|
Ảnh minh họa. |
Suy hô hấp cấp, viêm phổi cấp: Trong vài tuần đầu sau tai biến mạch máu não (TBMMN), bệnh nhân thường tăng tiết đờm rãi nhiều, do thiếu khả năng ho khạc, nên dễ bị ùn tắc đờm rãi làm bít tắc đường thở và gây ra suy hô hấp cấp có thể tử vong. Cần chú ý làm thông đường thở bằng lau, hút đờm rãi, bù đủ nước để tránh đờm rãi bị đặc quánh, nếu cần thiết thì sử dụng thuốc long đờm.
Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân thường bị viêm phổi thùy, do nằm lâu dịch phế quản bị ứ đọng, lưu thông đường thở kém. Để đề phòng hằng ngày cần vỗ, rung lồng ngực để làm long đờm, sau đó cho bệnh nhân nằm sấp 30 phút để dẫn lưu phân thùy phổi phía sau. Đặc biệt lưu ý, bệnh nhân dễ bị sặc khi cho ăn hoặc uống, thức ăn hoặc nước lọt vào phế quản gây ho sặc sụa và gây co thắt phế quản, có thể gây suy hô hấp cấp, viêm phổi, hoặc tử vong.
Viêm đường tiết niệu: Trong những ngày đầu sau TBMMN, bệnh nhân thường bị bí đái và thường phải thông đái. Mặc dù tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vô khuẩn, nhưng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu vẫn rất cao khi phải thông đái. Thực tế cho thấy, khi phải thông đái từ 3 lần trở lên hầu hết bệnh nhân bị nhiễm khuẩn tiết niệu do ống thông đẩy ngược vi khuẩn từ niệu đạo vào bàng quang.
Thời gian sau, bệnh nhân có thể bị đái dầm cách hồi, nghĩa là khi bàng quang chứa đủ một lượng nước tiểu nào đó, làm áp lực trong bàng quang tăng lên, cơ thắt cổ bàng quang bị suy yếu nên không giữ được, làm nước tiểu tự động trào ra. Khi lượng nước tiểu trong bàng quang giảm, áp lực bàng quang không đủ làm mở cơ thắt thì cơ thắt cổ bàng quang co lại, nước tiểu ngừng chảy ra từng hồi dẫn đến dễ bị nhiễm khuẩn. Viêm bàng quang có thể gây nhiễm khuẩn ngược dòng làm viêm bể thận - thận cấp hoặc viêm bể thận - thận mạn tính, lâu dần gây suy thận mạn.
Loét do đè ép: Bệnh nhân TBMMN không trở mình được, nên những chỗ bị đè ép sẽ thiếu nuôi dưỡng và bị loét như các nơi hông, gót chân, mắt cá ngoài, bả vai, gáy... Vì vậy, những bệnh nhân phải nằm lâu cần dùng đệm hơi hoặc đệm nước, không để cao su của đệm tiếp xúc trực tiếp với da, mỗi 30 phút - 1 giờ phải trở mình cho bệnh nhân 1 lần. Khi đã bị loét cần thay băng hằng ngày, chiếu tia hồng ngoại, phơi nắng, chườm túi nước ấm xung quanh cung cấp đủ vitamin và tăng cường nuôi dưỡng.
Cứng khớp, teo cơ: Nếu không được tập vận động sớm thì các khớp như cổ chân, khớp gối, khớp khuỷu, khớp cổ tay sẽ bị cứng. Các cơ thường bị teo và yếu cơ do bất động lâu kể cả các cơ ở nửa người bên không liệt.
Đau khớp vai: Bệnh nhân thường bị đau khớp vai bên liệt, nhất là những bệnh nhân liệt mềm kéo dài, do đặt tư thế bệnh nhân không đúng. Đau khớp vai thường là do viêm quanh khớp vai, không phải do tổn thương xương hoặc khớp.
Thái độ lệ thuộc: Do bệnh nhân có cảm giác bất lực, không hy vọng cộng thêm với sự chăm sóc quá mức của người thân khiến bệnh nhân không muốn cố gắng làm các công việc thường ngày. Thái độ lệ thuộc là một cản trở lớn đối với phục hồi chức năng. Vì vậy, cần chú ý tránh không được làm thay những gì mà nếu cố gắng họ có thể làm được.
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (Bệnh viện 103)