Chân lý ngàn đời
GS Hoàng Chương, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho rằng, sức mạnh của người Việt chính là sức mạnh văn hóa. Con người được sinh ra trên nền văn hóa và gắn chặt với nó. Yêu quê hương máu thịt, làng xã hội hè hát hò, lao động sản xuất... đã ngấm vào máu của người Việt. Dù có ở đâu, làm gì, địa vị xã hội ra sao thì cái chất văn hóa trong con người Việt không hề mất đi.
GS Hoàng Chương kể: “Tôi có một người quen sống ở Khánh Hòa. Anh này quê ở Bắc Ninh, đi bộ đội về sau giải phóng thì lập ra đình và ổn định cuộc sống ở Khánh Hòa. Dù công việc của người này là lái xe tải kiếm sống, nhưng lúc nào anh này luôn khao khát, thèm thuồng được nghe hát quan họ. Anh ấy bảo với tôi, sống mà không được nghe quan họ thì không phải là sống nữa. Vậy là tôi phải tìm mua các đĩa hát quan họ gửi vào tặng anh ấy. Tôi tự hỏi vì sao quan họ lại quan trọng đến vậy với anh ấy, vì sao bài chòi cũng là một nghệ thuật đặc trưng ở Khánh Hòa, nhưng lại không thể hút hồn anh ấy?”.
Theo GS Hoàng Chương thì bản năng của con người là bảo vệ văn hóa của mình, bằng mọi giá bảo vệ nó, nếu ai phá vỡ thì họ sẽ vùng lên bằng mọi giá bảo vệ. Văn hóa bao hàm nghĩa rộng lớn. Một ví dụ đơn giản nhất, nếu bạn đến một vùng nào đó, bạn chê hát quan họ, ca trù, ví dặm... là không hay thì chắc chắn người ta sẽ lên tiếng mắng ngay. Bác Hồ chính là một biểu trưng về con người văn hóa, danh nhân văn hóa. Trước khi mất, Người chỉ mong ước được nghe lại câu hò ví dặm của quê hương Hà Tĩnh. Con người càng yêu quê hương thì sẽ càng yêu Tổ quốc. Bảo vệ văn hóa là bảo vệ độc lập dân tộc.
Dân tộc Việt Nam sinh ra trên mảnh đất có một nền văn hóa lâu đời, càng yêu thương thì càng bảo vệ, đó là chân lý đã tồn tại hàng nghìn đời.
|
Ảnh trong bộ ảnh: “Hướng về biển Đông - Chạm vào Tổ quốc”. |
Ít quốc gia được như thế!
Tôi tự hỏi, chắc chắn quốc gia nào cũng có nền văn hóa riêng, người dân quốc gia nào cũng yêu Tổ quốc mình, vậy thì điểm khác biệt của người Việt đó là gì? GS Hoàng Chương giải thích, đúng là nước nào cũng có nền văn hóa, nhưng không phải nước nào cũng có nền văn hóa lâu đời đến mức trở thành hồn cốt của dân tộc như Việt Nam. Có những quốc gia văn hóa lai căng, bị văn hóa ngoại lai xâm nhập vào nên không có một nền văn hóa thống nhất.
Ví dụ dễ thấy nhất là nước Mỹ. Họ có nền văn hóa nhập cư của rất nhiều chủng tộc khác nhau. Mỹ là cường quốc thế giới bởi họ có tiềm lực vật chất rất mạnh. Một số quốc gia nội chiến xảy ra liên miên một phần vì họ không có nền văn hóa ổn định lâu đời. Chính sự lộn xộn của văn hóa tạo điều kiện nảy sinh mâu thuẫn xã hội, dẫn đến đánh, chém giết lẫn nhau. Ví dụ như ở Iraq, một quốc gia rất mạnh ở Cận Đông nhưng văn hóa lại có sự tranh chấp mạnh mẽ giữa nhiều đảng phái. Rồi Thái Lan cũng vậy. Bạo loạn cũng có từ đó.
