Là một trong những xe tăng nổi tiếng nhất trong thời gian đầu lịch sử chiến tranh lạnh, sức mạnh cũng như tiếng tăm của chiếc xe này được cả Liên Xô cũng như các nước Đồng Minh phương Tây phóng đại. Sự hiện diện của nó đã làm tiền đề cho nhiều thiết kế xe tăng hạng nặng hậu chiến sau này như M103, FV 214 “Conqueror” và AMX-50. Tuy nhiên, sau những lần tham chiến có phần đáng thất vọng, sự thật về năng lực của IS-3 mới được vén màn cho công chúng ngày nay.
Trước hết, hãy quay về Thế chiến 2 vào ngày 8/4/1944. Khi đó, một báo cáo từ hội đồng an ninh quốc gia Liên Xô cho thấy xe tăng Tiger của Đức có thể xuyên được giáp trước của chiếc xe tăng hạng nặng IS-2 ở cự li từ 1.000-1.200m, còn với chiếc Panther thì có thể làm điều tương tự ở cự li 900-1.000m. Chính vì vậy, việc cải thiện lớp giáp của chiếc IS-2 là việc tất yếu.
Vào mùa xuân năm 1944, cục thiết kế số 100 và cục thiết kế Kirov bắt đầu trình bày đề xuất cải tiến giáp xe tăng cho IS-3. Thiết kế của nhà máy số 100 thì sở hữu thiết kế tháp pháo cải tiến và phiến giáp trên được bố trí theo kiểu “mũi giáo”, còn thiết kế của nhà máy Kirov thì sở hữu tháp pháo loại đúc nhưng vẫn duy trì phiến giáp nghiêng truyền thống.
|
Chiếc xe tăng hạng nặng IS-3 hiếm hoi còn nguyên vẹn tới nay. Ảnh: Flickr.
|
Trong khi chiếc xe của nhà máy số 100 thì không chứng minh được tính tin cậy của mình thì chiếc Kirovest-1 của nhà máy Kirov đã có màn trình diễn tốt hơn. Thiết kế của nhà máy Kirov được chọn làm tiền đề phát triển thêm, tuy nhiên các chuyên gia đã quyết định kết hợp thiết kế kiểu mũi giáo của nhà máy số 100 và tháp pháo đúc của nhà máy Kirov. Ngày 16/12/1944, theo chỉ thị số 729, nhà máy Kirov được lệnh sản xuất 10 nguyên mẫu để thử nghiệm và chiếc xe được nhận số hiệu “703”.
Tuy chúng được không tham chiến vào năm 1945 do việc thiếu kíp lái có kĩ năng vận hành xe, chúng vẫn được ra mắt tại cuộc duyệt binh chiến thắng ở Berlin vào ngày 7/9/1945. Chúng để lại ấn tượng sâu sắc với những khách mời đến từ các nước phương Tây và tạo nên một làn sóng thiết kế xe tăng hạng nặng với mục đích chỉ để đánh bại những con quái thú đến từ Liên Xô.
|
Xe tăng hạng nặng IS-3 luôn tỏ ra "quá tải" với điều kiện đường xá ở Liên Xô thười bấy giờ. Ảnh: Flickr.
|
Thật vậy, với phiến giáp trên có thể chống chịu pháo PaK 43 ở mọi cự ly cũng như một khẩu pháo chính uy lực. IS-3 hoàn toàn có thể thống trị chiến trường Đông Âu nơi mà không có xe tăng Đức nào có thể xuyên được lớp giáp dày của nó. Nhưng Thế chiến 2 đã kết thúc và những nhược điểm của IS-3 càng lộ rõ với bộ chỉ huy Liên Xô.
Đầu tiên là động cơ và hộp số của nó. Với một chiếc xe nặng 46,5 tấn, bộ truyền động của những mẫu IS-3 đầu tiên không đủ để có thể duy trì được tốc độ cao. Thứ hai là với việc vỏ xe rung rất nhiều khi di chuyển dẫn đến những hư hại gây ra cho động cơ lẫn bộ truyền động của xe.
Tiếp đến là lớp giáp của xe. Những nguyên mẫu đầu tiên được đúc từ thép 70L có chất lượng rất thấp, chúng bắt đầu nứt từ khi mới được đem đến trường bắn và sau 29 phát bắn gần như bị vỡ hoàn toàn. Thiết kế kiểu mũi giáo dù có khả năng bảo vệ ưu việt trước pháo PaK 43, lại mất đi tính hiệu quả khi bị bắn từ những góc không chính diện.
|
IS-3 cũng là mẫu xe tăng hạng nặng đã "kết liễu" kỷ nguyên của loại phương tiện chiến tranh đắt đỏ, cồng kềnh và tốn tài nguyên này. Ảnh: Flickr.
|
Và cuối cùng là hỏa lực của xe, tuy khẩu pháo D-25TS là một vũ khí đáng gờm trong Thế chiến 2, nhưng khả năng xuyên phá khi sử dụng đạn AP của Liên Xô vẫn quá kém, nó không thể xuyên thủng được chiếc Tiger II và họ cũng hiểu rằng việc xe tăng Đức bị tiêu diệt bởi đạn HE 122 mm là do Đức sử dụng các hợp kim kém chất lượng. Đồng thời, không gian tháp pháo IS-3 vô cùng chật chội so với những xe tăng Liên Xô cùng thời, khiến cho khả năng nạp đạn của xe là vô cùng vất vả.
Việc nguyên mẫu đầu tiên của T-54 được hoàn thành vào giữa những năm 1945 với pháo D-10T có sức xuyên phá ưu việt hơn, đồng nghĩa rằng mọi nỗ lực nâng cấp và sản xuất IS-3 được nhà máy Kirov chấm dứt vào năm 1946. Chiếc IS-4 cũng không có số phận khá khẩm là bao cho dù với bộ giáp cực kì dày của mình thì những vấn đề về động cơ cũng như khối lượng quá lớn cũng khiến cho nó dành phần đời còn lại của mình để bảo vệ vùng Viễn Đông của Liên Xô.
Lê Quang (theo History)