Leo thang Biển Đông: Kẻ xâm lăng cuốn xéo khỏi đất Việt!

Google News

(Kiến Thức) - Dân tộc Việt Nam không bao giờ gây chiến với quốc gia khác. Khi chủ quyền dân tộc bị xâm phạm, sức mạnh của người Việt trỗi dậy mạnh mẽ hơn nhiều so với súng đạn, gươm dao.

Kẻ dùng đến vũ lực là bất lực
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, đối với người Việt, khi đứng trước những khó khăn lớn, nguy cơ đe dọa mạng sống của cả động đồng thì tình đoàn kết và tính tập thể sẽ nổi lên rõ ràng. Người Việt chỉ cầm vũ khí khi kẻ thù quyết xâm lược non nước này, quyết bắt dân tộc này làm nô lệ. 
Và khi dân tộc này đã đứng dậy đánh đuổi quân cướp nước thì bao giờ cũng vậy, dù tàn bạo đến đâu, tinh nhuệ đến đâu kẻ xâm lăng cũng phải cuốn xéo khỏi mảnh đất Việt thiêng liêng. Vì dân ta có sức mạnh yêu nước kết hợp với sức mạnh của tinh thần đoàn kết thành một khối hướng theo ngọn cờ yêu nước. Hội nghị Diên Hồng của quân dân thời nhà Trần là một minh chứng sinh động.
Đạo lý thương người của dân tộc này, tính cách yêu chuộng hòa bình của dân tộc này đã hun đúc nên một quan niệm ứng xử với kẻ xâm lược: Kẻ dùng đến vũ lực là bất lực. Vì thế mà văn hóa giữ nước của tổ tiên ta truyền đời cho con cháu sau này là phương châm chiến lược "Mưu phạt tâm công", coi trọng việc đánh vào lòng người là quan trọng nhất.  Điều ấy hoàn toàn phù hợp, đúng hơn, là hệ quả của một tính cách Việt chuộng hòa bình, hiếu sinh chứ không hiếu sát.
Ảnh trong bộ ảnh “Hướng về biển Đông - Chạm vào Tổ Quốc”. 
Sức mạnh của chính nghĩa
Theo PGS.TS Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển, làn sóng yêu nước cuồn cuộn trỗi dậy mỗi khi đất nước bị xâm lăng chứ không bao giờ hiếu chiến, kiêu ngạo là bởi tính hòa hiếu coi trọng nhân nghĩa. Bởi đứng ở chính nghĩa nên tạo được sự đồng thuận xã hội, đồng thuận quốc tế cao. Chính nghĩa cũng là một thứ sức mạnh vô song. Vấn đề Biển Đông đang diễn ra, dư luận trong nước bất bình vì chủ quyền dân tộc bị xâm phạm thì dễ hiểu, nhưng dư luận quốc tế cũng hết sức phẫn nộ bởi đó là sự xâm lược của nước lớn với nước bé. Việt Nam đứng ở phía chính nghĩa, ở chân lý, ở cái đúng, thì luôn được ủng hộ.
PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Viện Nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo cho rằng, sức mạnh của người Việt được kết tinh từ hai bộ phận chính: Sức mạnh dân tộc (nội lực) và sức mạnh thời đại (quốc tế). Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là quan điểm cơ bản của Đảng và cũng là một bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Thời đại ngày nay, ngoài lòng yêu nước, sử dụng sức mạnh chính nghĩa, giải pháp pháp lý sẽ như là một công cụ, vũ khí lợi hại. Bởi giải pháp chạy đua vũ trang hay kinh tế, Việt Nam khó có thể ngang bằng với các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Đây là điểm mạnh của chúng ta, vượt xa các quốc gia khác.
Đối với vấn đề biển Đông, giải pháp pháp lý được coi là một trong những hệ giải pháp quan trọng nhất, an toàn và hiệu quả nhất trong tổng thể các giải pháp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên biển Đông. Hơn nữa, thông qua việc sử dụng các luận cứ, luận chứng pháp lý được xây dựng trên cơ sở pháp luật quốc tế - cán cân công lý của thời đại, được cả cộng đồng quốc tế xây dựng và tuân thủ - càng tiếp thêm sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam trước cộng đồng khu vực và quốc tế.
 
Tài của người lãnh đạo
Theo PGS.TS Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa thì tình yêu thương đùm bọc nhau là sức mạnh, nhưng trải qua nhiều thời kỳ lịch sử cho đến ngày nay, nền kinh tế thị trường đã làm cho chủ nghĩa yêu nước, tình yêu thương giữa con người với nhau, tính cộng đồng, làng xã gắn kết... đã ít nhiều bị phai nhạt. Sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa của Việt Nam, đáng mừng là tinh thần yêu nước, sự phẫn nộ với hành vi xâm lược của người dân lại dấy lên. Điều đó cho thấy, dù có những giai đoạn lùi lại, dù có đôi khi người ta mải mê với hội nhập mà có chút lãng quên, thì từ trong sâu thẳm, chủ nghĩa yêu nước vẫn cứ hằn sâu trong trái tim người Việt. Chiến thắng của các cuộc đấu tranh chống xâm lược của các cường quốc là bởi những người lãnh đạo đất nước đã biết vận dụng, phát huy sức mạnh đó.
Nhiều người đặt câu hỏi và lo lắng, nếu xảy ra biến cố, liệu người Việt có thể gắn kết với nhau giống như đã từng gắn kết trong lịch sử? Theo nhận định của PGS.TS Trần Văn Bính thì lòng yêu nước đã có trong gen của người Việt. Nguyên nhân của sự phai nhạt đó là do phân hóa xã hội nặng nề, phân biệt giàu nghèo lớn, nhưng chắc chắn khi cùng chung một chí hướng, lòng yêu nước đang âm ỉ sẽ vẫn cứ rấy lên. Người trẻ dù đâu đó quen thói ăn chơi, quen lối sống hưởng thụ, thì khi động đến độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, chắc chắn lòng yêu nước vẫn sẽ trỗi dậy.
Còn theo GS Hoàng Chương, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, xu thế toàn cầu hóa, thế giới phẳng đang là thách thức tạo ra sự biến động, không ổn định của văn hóa dân tộc. Văn hóa đang bị xâm nhập mạnh bởi văn hóa ngoại lai, nhưng chắc chắn không người Việt Nam nào mất đi tình yêu văn hóa dân tộc mình. Nó sẽ trỗi dậy, khi có điều kiện buộc phải trỗi dậy.
Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, chưa và sẽ không có một lý giải đủ căn cứ hay đủ sức thuyết phục về sức mạnh tiềm ẩn của người Việt. Nó muôn đời vẫn là những bí ẩn bởi cũng giống như trong chính cuộc sống, trong tự nhiên, trong xã hội, cũng có những thứ mà khoa học đến nay chưa thể lý giải, chỉ có thể hiểu một phần nào đó.
"Người Việt Nam chưa bao giờ thích chiến tranh và cũng không bao giờ có giấc mộng bá chủ. Người Việt yêu hòa bình trong suốt cả dặm dài lịch sử. Phương châm "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" được cha ông thực hiện xuyên suốt trong lịch sử. Sức mạnh của người Việt, có lẽ bởi nó toát ra từ chính việc không coi mình là mạnh, không hung hăng hống hách, sống coi trọng chữ tình, coi trọng danh dự hơn sức mạnh".
GS.TS Trần Văn Bính
Bảo Khánh