Vào hôm 12/2, Đô đốc Philip S. Davidson tại cuộc điều trần ở Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đã cung cấp thông tin về việc Việt Nam đang có ý định đặt mua máy bay huấn luyện cánh quạt T-6 Texan II, UAV trinh sát không người lái Scan Eagle và nhận thêm tàu tuần duyên lớp Hamilton.
Nếu như việc Việt Nam muốn có thêm một chiếc tàu tuần tra 3.200 tấn nữa hay nhận UAV trinh sát Scan Eagle là điều không gây thắc mắc vì đây đều là các phương tiện mà chúng ta đang thiếu thì máy bay huấn luyện T-6 lại gây ra ngạc nhiên lớn.
Sở dĩ như vậy là vì hiện nay phi công quân sự Việt Nam đang được đào tạo huấn luyện trên máy bay cánh quạt Yak-52 và nếu theo đà tiếp nối thì phải tiến lên Yak-152 chứ không phải là chiếc T-6 khác hệ đang sử dụng, nguyên nhân là do đâu?
|
Máy bay huấn luyện sơ cấp T-6 Texan II của Không quân Mỹ. |
Theo đánh giá từ các nhà phân tích, việc có dự định đặt mua máy bay huấn luyện Mỹ chắc chắn là bước dọn đường để tiến tới sở hữu tiêm kích phản lực trong tương lai, bởi vì trước đó phi công cần làm quen nền tảng điều khiển mà không thể thực hiện trên phi cơ do Nga sản xuất.
Máy bay T-6 Texan II được thiết kế với buồng lái kỹ thuật số có khả năng mô phỏng hoàn hảo thao tác điều khiển của các chiến đấu cơ thế hệ 4 đang phục vụ trong Không lực Hoa Kỳ, tất cả các phi công Mỹ đều phải trải qua dòng T-6 trước khi được nâng lên các dòng máy bay cao cấp hơn.
Mặc dù bề ngoài của máy bay huấn luyện T-6 trông giống như đã ra đời cách đây nửa thế kỷ nhưng thực chất nó lại được tích hợp hệ thống điện tử hàng không cực kỳ hiện đại đúng theo chuẩn Mỹ và NATO, giúp phi công tránh khỏi bỡ ngỡ khi làm việc với tiêm kích phản lực sau này.
|
Tiêm kích hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon của Không quân Mỹ. |
Trong thời gian qua, Không quân Việt Nam vẫn đang tích cực tìm kiếm một dòng tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 4 nhằm thay thế số MiG-21 đã nghỉ hưu cũng như chuẩn bị cho việc phi đội Su-22 cũng sắp đến thời hạn ngừng bay.
Đã có khá nhiều thông tin về việc Việt Nam thực hiện các cuộc tiếp xúc với nhiều nhà sản xuất phương Tây để tìm hiểu tính năng của chiến đấu cơ JAS 39 Gripen hay Eurofighter Typhoon nhưng giá thành quá cao của chúng được đánh giá là trở ngại chính.
Giải pháp khả thi nhất đối với Việt Nam là mua những chiếc tiêm kích F-16 đã qua sử dụng đang được lưu trữ tại căn cứ Davis-Monthan, đây là phương án tối ưu khi đáp ứng được cả hai tiêu chí giá thành và tính năng kỹ chiến thuật.
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam từng cung cấp khá nhiều thông tin về các nhóm học viên phi công của chúng ta sang nước bạn để tìm hiểu về tiêm kích, nay lại thêm thông tin quan tâm máy bay huấn luyện T-6 Texan II thì có lẽ chính là dấu hiệu rõ ràng nhất của việc F-16 có thể có mặt tại Dải đất hình chữ S.
Theo Tùng Dương/Đất Việt