73 năm trước, phe Đồng minh đã tạo nên một bước ngoặt trong cuộc đại chiến thứ 2 của nhân loại bằng cuộc đổ bộ lên Normandy, Pháp. Ngày 6/6/1944, 7.000 tàu chiến các loại, 12.000 máy bay và 160.000 binh lính tiến vào bờ biển nước Pháp trong cuộc đổ bộ lớn nhất lịch sử nhân loại.
Cuộc đổ bộ được các nhà sử học nhận định là một kỳ tích, đỉnh cao của nghệ thuật quân sự và cuộc đổ bộ quy mô lớn như thế có thể sẽ không bao giờ lặp lại trong chiến tranh hiện đại. Cuộc đổ bộ lớn nhất của Mỹ trong 60 năm trở lại đây là Chiến dịch Chromite, cuộc đổ bộ lên bờ biển Incheon, Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, cuộc đổ bộ có quy mô lớn như Ngày D có thể sẽ không bao giờ lặp lại trong chiến tranh hiện đại. Vậy đâu là nguyên nhân?
|
Lực lượng tàu chiến, xe quân sự khổng lồ tập kết ở bờ biển Normandy trong cuộc đổ bộ lớn nhất lịch sử nhân loại. Ảnh: Wikipedia. |
Số phận những cuộc đổ bộ đường biển quy mô lớn được định đoạt khi quả bom hạt nhân do Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản ngày 6/8/1945. Chỉ một quả bom được ném xuống như đã phá hủy toàn bộ thành phố và khiến khoảng 90.000 người thiệt mạng.
Đô đốc Chester Nimitz, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II sớm nhận ra rằng, thứ vũ khí khủng khiếp này có thể quét sạch cả một hạm đội khổng lồ trên biển. Những năm sau Thế chiến II, Hải quân Mỹ đã tiến hành các thử nghiệm về mức độ phá hủy của bom hạt nhân đối với các tàu chiến trên biển tại quần đảo Bikini.
Năm 1946, Mỹ đã đem một tàu sân bay, một tàu chiến của Nhật đầu hàng trong chiến tranh, cùng một số tàu chiến nhỏ, tàu chở hàng, tàu đổ bộ neo gần bờ và cho nổ đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ khoảng 23 kt. Kết quả đội tàu bị xóa sổ hoàn toàn, cho dù vụ nổ không đánh trực tiếp vào tàu.
Các nhà phân tích nói rằng, hãy tưởng tượng vũ khí hạt nhân phát nổ giữa đội hình trong cuộc đổ bộ Ngày D, và bạn hiểu lý do tại sao những cuộc đổ bộ khổng lồ không thể tồn tại trong kỷ nguyên hạt nhân.
|
Binh lính Mỹ tiến lên bờ biển từ xuồng đổ bộ. Ảnh: LA Times. |
Tuy vậy, cuộc đổ bộ Ngày D không đơn giản chỉ là cuộc đổ bộ lên bờ biển mà còn là nghệ thuật chiến tranh. Phe Đồng minh phải chiến đấu theo cách riêng để vượt qua phòng tuyến của quân đội Đức quốc xã. Đợt tấn công đầu tiên, 50% quân số bị tổn thất trước vũ khí phòng thủ của Đức như súng trường, súng máy, pháo binh.
Ngày nay vũ khí công nghệ cao có sức phá hủy gấp nhiều lần và độ chính xác rất cao, đặc biệt, tên lửa chống hạm được mệnh danh là “sát thủ cho những cuộc đổ bộ”. Ngày nay, ngay cả những lực lượng phiến quân như Hezbollah cũng sở hữu tên lửa chống hạm.
Trong chiến tranh Falklands năm 1982, những máy bay chiến đấu Argentina phóng tên lửa chống hạm Exocet đánh chìm một số tàu chiến Anh. Trong khi đó, tên lửa Exocet vẫn chưa nguy hiểm bằng những tên lửa chống hạm hiện đại của Nga như Yakhont, hay một số tên lửa mới của Trung Quốc.
Những cuộc đổ bộ từ biển chắc chắn sẽ còn diễn ra trong chiến tranh hiện đại, vì đây dường như là cách duy nhất để chiếm lĩnh lãnh thổ đối phương. Hải quân Mỹ sở hữu hàng chục tàu đổ bộ tấn công, mỗi tàu có thể chở theo hàng trăm thủy thủ, xe tăng và vũ khí khác.
Nhưng các cuộc đổ bộ từ biển có thể chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ sau cuộc tập kích bằng đường không và vũ khí dẫn đường công nghệ cao. Cuộc đổ bộ như Ngày D có thể là duy nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại.
Quốc Minh