Theo báo Bắc Giang, lâu nay, người tiêu dùng thường quan niệm mua hàng ở siêu thị có uy tín thì yên tâm về chất lượng, trong đó sẽ không có hàng quá hạn sử dụng. Tuy nhiên, không hẳn là như vậy.
Chiều 27/4, chị N.K.V, huyện Lạng Giang đến Siêu thị GO! Bắc Giang mua nhiều sản phẩm để sử dụng trong cả tuần. Do không có nhiều thời gian, chị V đi nhanh qua các gian hàng thực phẩm, trái cây lựa chọn rồi thanh toán.
Thế nhưng khi xem lại, chị V thấy hộp kim chi cải thảo chuẩn vị Hàn Quốc, khối lượng 500g ghi ngày sản xuất 24/2/2025, hạn sử dụng 24/4/2025, tức là đã hết hạn sử dụng 3 ngày. Vì thế, chị V trở lại kệ hàng bán kim chi để đổi sản phẩm khác cùng loại còn hạn sử dụng.
Chị V nói: “Trước thông tin hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán tràn lan trên thị trường nên dù đường xa, tôi vẫn muốn vào siêu thị để mua sản phẩm bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, tôi thật bất ngờ ở đây lại bày bán hàng hết hạn. May là tôi để ý, không mang về nhà lại mất công đi đổi hoặc phải bỏ đi”.
Được biết, dịp nghỉ lễ 30/4 kéo dài 5 ngày nên dự báo các điểm mua sắm sẽ thu hút đông khách. Kéo theo đó, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần hết sức thận trọng, kiểm tra kỹ hàng hóa về hạn sử dụng, tránh tình trạng mua phải thực phẩm hết hạn sử dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
 |
Sản phẩm hết hạn sử dụng. Ảnh chụp lúc 18h, ngày 27/4. (Ảnh baobacgiang.vn |
Theo quy định tại Điều 17 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP, các hành vi vi phạm liên quan đến thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc và xuất xứ, cũng như các vi phạm khác, sẽ bị xử phạt theo các mức tiền cụ thể như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với các hành vi vi phạm như kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, đánh tráo, thay đổi nhãn, hoặc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt khi giá trị hàng hóa vi phạm dưới 1.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với giá trị hàng hóa vi phạm từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với giá trị hàng hóa vi phạm từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
Các mức phạt tiền tiếp theo tăng dần theo giá trị hàng hóa vi phạm, với giới hạn từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng cho các mức giá trị hàng hóa từ 5.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, đối với người sản xuất và nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm đối với hàng hóa thuộc các lĩnh vực như thực phẩm, y tế, hóa chất, môi trường, và nhiều lĩnh vực khác, mức phạt có thể gấp đôi các mức phạt đã quy định.
Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm tịch thu tang vật và phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, có biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc tiêu hủy tang vật vi phạm và buộc nộp lại lợi ích bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.
Điều 4 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP, nâng mức phạt tối đa lên 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức trong lĩnh vực thương mại. Đối với lĩnh vực sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mức phạt tối đa là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức.