|
Các trí thức tham dự Lễ kỷ niệm 90 năm ngành Tuyên giáo (8/2020)
|
Thực tế cho thấy, số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Cơ cấu đội ngũ có những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính... Trí thức tinh hoa còn ít, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế.
Trong khoa học tự nhiên và công nghệ, số công trình được công bố ở các tạp chí có uy tín trên thế giới, số sáng chế được đăng ký quốc tế còn quá ít. Số lượng và chất lượng hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao KHCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế và đời sống xã hội.
Trong khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu lý luận còn thiếu khả năng dự báo và định hướng, chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đổi mới đặt ra, chưa có những công trình sáng tạo lớn. Trong văn hóa, văn nghệ còn ít tác phẩm có giá trị xứng tầm với những thành tựu phát triển của đất nước, sự sáng tạo và hy sinh lớn lao của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế. Hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu biến các giá trị đó thành động lực phát triển kinh tế, xã hội và con người.
Trình độ của trí thức ở nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học tụt hậu so với yêu cầu phát triển đất nước và so với một số nước tiên tiến trong khu vực, nhất là về năng lực sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin. Trí thức chủ yếu tập trung ở các trường đại học, học viện, viện/trung tâm nghiên cứu, bệnh viện. Bên cạnh đó, một số có học vị, học hàm làm công tác quản lý trong các cơ quan và các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội.
Vai trò, sức mạnh và sự đóng góp của trí thức trong các lĩnh vực và cho sự phát triển của đất nước nói chung còn nhiều khó khăn. Trong 5 năm (2006-2010) cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ và chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế; riêng năm 2011, Việt Nam không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại đây. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế; Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế; Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế. Nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines cũng có 27 bằng sáng chế(19).
Chỉ số chất lượng nhân lực của Việt Nam còn thấp, đến năm 2010 đạt 3,79/10, so với Indonesia: 3,44/10; Thái Lan: 4,04/10; Philippines: 4,53/10; Hồng Kông: 5,2/10; Malaysia: 5,59/10; Trung Quốc: 5,73/10; Ấn Độ: 5,76/10; Đài Loan: 6,04/10; Nhật Bản: 6,5/10; Singapore: 6,81/10; Hàn Quốc: 6,91/10. Tỷ lệ nhân lực nghiên cứu khoa học trên 100 dân, Việt Nam đạt 0,8; Hàn Quốc: 2,19(20).
Trong thời gian 15 năm (2001-2015), các nhà khoa học Việt Nam đã công bố được 18.076 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục ISI. So với các nước Đông Nam Á trong cùng thời kỳ, số bài báo khoa học của Việt Nam đã vượt qua Indonesia và Philippines, nhưng số bài báo khoa học của Việt Nam chỉ mới bằng 28% của Thái Lan, 25% của Malaysia và 15% của Singapore(21). Về tiêu chí năng lực phát triển quốc gia (các sáng chế), Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thế giới... Việt Nam phải nhập khẩu công nghệ (sáng chế) khoảng 97%(22).
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do thiếu một chiến lược tổng thể về phát triển đội ngũ trí thức trong bối cảnh, tình hình mới (từ đầu tư phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo đại học và sau đại học; phát hiện, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài; hệ thống chính sách về lựa chọn, bồi dưỡng, sử dụng trí thức; phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ gắn với phát huy tiềm năng đội ngũ trí thức; chính sách đãi ngộ...).
Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thấy hết vai trò, vị trí của trí thức trong phát triển, trong khoa học, công nghệ, giáo dục và văn hóa; ở một số nơi, việc thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức còn hạn chế. Một số chủ trương của Đảng chậm được thể chế hóa thành cơ chế, chính sách; Chưa thu hút được trí thức kiều bào và các nhà khoa học người nước ngoài tham gia giải quyết những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Trí thức ít được giao lưu, hợp tác và làm việc ở các trung tâm khoa học, văn hóa trên thế giới.
Đội ngũ trí thức luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, trọng dụng. Những nghiên cứu, kiến nghị, tư vấn từ việc tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận của đội ngũ trí thức là những căn cứ, luận chứng khoa học quan trọng để Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Thực tiễn đổi mới cho thấy, để xây dựng đội ngũ trí thức đạt hiệu quả cần sự thống nhất và tương tác của 3 yếu tố: Nhận thức, quan điểm đúng của người lãnh đạo, chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn; môi trường, điều kiện để phát huy sáng tạo, nảy nở sáng kiến; sự nỗ lực vươn lên với ý thức trách nhiệm cao của trí thức nhằm có những cống hiến to lớn, thiết thực vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong trong thời gian ông làm Thủ tướng từng nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm cho cán bộ làm khoa học dám ước mơ, dám khát vọng, theo đuổi khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học. Trong trăm việc, nghìn việc cần làm để trở thành quốc gia đổi mới sáng tạo thì việc đầu tiên phải làm là đổi mới sáng tạo cách trọng dụng con người”.
Theo PV/vusta