Truyền thông phương Tây cho biết, quân đội Ukraine đã triển khai ít nhất một hệ thống tên lửa đất đối không S-300V1 “quý hiếm” còn lại của họ, tới chiến trường Donbass; đây hiện là hệ thống tên lửa đất đối không cao cấp nhất, hiện còn trong kho vũ khí của Quân đội Ukraine.
Ngày 12/6, xe phóng và xe radar của tên lửa S-300V1 này đã được phát hiện thấy ở Lisichansk, nơi Quân đội Ukraine đang giao tranh ác liệt với Quân đội Nga.
Tên lửa đất đối không S-300V1 là tên lửa đất đối không tầm xa, dùng để phòng không chiến trường; so với tên lửa phòng không vác vai Stinger nổi tiếng của Mỹ, thì đây là loại tên lửa phòng không cơ động tầm bắn xa hơn, cao hơn và mạnh hơn nhiều lần.
S-300V có thể thực hiện đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật và không quân của đối phương. Nhưng cho đến nay, chưa có thông tin nào về việc quân đội Nga triển khai tên lửa đạn đạo ở khu vực Lisichansk.
|
Ảnh: Hệ thống phòng không tầm xa S-300V1 của Ukraine lộ diện, khi đang cơ động về hướng Lisichansk. Nguồn Sina |
Mặc dù S-300V và dòng S-300P nổi tiếng đều được gọi là tên lửa S-300, nhưng về cơ bản chúng có nhiều điểm khác biệt mà chúng ta có thể dễ dàng phân biệt, đó là một hệ thống sử dụng khung gầm bánh xích (S-300V) và một hệ thống sử dụng khung gầm bánh hơi (S-300P).
Quân đội Ukraine đã thừa kế cả S-300P và S-300V của Quân đội Liên Xô. Trong đó loại S-300P, bao gồm S-300PT đời đầu và S-300PS đời trung. Đây là những hệ thống phòng không sử dụng khung gầm bánh lốp, chủ yếu bảo vệ các mục tiêu trọng yếu như thành phố và sân bay.
Ngoài ra Quân đội Ukraine cũng được kế thừa một số hệ thống tên lửa đất đối không S-300V, sử dụng khung gầm bánh xích cải tiến, của xe tăng chiến đấu chủ lực T-80.
|
Ảnh: Trận địa hệ thống phòng không tầm xa S-300V1 của Ukraine. Nguồn Sina
|
S-300V là hệ thống phòng không tầm xa, có thể phóng hai loại tên lửa khác nhau; một loại tên lửa chủ yếu để đánh chặn các mục tiêu có cánh trên không như máy bay các loại; một loại phương tiện sử dụng bệ phóng kép, dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Hệ thống phòng không S-300V chủ yếu đi cùng với các binh đoàn bộ binh cơ giới, để bảo vệ các mục tiêu quan trọng như trận địa tấn công và phòng ngự lớn, trung tâm chỉ huy. Vì là hệ thống phòng không dã chiến, nên S-300V nhỏ gọn hơn; radar và hệ thống phóng tên lửa, được tích hợp trên một xe xích.
|
Ảnh: Radar của hệ thống phòng không tầm xa S-300V1 có khả năng bắt mục tiêu tàng hình nhất định. Nguồn Sina |
S-300V1 là mẫu nâng cấp của S-300V với hiệu quả chiến đấu cao hơn. Hệ thống này được triển khai ở Lisichansk và sẽ là mối đe dọa đối với nhiều loại máy bay chiến đấu mới của Nga, bao gồm cả máy bay chiến đấu Su-35 và Su-34.
Đồng thời, S-300V1 cũng có khả năng tác chiến chống tàng hình nhất định, đây có thể là lý do khiến quân đội Ukraine triển khai loại tên lửa này. Vì quân đội Nga thông báo, đã điều máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 đến chiến đấu ở Ukraine.
|
Ảnh: Quân đội Nga đưa chiến đấu cơ tàng hình vào chiến trường Ukraine, đây không phải là mục tiêu để tên lửa Stinger có thể bắn hạ; mà hệ thống S-300V1 hiển nhiên là nhằm vào Su-57.
|
Và hiển nhiên, lãnh đạo Quân đội Ukraine hy vọng sẽ bắn hạ từ 1 đến 2 máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 trên chiến tuyến Lisichansk; điều này sẽ thúc đẩy tinh thần rất nhiều cho Quân đội Ukraine và cũng là một đòn giáng mạnh vào Quân đội Nga.
Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống phòng không dã chiến như vậy ở Lisichansk cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định đối với Quân đội Ukraine.
Do hai bên hiện đang giao tranh ác liệt xung quanh thành phố, hiện Quân đội Nga bao vây ba mặt và các vị trí phòng không của Ukraine cũng nằm trong tầm bắn của các bệ phóng tên lửa tầm ngắn và pháo của quân đội Nga.
|
Ảnh: Bệ phóng đôi của S-300V1 để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Nguồn Sina
|
Đồng thời, một khi Quân đội Nga chọc thủng tuyến phòng thủ, phương tiện phóng S-300V1 rất lớn, cồng kềnh rất khó cơ động và rút lui, nhiều khả năng sẽ bị bỏ lại hoặc bị phá hủy trong trận chiến.
Tiến Minh