Nhiều cây cổ thụ ở HN bị chặt ĐV quản lý không biết?

Google News

(Kiến Thức) - "Có 17 cây cổ thụ bị chặt hạ mà chúng tôi là đơn vị quản lý trực tiếp lại không biết", Phó Giám đốc Cty CP môi trường đô thị Hà Đông nói.

Xung quanh việc chặt hạ và thay thế hàng loạt cây xanh ở Hà Nội, để đảm bảo an toàn cho đơn vị thi công, vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội, trong buổi họp ngày 22/1, ông Bùi Đình Mạnh - Phó Giám đốc công ty cổ phần môi trường đô thị Hà Đông, Hà Nội bức xúc nói: “Hàng cây xà cừ trên đường Trần Phú đang do chúng tôi quản lý, chăm sóc, nhưng khi Sở xây dựng tiến hành chặt hạ, chúng tôi lại không biết”.
Nhieu cay co thu o HN bi chat DV quan ly khong biet?
Hàng loạt cây xà cừ trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú bị chặt hạ.
"Có 17 cây bị chặt hạ mà chúng tôi là đơn vị quản lý trực tiếp lại không được biết về việc này. Vậy tôi hỏi việc đó có đúng hay không", ông Mạnh hỏi trong buổi họp báo.
Trả lời ông Mạnh, ông Trần Trọng Hiếu - Trưởng phòng quản lý Hạ tầng, môi trường và công trình ngầm - Sở Xây dựng Hà Nội lý giải: “Tuyến cây xanh trên trục đường chính như Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung là do thành phố trực tiếp quản lý. Còn việc thông báo cho Công ty cổ phần môi trường đô thị Hà Đông, tôi đề nghị phía UBND quận Hà Đông phải có văn bản thông báo cụ thể về việc này”.
Ngay sau khi ông Hiếu giải thích, ông Mạnh liền phản bác rằng: “Công ty vẫn đang được giao trực tiếp quản lý, chăm sóc số cây xà cừ trên đường Trần Phú, tại sao không được thông báo về việc chặt hạ này. Chỉ đến lúc người dân gọi điện hỏi về việc chặt cây xà cừ trên đường Trần Phú chúng tôi mới biết”.
Theo Sở Xây dựng, trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú sẽ cho chặt hạ 144 cây xà cừ cổ thụ, trong đó có 21 cây cong nghiêng, sâu mục; 123 cây ảnh hưởng đến an toàn tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Khi chặt hạ, Sở đã phân công các đơn vị chức năng giám sát chặt chẽ, thu hồi củi gỗ ngay tại hiện trường, định giá theo quy định của Sở Tài chính để trừ vào quyết toán. Sở Xây dựng khẳng định sẽ không để xảy ra thất thoát.
Trước ý kiến chỉ đốn hạ đối với những cây xanh cong, sâu đục có nguy cơ đổ gãy, còn cây cao lớn thì nên cắt tỉa, ông Hiếu lý giải cây xà cừ không nằm trong danh sách cây xanh đô thị. Đây là loại cây có thân lớn, tán rộng nhưng thuộc nhóm rễ chùm có nguy cơ bật gốc cao khi xảy ra mưa bão cần dứt điểm đốn hạ để đảm bảo tuyệt đối an toàn thi công, vận hành tuyến đường sắt trên cao.
Nhieu cay co thu o HN bi chat DV quan ly khong biet?-Hinh-2
Những hàng cây xà cừ 100 tuổi trên các tuyến phố bị chặt hạ thì rất đáng tiếc.
"UBND TP Hà Nội cũng đã lên kế hoạch thay thế hàng cây này bằng cây lát hoa, sao đen", ông Hiếu nói.
Trước đó, Sở Xây dựng đã kiểm tra cấp phép cho chủ đầu tư chặt hạ 112 cây, dịch chuyển 91 cây nằm trong mặt bằng xây dựng các nhà ga, trụ cầu và cắt tỉa 79 cây có cành vươn vào phạm vi thi công lao dầm trên tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú.
Theo ông Hiếu, việc chặt hạ và di chuyển cây xanh tại đoạn đường trên sẽ hoàn thành xong trước ngày 15/2. Đơn vị thực hiện là Cty TNHH MTV Công viên cây xanh (trên đường Nguyễn Trãi), Công ty cổ phần Thương mại công nghệ Bình Minh (trên đường Trần Phú, Hà Đông). Đơn vị giám sát, nghiệm thu công tác thực hiện là Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị Sở Xây Dựng.
Tiến Dũng

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Phạm Tuân -

Thực sự rất tiếc, với sức sống mãnh liệt của xà cừ thì chỉ cần cắt hết cành to, giữ lại thân cây nó vẫn sẽ phát triển rất tốt không cần thiết phải đào tận gốc, trốc tận rễ.

toi -

TẾT ĐẾN NƠI RỒI, THỊ TRƯỜNG GỖ LẠI ĐANG CÓ GIÁ. CHẶT VẬY SAO KHÔNG ĐÚNG???

Hiển thị thêm bình luận