Kể cả các cụ cao niên trong làng cũng bảo, khi lớn lên họ đã thấy cò đậu trắng cả một vùng trong làng. Nhưng lạ kỳ thay đến một ngày không hiểu vì lý do gì đàn cò đi kiếm ăn rồi không về nữa, dân làng hoang mang...
Đảo cò có hàng nghìn năm
Ông Hoàng Văn Thị cho biết: Trước đây ông từng làm Trưởng làng Nga Thượng, khi làm báo cáo về lịch sử của đảo cò có hỏi mấy cụ cao niên trên một trăm tuổi, họ đều nói rằng khi lớn lên đã thấy đảo cò. Còn ông Đào Hữu Cách (nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn) có nhiều năm thu thập tư liệu nghiên cứu về đảo cò. Đảo cò nơi đây có từ bao giờ cho đến nay ông vẫn chưa biết chính xác, nhưng theo nghiên cứu của cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, Viện Cây trồng Việt Nam về nghiên cứu vào năm 1966 khẳng định, đảo cò có cách nay khoảng trên nghìn năm.
"Nhóm nghiên cứu của cố GS.VS Vũ Tuyên Hoàng căn cứ trước đây trên đảo có một ngôi đền tên là Hoa Cư, đền thờ ông tướng nhà Lê tên là Lê Tích từ năm 968. Xưa kia đó là ngôi đền to lớn, nhưng trải qua thời gian giờ ngôi đền không còn nữa. Hiện tại ở giữa đảo cò vẫn còn nền móng gạch của đền", ông Cách cho hay.
Ông Cách kể: Đảo cò nằm ở giữa hồ nước, trong đó là một rừng cây rậm rạp nên nhiều loại chim về đây sinh sống. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cò là nguồn thực phẩm cho người dân và cho lực lượng dân quân tự vệ. Hàng nghìn, hàng vạn con cò mới ra đời đã bị người dân săn bắt làm thức ăn. Thời hòa bình người dân trong làng ăn chán, họ lại bắt mang đi nơi khác bán.
Nhiều người xót xa, sợ rằng cứ đà này thì cò trong đảo sẽ bị tận diệt. Nhưng lạ kỳ thay, lứa cò này bị bắt thì có đàn cò khác đến đẻ trứng để nở con. Dù bị tận diệt nhưng cò không di cư đi vùng khác mà vẫn ở giữa lòng đảo, nhiều người dân cho rằng đó là nhờ có ngôi đền nằm ở giữa đảo nên đã "hút cò" từ khắp nơi quy tụ về đây.
|
Chiều tối, cò lại quây quần trên đảo. |
Ngọc sinh...
Ông Cách có nhiều năm nghiên cứu về đảo cò, ông muốn đi tìm lời giải về việc vì sao nhiều nơi có cây cối xum xuê nhưng cò không neo đậu mà cò vẫn lựa chọn hòn đảo của làng Nga Thượng để ở.
Theo truyền thuyết (tài liệu văn hóa Thiền) kể lại: Xưa kia có một nàng công chúa của Ngọc Hoàng phạm tội ăn quả cấm, vua sai người đưa công chúa xuống trần gian để phạt. Sau 3 năm bị đày xuống hạ giới, công chúa được trở lại thiên đình. Vui mừng khi công chúa trở về Ngọc Hoàng đã cho mở tiệc mời các quan khách đến ăn uống. Trong số khách mời đó có Phật Bà Quan Âm, để lên dự yến tiệc Phật Bà cưỡi rồng, tay cầm viên ngọc để lên tặng công chúa.
Phật Bà đi từ phương Bắc, khi đi đến dãy núi Hàm Rồng bây giờ, con rồng thấy núi Đọ (Thiệu Hóa) trắng sáng cả vùng trời khiến rồng hoa mắt, giật mình bay chao đảo khiến Quan Âm làm rơi viên ngọc lưu ly. Sau này người dân Thanh Hóa cũng đặt tên là núi Ngọc, cầu Hàm Rồng từ sự tích đó.
Bực tức quá khi bị mất viên ngọc Phật Bà đã sai Thiên Lôi chặt con rồng làm ba phần, hai phần giữa và đuôi bay tản mạn đi khắp nơi. Riêng phần đầu rơi xuống xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn được người dân gọi là hồ Nga. Phần đầu của con rồng có mắt, lưỡi là những phần tinh túy nhất của con rồng. Chính phần đó người dân cho rằng nó nhả ngọc (tức là ngọc sinh). Nhờ thế mà quanh năm suốt tháng cò từ bốn phương quây tụ về đây, tạo cho nơi đây một khung cảnh tuyệt đẹp.
