Cội nguồn sức mạnh Việt đánh bại mọi kẻ thù

Google News

(Kiến Thức) - Hơn bốn nghìn năm phát triển, dân tộc Việt trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh và kiên cường chiến đấu, chiến thắng trong tất cả những cuộc chiến ấy dù nhỏ bé.

Thực tại, có không ít người nghi ngờ sức mạnh ấy đã không còn, đã bị suy yếu bởi những toan tính cơm áo gạo tiền, bởi cuộc sống nhung lụa đã tước đi sức mạnh trước hòn tên mũi đạn... Không hề. Sức mạnh đó luôn trường tồn và đang trỗi dậy trước tình hình biển Đông. Vậy, cội nguồn sức mạnh ấy có từ đâu?
Vùng đất sình lầy
Sinh ra trong điều kiện tự nhiên khó khăn, tính cộng đồng, gắn kết quyết định đến sự tồn tại của cả dân tộc. Tính cộng đồng của người Việt hình thành từ chính điều kiện tự nhiên.
GS.TS Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển cho rằng, văn hóa không chỉ là động lực để phát triển kinh tế - xã hội mà còn là nội lực. Sức mạnh tinh thần sẽ trở thành sức mạnh vật chất khi được đặt trong những hoàn cảnh buộc phải bộc lộ. Lòng yêu nước, tính cộng đồng của người Việt được hình thành cùng với sự hình thành phát triển của dân tộc. Người Việt thủa xa xưa được sinh ra ở vùng đất sình lầy, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, phức tạp. Phía Bắc giáp Trung Quốc rộng lớn, phía Đông là biển Thái Bình Dương, phía Tây núi non hiểm trở, con người Việt Nam từ khi mở nước đến sau này đã tự ý thức phải dựa vào nhau và gắn bó với nhau trong một cộng đồng, tập thể để tồn tại và phát triển.
Nắng lắm mưa nhiều, thú dữ hoành hành, khí hậu khắc nghiệt... là những yếu tố buộc con người muốn tồn tại thì phải tựa vào nhau. “Núi cao bởi có đất bồi”, đây chính là gốc rễ lý giải tính cộng đồng ấy ở người Việt. Các truyền thuyết “Lạc Long Quân – Âu Cơ” hay truyền thuyết về 100 con voi thành 100 ngọn núi ở Đền Hùng đã nói đến mối quan hệ đồng bào, máu mủ của những người mang trong mình dòng máu Việt.
PGS.TS Trần Ngọc Vương, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng quan điểm lý giải, tính cộng đồng của người Việt có được là bởi sự đồng nhất, cùng hội cùng thuyền, cùng cảnh ngộ nên người Việt luôn sẵn sàng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn, coi con người trong cộng đồng như anh em một nhà. Do đồng nhất (giống nhau) cho nên người Việt luôn có tính tập thể rất cao, hòa đồng vào cuộc sống chung. Sự đồng nhất (giống nhau) cũng chính là ngọn nguồn của nếp sống dân chủ, bình đẳng bộc lộ trong các nguyên tắc tổ chức nông thôn theo địa bàn cư trú, theo nghề nghiệp, theo giáp.
 
Con người gắn kết từ làng xã 
Việt Nam là dân tộc sớm có nền văn hoá riêng, phong phú, những tập quán riêng, một nền văn hoá mà tiêu biểu là trống đồng, thạp đồng, đình, chùa, miếu mạo, và một nền văn học nghệ thuật dân gian đặc sắc dân tộc. Yếu tố văn hoá bản địa thấm sâu vào ý thức mỗi người Việt Nam hình thành nên lòng tự hào về truyền thống văn hoá, ý thức tự cường dân tộc. Từ đó nảy sinh ý thức cộng đồng dân tộc, ý thức phải giữ gìn bản sắc văn hoá của mình. 
Theo GS.TS Trần Văn Bính thì chính văn hóa làng xã đã tạo nên tính cố kết cộng đồng, dân tộc và ý thức cá nhân vì tập thể của người Việt. Làng xã Việt Nam đã phát huy được ý thức tập thể, tinh thần chủ động và sáng tạo của mọi người. Ý thức cộng đồng được củng cố bền chặt trong những phong tục tập quán kéo dài từ đời này qua đời khác. Những thể lệ về canh tác ruộng đất chung, những giao ước trong việc giúp đỡ nhau xây dựng nhà cửa, những quy tắc trong sinh hoạt gia đình, làng xóm, những chuẩn mực đạo đức xã hội... vừa là sản phẩm của ý thức cộng đồng Việt Nam, vừa là nhân tố cấu kết nó.
Các chuyên gia văn hóa lý giải, trong cộng đồng làng xã, người ta coi trọng danh dự hơn vật chất bởi “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Hành vi của từng cá nhân cũng được điều chỉnh thông qua dư luận, qua thái độ khích lệ ủng hộ hoặc chê cười lên án của dân làng. Bị khai trừ ra khỏi làng là hình phạt nặng nhất đối với người nông dân trong xã hội truyền thống. Tinh thần cộng đồng kích thích tính năng động tham gia của mọi người vào các hoạt động tập thể xem đó là bổn phận, trách nhiệm của mình. Với ý thức cộng đồng, người Việt Nam đặt lợi ích cộng đồng cao hơn lợi ích cá nhân, lợi ích Tổ quốc cao hơn lợi ích gia đình. Mỗi cá nhân đều cảm thấy tình cảm sâu sắc nhất và hạnh phúc cao nhất của mình là được sống giữa tình yêu thương của gia đình, làng xã và Tổ quốc. 
 
