Chiếc nồi của chánh tổng Mường Khoòng
Theo chân ông Ba, chúng tôi đến gia đình anh Hà Duy Phương, Phó bản Hiêu. Tháng trước gia đình anh Phương có việc cần dùng đến nồi đồng để đun nấu, nên nó vẫn được gia đình anh bảo quản.
Cụ Hà Văn Đứng, năm nay ngoài 80 tuổi kể: "Theo tiếng Thái chiếc nồi này gọi là Mó Tong, nó tồn tại ở bản từ nhiều năm nay. Cụ Đứng từng được nghe các cụ cao niên kể lại rằng, chiếc nồi mà dân bản đang sở hữu chính là chiếc nồi của ông Hà Văn Nhì, Chánh tổng Mường Khoòng xưa kia. Tên của ông được khắc trên thành của chiếc nồi, bên cạnh đề năm sản xuất nồi là 1929".
Theo cụ Đứng, trước đây Mường Khoòng là vùng đất rộng lớn, bao gồm tới 11 xã của huyện Bá Thước bây giờ. Bản Hiêu thuộc xã Cổ Lũng cũng thuộc trong địa giới của Mường Khoòng. Năm 1949, đồn Cổ Lũng, nơi thực dân Pháp cấu kết với bọn quan lang, chánh tổng chiếm giữ đã bị quân dân ta đánh bại. Ngay sau khi được giải phóng chính quyền nơi đây đã tịch thu ruộng đất, tài sản của chế độ cũ để chia cho dân bản trong vùng. Bản Hiêu khi đó được chia 1ha ruộng, cùng chiếc nồi khổng lồ làm chất liệu bằng đồng.
|
Ở xung quanh thân nồi có khắc chữ Hán. |
Trưởng bản Hà Văn Ba cho biết: "Chúng tôi đã cân đo chiếc nồi, nó có chỉ số sau: Chiếc nồi nặng 83kg, có chiều rộng 110cm, sâu 100cm, xung quanh khắc các họa tiết đơn giản cùng các chữ Hán, phía bên trong cạnh nồi có khắc chữ quốc ngữ đề là Hà Văn Nhì. Từ xa xưa chiếc nồi là vật dụng dùng chung cho cả dân bản. Mỗi dịp lễ, Tết, người dân đều dùng tới chiếc nồi này để nấu nướng thức ăn. Có năm mùa màng bội thu dân bản quyết định thịt tới hai con bê, để ăn uống. Hai chú bê chặt nhỏ cho vào nồi đồng luộc vẫn vừa. Đối với dân bản chiếc nồi được xem như vật báu vật. Vì thế, khi đi đâu người dân cũng mang nó đi theo. Có năm chiến tranh chống thực dân Pháp sợ bom đạn phá hủy nồi, mọi người huy động mấy trai tráng khoẻ mạnh trong bản dùng cột gỗ chắc chắn xiên qua quai nồi để khênh vào rừng cất giấu".
Trả lại nồi vì... mất ngủ
Trên bếp lửa trong căn nhà sàn của gia đình anh Hà Văn Phương, chúng tôi được dân bản kể về những câu chuyện thật lạ kỳ xung quanh chiếc nồi đồng. Những câu chuyện đó họ từng chứng kiến. "Năm 1974 khi đó dân bản chúng tôi thiếu ăn, phải di cư xuống xã Điền Hạ (huyện Bá Thước) để làm kinh tế mới. Dân bản mang đồ đạc, dụng cụ sinh hoạt đi cùng và trong đó không thể thiếu chiếc nồi đồng. Nhưng việc khai hoang, lấy đất sản xuất nông nghiệp không được như ý. Xuống dưới đó, đời sống cũng không khá khẩm hơn. Chính vì thế, nhiều người đã bỏ về.
