Câu chuyện bí ẩn về kho báu người Chăm
Người dân thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai) gọi hòn đá có khắc kí tự lạ tại thôn mình là “hòn đá chữ”. Cách gọi này được truyền từ đời cha ông và đến nay vẫn được dùng bởi nó vẫn còn quá bí ẩn. Mỗi khi có khách lạ tìm đến hỏi về hòn đá chữ, cả thôn lại xôn xao. Chỉ cần ai đó có ý định đập phá hoặc đưa hòn đá về làm tài sản thì tức khắc bị dân làng ngăn chặn. Dân làng làm vậy chẳng phải để chiếm giữ kho báu mà bởi họ muốn giữ gìn một di vật gắn với cha ông và bằng chứng lịch sử của vùng đất.
Ngay trên triền đồi có một cánh đồng mía trải dài bạt ngàn. Giữa cánh đồng mía cao phủ đầu người là một mảnh đất hoang và giữa mảnh đất um tùm cây bụi ấy là hòn đá chữ. Tảng đá trông rất bình thường, cao khoảng 2m, chân rộng 1,5m, thu nhỏ dần về phía đỉnh. Điều đặc biệt là cả 2 mặt đá đều có những dòng chữ lạ chằng chịt trông như chữ Chăm cổ được khắc chìm. Bên mặt lớn của tảng đá có 8 dòng chữ, mặt nhỏ có 3 dòng.
Ông Võ Xuân Thành - trưởng thôn Tư Lương kể: Thôn Tư Lương được thành lập từ năm 1959 dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, gốc gác của những người đi khai hoang đều từ tỉnh Bình Định. Ngay từ những ngày đầu khai hoang vỡ đất, các cụ đã phát hiện ra hòn đá lạ với những dòng chữ bí ẩn nên không ai dám đập phá. Ngay cả khoảnh đất xung quanh cũng được giữ lại để cây dại bao bọc hòn đá.
Không ai lý giải được ý nghĩa của dòng chữ nên một thời gian dài dân làng tỏ ra hoang mang pha lẫn tò mò. Bao nhiêu giải thuyết và những lời đồn đại vô căn cứ xuất hiện. Trong số đó có một câu chuyện khiến nhiều người tin là thật. Chuyện kể rằng, vùng đất thôn Tư Lương trước đây là của người Chăm sinh sống. Khi đất nước suy vong, người Chăm đành phải rời bỏ làng mạc nhà cửa, xuôi xuống phía nam. Trước khi đi, họ cất giấu kho báu, đánh dấu bằng hòn đá có khắc chữ và hi vọng có ngày trở về tìm lại.
Cũng theo lời kể, người Chăm đã chôn một đứa bé cùng vàng bạc châu báu để nó canh giữ kho báu. Hòn đá có sức nặng cả tấn được dùng trấn kín miệng hang và dùng ngôn ngữ Chăm để ghi lại. Những bậc cao niên cho rằng muốn tìm được kho báu thì phải đào xung quanh tảng đá để tìm ra miệng hang. Vì vậy, từ khoảng 15 năm trước, nhiều dòng người đã đổ xô lên đây, đào bới tìm kiếm. Song, càng đào họ càng chỉ thấy đất đá trơ trơ chứ chẳng có một mẩu vàng nào nên thất vọng ra về.
|
Xung quanh chân tảng đá bị đào khoét để tìm kho báu. |
Đổ xô tìm kiếm kho báu
Cùng có lòng tham và mơ mộng hão huyền, biết bao người đã lặn lội tìm đến với hi vọng thấy được kho báu. Không hiểu những dòng chữ lạ muốn nói điều gì, song họ vẫn vác cuốc, xẻng đào bới xung quanh tảng đá. Khi chẳng tìm thấy gì, nhiều người còn đào bới tung lung, kiếm tìm vận may ở nương rẫy bốn phía, song đều ra về tay không. Người dân Tư Lương bao năm chứng kiến cảnh hết nhóm người này thất vọng ra về, nhóm người khác lại dắt nhau tìm đến, kho báu thì chẳng thấy đâu còn ruộng đồng bị dẫm phá.