Đảo ngũ là nỗi nhục của làng
Nhiều cuộc hội thảo, nhiều đề tài nghiên cứu để đi tìm câu trả lời vì sao Việt Nam chiến thắng đã được thực hiện. Nhưng dường như chưa lý giải nào được cho là đầy đủ, thỏa đáng. GS.TS Trần Văn Bính cho rằng, từ góc nhìn văn hóa, tính làng xã, cấu kết cộng đồng là cội nguồn sức mạnh. Trong cái cộng đồng đó, bất cứ một cá nhân nào đi ngược lại với những chuẩn mực chung cũng bị lên án gay gắt, không thể tồn tại. Khi đất nước có chiến tranh, lớp lớp thanh niên mong muốn được ra chiến trường, được cống hiến, đã có những lá đơn bằng máu. Là bởi trong cộng đồng đó, người ta trọng danh dự, lòng tự trọng. Ra trận, không phải là chuyện bắt buộc hay chỉ là khoảnh khắc bột phát nảy sinh - nó là tâm thức Việt, được nuôi dưỡng ngàn đời, qua nhiều thế hệ, thấm sâu trong dòng máu văn hóa làng quê Việt, dân tộc Việt. Nếu một ai đó trốn nghĩa vụ, chưa cần đến luật pháp, thì ngay lập tức họ đã bị cả làng lên án, xỉ vả, coi thường.
Với làng quê Việt Nam, kẻ trốn nghĩa vụ quân sự, bất kể lý do nào cũng bị chê cười. Họ sẽ lạc lõng, cô đơn, bên ngoài cộng đồng. Anh ta sẽ bị người làng khinh bỉ, vì đó là kẻ hèn, suốt đời phải sống trong mặc cảm xấu hổ. Đấy là câu chuyện ở làng quê, của cuộc sống gắn kết, “tắt lửa tối đèn”, của “tình tương thân tương ái”... sống - chết, hạnh phúc và khổ đau cùng nhau chia sẻ ở làng quê Việt. Vì vậy, hành động xả thân ra trận của họ là sẵn có tính tự giác, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, chứ không phải chỉ vì luật nghĩa vụ quân sự đơn thuần.
Ra chiến trường, biết là phải đối mặt với cái chết, nhưng tinh thần người lính vẫn phơi phới lạc quan. Là bởi nếu không thắng thì họ sẽ chết. Họ không thể lùi bước, không thể thua, không thể đào ngũ. Họ phải hoàn thành một thứ mệnh lệnh, không phải từ cấp trên, mà đó chính là nỗi mong chờ và khao khát, niềm tin hy vọng và cả niềm tự hào của người yêu, gia đình bố mẹ, họ hàng và cả làng quê của họ ở phía sau hậu phương. Họ chiến đấu và chiến thắng vì hậu phương, và sẵn sàng xả thân hy sinh. Giá trị này không phải là chuyện bỗng dưng mà là câu chuyện của tâm thức, của văn hóa ngàn đời đã tích tụ lại trong con người họ. Dòng máu sẵn sàng hy sinh để chiến thắng, và chỉ chiến thắng mới là người đàn ông có nhân cách, đạo đức, được mọi người tôn vinh, kính nể cho dù họ biết đó là cái chết... 
(còn tiếp)
Ưu điểm của tính cộng đồng là dễ quy tụ được 1 tập thể đoàn kết, gắn bó để đạt được mục tiêu chung. Cũng nhờ tính cộng đồng mà dân tộc Việt Nam dễ tập hợp thành một tập thể đại đoàn kết để bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhưng một cộng đồng quá coi trọng tính tập thể thì yếu tố cá nhân bị lu mờ, vai trò và lợi ích của cá nhân không được coi trọng. 
Bảo Khánh