Vừa thất vọng, vừa quá mệt mỏi, không đủ sức để mang chiếc nồi đồng về bản, do đó, chúng tôi đã để lại chiếc nồi cho người dân dưới Điền Hạ dùng. Nhưng lạ kỳ thay, một thời gian sau bỗng có đoàn người dân ở Điền Hạ gánh chiếc nồi đồng trả về bản chúng tôi. Họ nói rằng, không hiểu thế nào cho nước vào nồi đun cả ngày mà nước không sôi. Từ khi chiếc nồi hiện hữu ở Điền Hạ nhiều gia đình không ngủ được, làm ăn thất bát", anh Phương kể.
|
Anh Phương cho biết, chiếc nồi đồng gắn liền với nhiều câu chuyện khó tin nhưng có thật. |
Không phải chỉ người dân xã Điền Hạ không "vận hành" được chiếc nồi khổng lồ này mà ngay cả người dân bản Hiêu cũng có lúc không sử dụng được nồi. Hiện tượng đó xảy ra cách đây mấy năm khi đám thanh niên trong bản dùng chân cho củi vào để đun nước, nhưng lạ kỳ thay củi cháy đùng đùng vài giờ đồng hồ mà nước trong nồi vẫn lạnh ngắt.
|
Tết đến, dân bản tin rằng, dùng nồi đồng nấu nước tắm sẽ mang lại may mắn. |
Bán nồi để làm… đường
Ông Ba cho hay, những năm trước biết dân bản nơi đây có chiếc nồi quý, nhiều kẻ buôn đồ cổ vượt rừng, lội suối về bản thuyết phục người dân bán nồi. Họ đã ngã giá với số tiền cao, nhưng dân bản cương quyết không bán. Nhiều hôm sợ kẻ trộm, dân bản còn mang nồi chôn xuống đất để giấu. Năm ngoái, nhiều người dân có ý kiến đề xuất làm đường cho cháu đi học. Nhưng sợ mọi người không có tiền đóng góp. Thấy vậy, ông Ba đã họp với dân bản lấy ý kiến về việc bán nồi đi để lấy tiền làm đường. Sau đó, đa số đều biểu quyết việc bán nồi.
Ông Ba kể: "Dù biết bán nồi đi, ai nấy đều buồn rầu. Nhưng vì muốn các cháu đến trường thuận tiện mà mọi người cũng chấp nhận bán nồi. Vào buổi chiều dân bản rước một nhóm chuyên đi mua đồng nát vào bản xem nồi. Sau khi trao đổi, chúng tôi đã đồng ý bán chiếc nồi đó với giá 80 triệu đồng cho nhóm mua đồng nát. Họ lấy hết sức mới có thể vác chiếc nồi lên xe, nhưng không hiểu tại sao người lái xe vừa đi một đoạn bỗng bị hộc máu mồm. Cả nhóm sợ hãi quá đã quay đầu xe, mang trả lại nồi cho dân bản và xin lại tiền".
|
Trên thành nồi có dòng chữ khắc "Hà Văn Nhì" - chủ nhân nồi xưa kia. |
Hiện chiếc nồi đồng vẫn được đặt tại gia đình anh Phương, tuy nhiên anh không cho vào nhà mà ngày đêm vẫn để ngoài sân. "Tôi không hiểu sao, khi để nồi vào nhà mọi người trong gia đình không thể ngủ được. Đêm đến cứ chợp mắt một lúc mọi người lại tỉnh dạy. Chính vì thế, tôi thử đặt nồi ra ngoài sân thì mọi người lại ngủ bình thường", anh Phương cho biết.
Những điều lạ kỳ đó, chính người dân nơi đây cũng không giải thích được. Nhưng chỉ có điều, họ cho rằng vì người mua đồng nát đó mang nồi đi. Vì thế, họ đã bị thần nồi phạt đến hộc máu mồm.
Từ khi người mua đồng nát trả nồi lại, người dân nơi đây không còn có ý định bán nồi đi nữa. Hôm phóng viên đến, hơn một trăm mét đường trong bản đã được làm. Số tiền làm đường đó, được dân bản lấy từ việc bán sắn, ngô.
Anh Phương cho hay, mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân trong bản thường tập trung lại, lấy nước từ thác Hiêu, cùng lá rừng mang về cho vào nồi đồng đun sôi. Sau đó, mỗi người múc một gáo dội lên người. Họ cho rằng, làm như vậy bản thân và gia đình sẽ được thần nồi phù hộ. Họ sẽ được mạnh khoẻ và no ấm cả năm.
Đại Cát