Cơ sở thành lập
Các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA là nơi tập hợp, đoàn kết và phát huy đội ngũ trí thức KH&CN về hầu hết các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật - công nghệ, khoa học kinh tế, khoa học xã hội của Việt Nam. Được thành lập trên cơ sở Luật KH&CN và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ (Nghị định), của Bộ KH&CN (thông tư) và các quy định, quy chế do VUSTA ban hành.
Theo đó, các tổ chức KH&CN trực thuộc được thành lập và quản lý theo Luật KH&CN năm 2013, Nghị định 08/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều Luật KH&CN năm 2013; Thông tư 03/2014/TT-BKHCN ngày 31/3/2014 của Bộ KH&CN hướng dẫn điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN; Quy định 573/QĐ-LHHVN 15/8/2016 của VUSTA ban hành Quy định về thành lập, đăng ký hoạt động và giải thể tổ chức KH&CN trực thuộc.
Thông tư Thông tư 03/2014/TT-BKHCN của Bộ KH&CN quy định: Tổ chức KH&CN do cá nhân thành lập: là tổ chức KH&CN do một người hoặc một số người tự thành lập. Đối với các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA đều là các tổ chức do tập thể các nhà khoa học thành lập với ít nhất 3 thành viên sáng lập. Gần đây yêu cầu này được nâng cao. Theo đó, tập thể các nhà khoa học thành lập ít nhất 10 người và vốn điều lệ 1 tỷ đồng.
Nguyên tắc hoạt động:
Tổ chức KH&CN có tư cách pháp nhân, hoạt động theo Luật KH&CN và các quy định của Nhà nước, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN của Bộ KH&CN, được cấp phép sử dụng con dấu theo quy định của Bộ Công an; tuân thủ Điều lệ và các quy định của VUSTA, Điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức KH&CN được VUSTA phê duyệt.
Tổ chức KH&CN hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự quản, tự trang trải về tài chính, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; không được trái với chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Tổ chức KH&CN tiến hành các hoạt động được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật khác với Luật KH&CN thì phải tuân theo các quy định của pháp luật có liên quan.
HHVN quyết định thành lập tổ chức KH&CN; phê duyệt điều lệ; công nhận hội đồng quản lý; bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh người đứng đầu (viện trưởng, giám đốc hoặc tương đương), cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng; giải thể tổ chức KH&CN; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ để tổ chức KH&CN hoạt động hiệu quả và đúng pháp luật.
Vai trò các tổ chức KH&CN trực thuộc LHHVN:
Tích cực trong việc tập hợp trí thức, nhất là trí thức trẻ tham gia vào hệ thống VUSTA, thực hiện các nghiên cứu khoa học và dịch vụ KH&CN, đóng góp vào việc tập hợp, đoàn kết và phát huy tiềm năng, trí tuệ của trí thức, đồng thời góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi tổ chức KH&CN có gần 20 người, chủ yếu là những người được đào tạo, có trình độ chuyên môn cao. Như vậy, hàng chục nghìn vị trí việc làm đã được tạo ra từ các tổ chức này. Trong điều kiện hiện nay, các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA tuy còn hạn chế về cơ sở vật chất, nhân sự, nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động, nhưng hoạt động vẫn khá hiệu quả, có đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển KT-XH của đất nước.
Phần lớn các tổ chức đi theo hướng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học hoặc nghiên cứu tập trung vào các nhiệm vụ đòi hỏi đầu tư ít về cơ sở vật chất, như: Khoa học xã hội, tâm lý - giáo dục, các vấn đề giới, trẻ em, xã hội, các chính sách cho quyền con người, các vấn đề bức thiết với người dân như lâm, nông, ngư nghiệp. Một số tổ chức KH&CN có thế mạnh nghiên cứu về môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, y học, xã hội học,…
Một số tổ chức đã mạnh dạn nghiên cứu sâu về các lĩnh vực đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn, như: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học.
Nhiều dự án, mô hình trong nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp, BVMT, năng lượng sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn và khai thác tài nguyên nước, tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai nhân rộng hiệu quả.
VUSTA