Mới đây, Công an tỉnh Phú Thọ đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tại địa chỉ Khu Đồng Đồi, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì đã phát hiện, tạm giữ hơn 71 nghìn lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả. Cơ quan Công an còn tạm giữ gần 84 tấn phụ gia các loại dùng để sản xuất, sang chiết các loại mì chính, hạt nêm, bột canh giả nói trên.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đã tiêu thụ ra thị trường 144 tấn dầu ăn; 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả. Thông tin này khiến dư luận hoang mang, bức xúc. Nhiều người tiêu dùng thắc mắc làm thế nào để phân biệt dầu ăn, bột canh, mì chính giả?
 |
Cơ quan Công an thu giữ hàng trăm tấn bột canh, hạt nêm, dầu ăn, mì chính giả. Ảnh: Bộ Công an |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS. TS, NGƯT Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, với công nghệ sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, nếu không quan sát kỹ, nhiều người tiêu dùng rất khó phân biệt bột ngọt, hạt nêm hay dầu ăn giả.
Với mì chính, hạt nêm không thể phân biệt thật - giả khi nhìn vào vỏ bao bì. Ông Thịnh cho rằng, nếu nhìn vào bao bì chữ lèm nhèm, không sắc nét hay hình vẽ mờ nhạt… để phân biệt đó là hàng giả thì người tiêu dùng bị lừa là chắc chắn. Vì hiện nay, các công ty làm giả số lượng lớn, có hệ thống máy móc in ấn hiện đại, dùng các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh như photoshop nên hình ảnh bao bì đẹp như chính hiệu. Vì thế dựa vào bao bì để không thể phân biệt hàng thật - giả.
Hạt nêm, mì chính giả cũng khó có thể phân biệt bằng hình dạng, kích thước vì các đối tượng làm giả rất tinh vi, dùng máy móc hiện đại để làm sản phẩm có màu sắc và kích thước giống như thật, thậm chí chính xác và đẹp hơn. Chỉ có thể phân biệt bằng cách ngửi mùi hoặc nếm thử nhưng không ai đi mua hàng mà mở gói ra để thử, chỉ có khi mua về mở ra dùng mới biết được loại hạt nêm, mì chính đó có mùi vị khác lạ, dùng kém chất lượng hay không.
Mì chính giả hay thật đều có tinh thể trắng, nhưng mì chính kém chất lượng thì tinh thể không dài, mì chính tốt sẽ có tinh thể rất dài, sắc nét.
Còn cách nhận biết dầu ăn giả dễ hơn. Với dầu tái chế thường được các đối tượng mua về cho vào nồi chưng, cho nước vào đun cho bay mùi khét đi, axit béo độc hại cũng bay bớt đi. Có người ẩu hơn thì mua dầu tái chế về chỉ lọc những mẩu thức ăn cháy vụn, cặn cháy rồi đóng chai mang đi bán luôn. Dù bằng cách nào thì màu của dầu tái chế thường đậm hơn so với dầu nguyên khai, người tiêu dùng nhìn vào màu sắc có thể phân biệt được.
Mặt khác, để nhận biết có phải là dầu tái chế hay không, khi mua về, người tiêu dùng lấy một ít dầu cho vào chảo chảo đun lên, cho ít nước vào, dầu sẽ bắn tung toé, bốc hơi. Nước bay hơi sẽ kéo theo mùi khét trong dầu bay ra, đứng bên cạnh rất dễ ngửi thấy mùi khét. Còn dầu nguyên khai đổ nước vào không có mùi khét. Người dùng dầu ăn tái chế chiên rán gặp nhiều nguy hiểm với sức khỏe, có thể gây ung thư.
Dầu tinh chế và chưa tinh chế cũng dễ phân biệt hơn. Dầu tinh chế trong và gần như không có mùi vì đã được tẩy mùi...
Với cách mà công ty mua dầu ăn đảm bảo chất lượng của một số hãng nhưng có giá trị rẻ hơn, trộn với dầu ăn đắt tiền, biến nó thành sản phẩm cao cấp để bán với giá đắt. Với cách làm giả này, người tiêu dùng cũng khó phân biệt được dầu pha trộn.
Để tránh mua phải dầu ăn, hạt nêm, mì chính giả, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên người tiêu dùng nên lựa chọn hàng từ những nhà sản xuất uy tín, có thương hiệu trên thị trường, có nhãn mác đầy đủ thông tin như tên sản phẩm, địa chỉ sản xuất, mã vạch truy xuất nguồn gốc, hạn sử dụng và thành phần phụ gia... Đối với thực phẩm nhập khẩu, phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Không nên mua hàng của các thương hiệu lạ.
Trước đó, Báo Tri thức và Cuộc sống đã thông tin, ngày 24/4, Công an tỉnh Phú Thọ bất ngờ đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tại địa chỉ Khu Đồng Đồi, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Tại đây, cơ quan công an đã phát hiện, tạm giữ hơn 71 nghìn lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả.
Ngoài ra, cơ quan Công an còn tạm giữ gần 84 tấn phụ gia các loại dùng để sản xuất, sang chiết các loại mì chính, hạt nêm, bột canh giả nói trên và hơn 1.593.513 vỏ bao bì, can nhựa đựng sản phẩm cùng dây chuyền sản xuất đóng gói.
Cơ quan điều tra bước đầu xác định, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đã tiêu thụ ra thị trường 144 tấn dầu ăn; 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả. Ngoài ra, cơ quan công an còn làm rõ hơn 1.220 tấn mì chính có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn tem mác.
Bước đầu Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc công ty khai nhận: Mì chính và dầu ăn nguyên liệu mua của Công ty TNHH thương mại Quang Thanh, địa chỉ tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội sau đó tiến hành san chia, đóng gói cho vào 2 loại bao bì mang nhãn hiệu “Bột ngọt Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore”, và “Bột ngọt Famimoto - nhãn hiệu bột ngọt hàng đầu Việt Nam, Công nghệ Nhật Bản”.
Với mặt hàng dầu ăn, sau khi mua về, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tiến hành sang chiết, rót vào chai thành hai loại là “Dầu ăn thượng hạng Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore” và “Dầu thực vật Fami Gold - sản xuất từ 100% nguyên liệu nhập khẩu Singapore”.
Về nguyên liệu để sản xuất “Bột canh cao cấp Hà Nội” và “Hạt nêm Bếp Hồng Việt”, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam mua nguyên liệu từ nhiều đơn vị khác nhau, sau đó phối trộn với tỉ lệ nhất định, thực hiện một số công đoạn như tạo hạt, sấy khô… rồi đóng trong các túi nilon với quy cách 400g/túi đối với bột canh và 5 kg/túi đối với hạt nêm. Tất cả các sản phẩm trên, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam tiến hành tự công bố sản phẩm.