý xây dựng dự thảo chiến lược vũ trụ đến năm 2030 (3% số lượng, 1% kinh phí).
Có 25 đơn vị tham gia tổ chức chủ trì đến từ khối các viện nghiên cứu, trường đại học, các bộ, ngành và quốc phòng – an ninh. Tổng cộng có hơn 900 cán bộ khoa học tham gia trong đó, giáo sư, phó giáo sư chiếm 4%, tiến sĩ 40%, thạc sĩ 50%, kỹ sư, cử nhân chiếm 6%. Số lượng cán bộ được đào tạo của chương trình là 36 tiến sĩ, 75 thạc sĩ và9 kỹ sư/cử nhân.
Sau 5 năm thực hiện chương trình, các sản phẩm tiêu biểu đạt được theo 3 hướng như sau:
Sản phẩm tiêu biểu đạt được theo hướng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng liên quan đến khoa học và công nghệ vũ trụ, gồm: Chế phẩm bổ sung dinh dưỡng nguồn gốc thiên nhiên (thực phẩm chức năng), nhằm phòng ngừa và khắc phục các yếu tố bất lợi đối với cơ thể sống trong môi trường vũ trụ; mô hình tính toán năng lượng bức xạ mặt trời sử dụng dữ liệu vệ tinh địa tĩnh với mô hình khí hậu trong điều kiện Việt Nam; hệ thống mô phỏng trạng thái vi trọng lực 3D clinostat.
Sản phẩm tiêu biểu đạt được theo hướng phát triển công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, công nghệ trạm mặt đất và các công nghệ liên quan khác: Tên lửa nghiên cứu (Sounding Rocket) TV-02 bao gồm hệ thống động cơ, thiết bị khí động thân vỏ, thiết bị cắt tầng, thiết bị phóng tên lửa, phần mềm điều khiển, hệ thống thiết bị trên khoang (payload) và hệ thống thiết bị khoa học đo đạc thông số khí quyển tầng cao; hệ thống anten bám kiểu Hexapod cho vệ tinh quan sát trái đất; hệ thống anten bám kiểu Hexapod bao gồm 1 anten parabol và 1 anten mảng phản xạ được điều khiển, có khả năng thu/phát tín hiệu để điều khiển vệ tinh quan sát trái đất; phân hệ cao tần cho vệ tinh micro; hệ thống thông tin di động chuyên dụng chuyển tiếp vệ tinh phục vụ vùng sâu vùng xa, biển đảo và các trường hợp khẩn cấp; bộ thu phát và xử lý tín hiệu trong hệ thống thông tin vệ tinh sử dụng công nghệ truyền thông quang vô tuyến FSO; vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano... Sản phẩm của hướng này còn có một khinh khí cầu mang theo hệ thống thiết bị đo đạc, được thả lên tầng bình lưu ở độ cao từ 20 - 34 km trên mặt nước biển, có khả năng sử dụng nhiều lần.
Sản phẩm tiêu biểu đạt được theo hướng ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, trong đó có 24 bộ số liệu và cơ sở dữ liệu các khu vực nghiên cứu được xây dựng và vận hành trên cơ sở các dữ liệu vệ tinh độ phân giải cao, đặc biệt là dữ liệu vệ tinh VNREDSat-1 thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, phục vụ quốc phòng – an ninh, phục vụ quản lý ngành nông nghiệp; 17 mô hình và quy trình ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ có hiệu quả được đề xuất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, nghiên cứu khoa học và đào tạo; 13 hệ thống WebGIS sử dụng trong quản lý và giám sát tài nguyên, môi trường, thiên tai, chất lượng nước, lớp phủ, rừng, mức độ ô nhiễm không khí… trên cơ sở ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh và công nghệ viễn thám.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã đánh giá cao về các kết quả đạt được của chương trình, đặc biệt các liên quan đến ứng dụng công nghệ vũ trụ vào trong cuộc sống được tập trung nhiều về sử dụng ảnh vệ tinh, viễn thám, cũng như tập trung vào các kết quả phát triển vệ tinh nhỏ quan sát trái đất từ việc thiết kế vệ tinh nhỏ đến việc thiết kế các trạm thu phát... Các kết quả đạt được cho thấy các nỗ lực nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam.
Theo PV/VUSTA