Tuyệt chiêu giúp Mỹ thâu tóm hàng chục chiến cơ Liên Xô

Google News

Khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, rất nhiều quốc gia thành viên trước đây đã được hưởng một phần kho vũ khí "khủng" của Hồng quân Liên Xô.

Một trong những trường hợp lý thú nhất liên quan đến lực lượng Không quân của Moldova, một nước cộng hòa nhỏ bé từng thuộc Liên Xô. Phần "thừa kế" sau năm 1991 dành cho quốc gia có dân số thậm chí còn ít hơn cả thành phố Portland thuộc bang Oregon, Mỹ này bao gồm 34 máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum, 8 trực thăng quân sự Mi-8 Hip và một số ít máy bay vận tải.
Tuyet chieu giup My thau tom hang chuc chien co Lien Xo
MiG-29 là một trong những mẫu tiêm kích uy lực nhất do Liên Xô chế tạo. Ảnh: The National Interest 
Moldova đã không thể duy trì dàn máy bay quân sự trên. Thậm chí, nước này còn rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Trong khi đó, Mỹ e sợ Moldova sẽ bán các tiêm kích MiG-29 cho Iran, nước đang có tham vọng tăng cường sức mạnh cho dàn chiến đấu cơ của mình.
Washington cũng lo ngại Chính phủ Moldova có thể chuyển giao công nghệ cho các đối thủ của Iran, vì dàn máy bay chiến đấu của nước này bao gồm cả 14 phiên bản tiêm kích MiG-29C, được điều chỉnh để có thể mang vũ khí hạt nhân.
Vì vậy, vào năm 1997, Mỹ đã sử dụng công cụ mạnh nhất để thâu tóm hàng chục chiếc tiêm kích MiG-29 cho mình. Công cụ đó là ... tiền. Washington mua 21 chiếc MiG-29 trong dàn tiêm kích của Moldova, bao gồm 14 chiếc MiG-29C, một chiếc MiG-29CB và 6 chiếc MiG-29A, rồi tháo rời chúng để chuyên chở bằng các máy bay vận tải C-17 đến Dayton, bang Ohio, Mỹ.
Việc mua lại các tiêm kích từ Moldova không chỉ là một cách tốt để đảm bảo chúng không lọt vào tay Iran, mà còn mang tới cho Mỹ cơ hội tuyệt vời để nghiên cứu một trong những mẫu máy bay chiến đấu phức tạp nhất mà Liên Xô từng chế tạo. Đổi lại, Moldova nhận được 40 triệu USD viện trợ nhân đạo, một số xe tải quân sự và các vũ khí không sát thương khác.
Moldova đã bán phần còn lại trong các khí tài quân sự thừa kế từ Liên Xô cho Eritrea và Yemen.
Theo tạp chí Hàng không và Vũ trụ, Mỹ đã phân bổ các máy bay MiG-29 mới chiếm đoạt được cho hàng loạt các cơ quan thử nghiệm, trung tâm tình báo và những "cơ sở khai thác" của Không quân nước này giải phẫu và nghiên cứu.
MiG-29 được đánh giá là mẫu máy bay nguy hiểm và vô cùng uy lực vào thời điểm đó. Các tên lửa Archer AA-11 trang bị cho loại tiêm kích này quá phức tạp vào những năm 1990, vì chúng có khả năng khóa mục tiêu bằng một hệ thống chỉ điểm gắn trên mũi ở các góc lớn hơn so với hệ thống cùng chức năng ở các chiến đấu cơ Mỹ.
Một cách ngẫu nhiên, năm 1997 cũng là năm một quốc gia khác ngoài Liên Xô cũ thâu tóm được MiG-29. Quốc gia đó là Israel. Chính quyền Tel Aviv đã thuê được 3 chiếc tiêm kích loại này trong vài tuần từ một quốc gia Đông Âu giấu tên.
Do MiG-29 là mẫu máy bay chiến đấu tân tiến nhất Liên Xô từng bán cho các khách hàng Ảrập - Iraq và sau này là Syria, nên Israel chắc chắn vô cùng hoan hỉ khi có cơ hội trực tiếp thử nghiệm và đánh giá nó.
Các phi công Do Thái được giao nhiệm vụ thử nghiệm tỏ ra vô cùng ấn tượng với MiG-29. Mặc dù khác với các chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất đã quen thuộc với họ, nhưng những phi công này nói MiG-29 rất dễ điều khiển. Hệ thống máy tính dùng để kích hoạt việc hạ cánh nếu phi công gặp khó khăn thực sự rất đáng chú ý.
"Hệ thống có khả năng ổn định máy bay trong trường hợp phi công bị bệnh chóng mặt và mất phương hướng trong không gian. Những hệ thống như vậy không hề tồn tại trong các máy bay phương Tây, vốn phụ thuộc vào khả năng phi công tự xoay sở xử lý tình huống", Tạp chí Không quân Israel viết vào thời điểm đó.
Một phi công thử nghiệm thậm chí kết luận: "Các tính năng của MiG-29 tương đương và đôi khi còn vượt cả các tính năng của F-15 và F-16 (những mẫu tiêm kích do Mỹ phát triển). Máy bay có tính cơ động cao. Các động cơ của máy bay cũng cung cấp lực đẩy lớn hơn. Các phi công của chúng ta cần phải cẩn trọng trước loại máy bay này trong không chiến. Nếu nó do một chuyên gia được huấn luyện kỹ càng điều khiển, MiG-29 xứng đáng là một đối thủ đáng gờm".
Song, MiG-29 vẫn có nhược điểm là thiếu các hệ thống điện tử và quản lý thông tin để thông báo cho phi công biết những gì đang xảy ra bên ngoài máy bay hoặc họ đang ở đâu. Vì vậy, viên phi công phải tự xem các tờ bản đồ để xác định vị trí của mình.
Nhìn chung, MiG-29 là một mẫu bay thiết kế khá tinh vi về mặt kỹ thuật, nhưng ngày càng lỗi thời so với yêu cầu của chiến tranh trên không trong thế kỷ 21 nếu không được nâng cấp. Hiện nay, MiG-29 vẫn còn được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, chủ yếu ở khu vực Đông Âu, Trung Đông và Nam Á.
Ba Lan hiện đang có trong tay một số tiêm kích MiG-29 vận hành cùng đội chiến đấu cơ F-16 của họ. Điều gây tò mò là, tháng 8/2011, Israel đã ký một thỏa thuận tân trang, hiện đại hóa và đại tu các máy bay MiG-29 cho Ba Lan. Trong khi đó, đối tác cho Israel thuê mẫu tiêm kích này cách đây 21 năm cho đến nay vẫn còn là điều bí mật.
Theo Tuấn Anh/Vietnamnet