Ông Thành cho biết, trước đây viên đá chỉ cao hơn 1m so với mặt đất. Vì hình dáng to dần về phía chân nên lúc ấy hòn đá nhìn nhỏ nhắn. Về sau, do nhiều người đào sâu xuống tìm kho báu nên tảng đá có chiều cao như bây giờ. Một số thanh niên còn đập vào đỉnh phiến đá khiến hình thù của nó mới thay đổi như ngày nay. Tuy nhiên, cũng có nhiều lời đồn cho rằng tảng đá đang biến đổi, cao lớn dần theo thời gian. Nó lớn là để che chắn, bảo vệ kho báu của người Chăm khỏi bị xâm phạm.
Ông Trần Xuân Thái - phó thôn Tư Lương cho biết, cách đây khoảng 10 năm có một đoàn người đến thôn để tìm hiểu về hòn đá chữ. Những người này sau khi xem xét những dòng kí tự lạ đã xác định được hai địa điểm bí ẩn ở khu vực lân cận. Họ biết chính xác được rằng cách 2km về phía nam có một tảng đá hình mui rùa. Trên lưng tảng đá có một dấu chân người bí ẩn. Theo lời truyền thì đây là dấu chân của Cao Biền, một viên tướng nhà Đường (Trung Quốc) ngày xưa. Cách hòn đá về phía tây có một cái giếng cổ được cho là của người Chăm. Tuy nhiên năm 1974 nó đã bị máy ủi san lấp phục vụ việc khai hoang.
Câu chuyện của nhóm người lạ mặt càng khiến những lời đồn thổi về kho báu, mà hòn đá chữ chính là tấm bản đồ chỉ dẫn, bay xa. Song dù xục xạo tìm kiếm vẫn không một ai tìm thấy kho báu như đồn đại.
|
Ông Võ Xuân Thành kể lại chuyện về hòn đá chữ. |
Dân làng khổ sở vì canh giữ “báu vật”
Theo gia đình đến đây sinh sống từ những ngày còn bé, ông Thành cho biết ông đã biết tới hòn đá từ những lần đi chăn bò. Lớn lên, ông Thành cũng cùng bạn bè đi đào bới tìm kiếm. Sau một hồi lục lọi mà chẳng thấy gì, ông Thành và nhóm bạn đành bỏ cuộc. Vì bị món lợi sai khiến nên nhiều người trong làng cũng mang cuốc, xẻng kéo ra đây đào bới. Sau này, những người ở nơi khác nghe đồn về tảng đá lạ cũng lũ lượt kéo về, gồng gánh tìm vận may.
Sau bao nhiêu năm chứng kiến sự thất bại của những nhóm người đi tìm kho báu, người dân Tư Lương đã không còn mặn mà với cái gọi là “kho báu” đó nữa. Nhắc lại những lời đồn, trai gái già trẻ đều cười trừ như nhớ đến một thời suy nghĩ ảo tưởng, hồ đồ của mình. Tuy nhiên, dù chăm lo làm ăn sinh sống, cuộc sống người dân nơi đây vẫn chẳng được bình yên bởi cơn sốt vàng chưa bao giờ lắng xuống.
Mới đây, thôn Tư Lương lại một phen rúng động khi một đại gia ở phố Núi đã quyết định thuê máy móc cẩu tảng đá về làm cảnh trong vườn nhà. Biết được sự việc, người dân đã kéo nhau ra ngăn chặn. Theo họ, đó là là tài sản của dân làng nên không ai có quyền chiếm đoạt.
Ông Thái tâm sự: “Dân làng chúng tôi coi hòn đá chữ như một phần di sản mà cha ông đã để lại. Dù chuyện gì có xảy ra thì người làng vẫn muốn hòn đá được tôn tạo, bảo vệ, tránh bị thời gian và kẻ xấu làm hư hại. Còn việc cá nhân nào có ý định muốn đưa hòn đá về làm tài sản riêng thì trước hết phải thông qua chính quyền và dân làng Tư Lương”.
Mặc cho bao lời đồn đại và những cuộc đào bới, hòn đá chữ vẫn còn giữ nguyên vẻ cổ xưa và khoác lên mình chiếc áo bí ẩn. Hiện người dân địa phương mong muốn các nhà khoa học có những nghiên cứu chính thức để giải mã ý nghĩa các ký tự. Có như thế mới dẹp bỏ được những lời đồn đại và cuộc sống của dân làng mới được bình yên.
Theo Lao Động