Nhưng Việt Nam thì khác. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất và ổn định, không có sự phân hóa tranh chấp. Nên khi đất nước lâm nguy, toàn dân sẵn sàng nổi dậy đoàn kết thống nhất thành một khối hành động. Sự đồng lòng nhất trí ấy tạo nên sức mạnh vô cùng mãnh liệt, không một máy bay tàu chiến súng đạn nào có thể thắng được. Nền văn minh Sông Hồng, văn hóa làng xã, lối sống trọng tình cảm, trọng tín nghĩa, ưa thích hòa bình, hòa hảo... đã tồn tại nhiều nghìn đời nay của dân tộc Việt Nam. Nhìn lại lịch sử, nhìn lại những chặng đường đã đi qua, có một điều chắc chắn là văn hóa, tình yêu quê hương, cái hương vị “canh rau muống, cà dầm tương” của người Việt không bao giờ mất đi. Sức mạnh văn hóa không thể công phá, bởi nó nằm trong tâm thức. Nó vô hình, nhưng sức mạnh thì vô hạn.
Ở Việt Nam, mỗi vùng miền có một nền văn hóa khác nhau, nhưng nằm trong tổng thể chung thống nhất. Từ đờn ca tài tử, cải lương, chèo, đến quan họ, hát xoan, hát xẩm, từ lối sống vùng sông nước đến các tập tục canh tác ở rẻo cao, văn hóa đa sắc màu ấy ẩn rất sâu trong tâm thức mỗi con người. Khó ai có thể định nghĩa nó bằng một từ nào khác ngoài từ văn hóa Việt Nam.
Vì sao Việt Nam?
GS Hoàng Chương cho rằng, vì sao Việt Nam chiến thắng là một câu hỏi không dễ gì có lời giải thỏa đáng. Việt Nam không chiến thắng bằng súng đạn. Chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của một nền văn hóa lâu đời, có sức trường tồn vĩnh cửu. Người lính ra trận đứng vững trên nền văn hóa đó để chiến đấu. Văn hóa chính là tình yêu quê hương, xóm làng, tình yêu cha mẹ, tình yêu lứa đôi, tình yêu nơi mình chôn nhau cắt rốn. Đây chính là sức mạnh tinh thần vô biên. Sức mạnh ấy tưởng không ai nhìn thấy. Sức mạnh ấy có thể chiến thắng mưa bom bão đạn, dìm chết những công nghệ quân sự tiên tiến nhất. Chính những người lĩnh Pháp, Mỹ đã phải thừa nhận họ không thể ngờ sức mạnh của người Việt lại kinh khủng như vậy. Sức mạnh ấy đến giờ vẫn là nỗi ám ảnh đối với họ. Rõ ràng đó không phải là trận thắng của vũ khí, mà chính là chiến thắng của văn hóa.
Bởi thế khi đất nước lâm nguy, nhà cửa có thể bị đập phá nhưng văn hóa thì không. Theo PGS.TS Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển, người Việt Nam uống chung một nguồn nước, sinh ra trong một bọc, thụ hưởng một nền giáo dục truyền thống, lối sống truyền thống, suy nghĩ truyền thống... Chính nó tạo nên sức mạnh mà từ tận trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người, tình yêu ấy, văn hóa ấy luôn ấp ủ, chờ dịp bùng cháy. Ngày nay, sự biến đổi của cuộc sống, văn hóa, con người cũng bị ảnh hưởng. Sự ổn định của văn hóa truyền thống đã không còn nhiều, sự đe dọa của văn hóa ngoại lai đang mạnh mẽ. Nhưng chắc chắn một điều, dù có thế nào, mỗi người Việt vẫn còn ẩn chứa hồn Việt, đó là hồn cốt văn hóa Việt.
“Còn văn hóa là còn tất cả. Sự đe dọa mất đi của văn hóa không khác gì sự đe dọa mất đi độc lập chủ quyền, đấu tranh văn hóa cũng cam go không khác gì đấu tranh trên chiến trường. Bởi vậy mà ngay cả khi đất nước đang ầm ào khí thế sục sôi chống kẻ thù xâm lược ở chiến trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kêu gọi người dân giữ gìn văn hóa, coi văn hóa tư tưởng cũng là một mặt trận quyết liệt”. GS Hoàng Chương
Bảo Khánh