Theo Dư địa chí Thanh Hóa thì hồ Nga là một vụng nước của sông Hoàng đã có hàng nghìn năm nay. Vùng đất Triệu Sơn trước đây có nhiều cánh đồng thẳng cánh cò bay, vựa lúa của Thanh Hóa. Vì thế, nơi đây có điều kiện thuận lợi để cho chim muông quy tụ về sinh sống.
|
Ông Cách vui mừng khi cò bỏ đảo đi 4 tháng đã trở về. |
Cả làng hoang mang vì cò không về tổ
Ông Thị cho hay, những năm trước chính quyền địa phương chưa bảo vệ cò, người dân trong vùng ra sức tận diệt cò. Mỗi ngày người dân bắt hàng trăm, hàng nghìn chú cò để ăn thịt. Chính vì thế lượng cò ở đảo giảm hẳn. Thậm chí năm 2000 lượng cò nơi đây giảm hơn một nửa, sau đó chính quyền xã mới giao cho Công an xã quản lý, nhờ thế mà đàn cò được bảo vệ tốt hơn.
Ông Thị vừa ngắt lời thì ông Cách lên tiếng, giọng trầm buồn: "Tháng 4 vừa qua cả xã Tiến Nông hoang mang, khi bỗng vào một ngày cò đi kiếm ăn rồi di cư sinh sống nơi khác. Hàng vạn con cò bình thường vẫn đậu trắng cả một vùng bỗng chỉ còn một bãi hoang. Khi đó nhiều người cho rằng cò bỏ đi, trong làng có chuyện chẳng lành. Có những kẻ mê tín phao tin làng bị động long mạch nên cò không muốn sinh sống ở đây nữa. Thông tin đó khiến cho dân chúng hết sức hoang mang".
Nhiều vị lãnh đạo trong xã Tiến Nông cũng hoảng loạn, họ đến nhờ ông Cách tư vấn lấy cơ sở để trấn an người dân. Ngay sau đó xã đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để trấn an dư luận, chấm dứt việc phao tin nhảm gây bức xúc trong nhân dân.
Trong suốt 4 tháng (từ tháng 4 - 8 vừa qua) làng Nga Thượng thiếu vắng bóng cò, người dân buồn bã. Ông Cách thở dài: "Rất may sau 4 tháng cò đã trở về, từ trẻ con đến người già đứng bên đường nhìn về những chú cò đậu trên cây mà vui mừng khôn xiết. Những chú cò đã trở về, cuộc sống người dân trở lại yên bình".
Theo ông Cách, việc cò dời đảo đi một thời gian cũng có lý do: Cò sinh ra lớn lên ở đây và cũng có thể chúng di cư đến một nơi khác sinh sống, đó là quy luật của tự nhiên không có thể ai cản được. Nhưng xét về khía cạnh môi trường sống của cò thì đây là vấn nạn nhức nhối. Từ khi chính quyền xã Tiến Nông đồng ý cho Công ty Hoàng Anh đấu thầu một phần diện tích mặt nước của đảo để thả cá và chăn nuôi thì cảnh quan nơi đây bị phá vỡ. Công ty Hoàng Anh đã ngăn diện tích được bao thầu để thả cá và chăn vịt khiến cho môi trường trong đảo cò bị ô nhiễm.
Theo ông Cách thì ô nhiễm môi trường, cùng với nạn săn bắt cò chính là nguyên nhân khiến cho cò trên đảo di cư đi nơi khác. Sau sự kiện đó chính quyền địa phương mới tìm giải pháp để bảo vệ cò. Hiện chính quyền địa phương giao cho Công an xã trông coi bảo vệ cò suốt ngày đêm.
Ông Cách bảo: Cò là vật báu trời đất ban tặng cho dân làng, bao đời nay người dân cố gắng bảo quản, giờ con cháu không giữ gìn là có tội với cha ông...
Ngày 10/5/1994, Sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Thanh Hóa) quyết định công nhận đảo cò là di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh. Hiện nay, chính quyền xã đẩy mạnh việc bảo vệ cò, cấm việc săn bắt dưới mọi hình thức. Xã Tiến Nông mong muốn sẽ quy hoạch toàn bộ khu vực đảo cò thành khu du lịch sinh thái.
Ông Lê Xuân Bảy (Phó ban Quản lý di tích lịch sử đảo cò)
Hồng Đức