Sáng 5/10, tại hội thảo “Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" do VUSTA phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học.
|
Hội thảo nhằm tập hợp ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
|
Tại hội thảo, TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đã nhận định rằng sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Công tác quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất đai.
Tuy nhiên quá trình thực thi Luật Đất đai vẫn còn khá nhiều tồn tại, đặc biệt là tính thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các luật có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất như Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai. TS. Đặng Việt Dũng vì vậy đã thẳng thắn chỉ ra những điểm mà Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này vẫn chưa khắc phục được.
Để khắc phục những vấn đề còn tồn đọng, TS. Đặng Việt Dũng đã đưa ra một số đề xuất sau:
1. Quy hoạch sử dụng đất luôn là quy hoạch đi sau trong hệ thống quy hoạch. Căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất là yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và tiềm năng đất đai có thể huy động được. Quy hoạch sử dụng đất là thành phần không thể thiếu trong tất cả các đồ án quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch. Vì vậy hệ thống quy hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai ( sửa đổi) cần thống nhất và tuân thủ theo hệ thống quy hoạch chung.
2. Cần thống nhất thời gian và thuật ngữ dùng chung khi quy định khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho việc lập tất cả các cấp và loại quy hoạch ở tất cả các loại luật để thuận lợi cho công tác khảo sát, đánh giá, dự báo khi xây dựng quy hoạch. Đề xuất thời gian quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy theo Luật Quy hoạch. Bổ sung vào dự thảo quy định về thời gian và tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất đô thị và nông thôn phù hợp với Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng.
3. Bổ sung các nội dung còn thiếu trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dung đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất đô thị và nông thôn vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho đồng bộ và thống nhất với các luật liên quan.
4. Bổ sung các quy định về đất đô thị, đất xây dựng đô thị, quy định về đất dân dụng, đất ngoài dân dụng và các danh mục đất đô thị khác (theo QC 01:2021) vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất trong đô thị, xác định mục đích sử dụng đất, định giá đất thuận lợi.
5. Quy định bổ sung hình thức lấy ý kiến quy hoạch, đối tượng lấy ý kiến quy hoạch theo cấp quy hoạch, công tác tiếp thu, giải trình nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ phản biện đồ án quy hoạch, nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch, đảm bảo công khai minh bạch trong triển khai quy hoạch.
Thiên Tuấn - Vũ Dũng