Tù binh cuối của Thế chiến thứ 2 và con đường trở về nhà ở thế kỷ 21

Google News

(Kiến Thức) - Ít ai có thể tưởng tượng được rằng người tù binh này đã bị Liên Xô bắt giữ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai tới tận năm 2000 mới có thể trở về quê nhà.
 

Theo The Vintage News, ông Andras Toma - người được chính phủ Nga trả tự do vào năm 2000 được coi là tù binh chiến tranh cuối cùng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Thực tế Liên Xô và Nga không hề muốn giữ ông tới tận… 55 năm trong tù mà chỉ đơn giản là mọi hệ thống đều có kẽ hở và người tù binh chiến tranh xấu số này đã đen đủi mắc kẹt trong kẽ hở của nền tư pháp Liên Xô và Nga suốt hơn nửa thế kỷ trước khi được phát hiện ra và trao trả tự do sau đó.
Tu binh cuoi cua The chien thu 2 va con duong tro ve nha o the ky 21
 Hình ảnh được cho là của Andrea Toma - tù binh chiến tranh có số phận trớ trêu nhất thế kỷ 20. Ảnh: Beyond.
Người tù binh xấu số Andrea Toma mắc kẹt ở Liên Xô/Nga suốt hơn nửa thế kỷ. Năm 1944, ông bị tổng động viên buộc phải gia nhập quân đội Hungaria và chiến đấu ở chiến trường Ba Lan nhằm chống lại bước tiến quân vũ bão của Hồng quân Liên Xô khi đó.
Tất nhiên là Andrea Toma cùng nhiều người lính Đức, Hungaria khác đã mắc kẹt vào vòng xoay của lịch sử rồi bị Hồng quân Liên Xô "nghiền nát" và sau đó bị Liên Xô bắt làm tù binh. Phía Hungaria liệt kê Andrea Toma vào danh sách quân nhân bị mất tích trên chiến trường trong khi ông bị Hồng quân đưa thẳng vào trại tù binh chiến tranh cùng hàng trăm nghìn lính Đức khác.
Tu binh cuoi cua The chien thu 2 va con duong tro ve nha o the ky 21-Hinh-2
Tù binh chiến tranh Đức bị Liên Xô bắt giữ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ảnh: RT. 
Đen đủi cho Andrea Toma, toàn bộ hồ sơ lý lịch của ông khai báo khi bị phía Liên Xô bắt giữ lại bị thất lạc và người đàn ông Hungaria này đã bị đưa nhầm vào trại giam của lính Đức – nơi không có bất cứ ai nói tiếng Hungaria và tất nhiên là binh lính Liên Xô canh gác tại các trại tù binh của Đức cũng không có ai biết thứ tiếng kỳ lạ này.
Đối mặt với một tù binh chiến tranh nói một thứ ngôn ngữ không ai hiểu nổi và luôn trong tinh thần hoảng loạn (vâng, làm sao mà không hoảng loạn được khi không ai hiểu anh đang nói gì), những người lính quản lý trại giam tù binh chiến tranh của Liên Xô đã cho rằng Andea Toma… bị điên – một triệu chứng rất dễ bắt gặp ở binh lính trong chiến tranh khi họ bị tâm thần do bị thương ở vùng đầu hoặc do căng thẳng đầu óc và bị ám ảnh bởi khung cảnh chết chóc đầy rẫy trên chiến trường.
Sự trớ trêu của Andea Toma giờ mới thực sự bắt đầu khi Liên Xô kết luận ông bị điên và đưa ông vào trại tâm thần. Tại đây, càng không ai quan tâm tới nỗi tuyệt vọng của Andea Toma và càng không ai quan tâm tới việc ông đang gào thét bằng thứ tiếng mẹ đẻ Hungaria của mình, người ta cho rằng ông bị điên và chỉ đang lảm nhảm những thứ vô nghĩa.
Sự đen đủi của Andea Toma đến từ việc tiếng Hungaria thực tế lại… không giống bất cứ thứ tiếng nào ở châu Âu. Trong khi tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha khá giống nhau, tiếng Nga và tiếng Ukraine gần như tương đồng và tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh dùng khá nhiều từ mượn của nhau thì không, tiếng Hungaria là thứ ngôn ngữ biệt lập nhất châu Âu, nó có một chút tương đồng với tiếng Đan Mạch và Thuỵ Điển nhưng lại pha trộn thêm một chút âm điệu của tiếng Na Uy – rõ ràng là quá khó để những người quản lý trại tù của Liên Xô ở tận vùng đất trung Á hay thậm chí là ở Viễn Đông có thể tưởng tượng ra người tù binh của mình lại đang nói tiếng Hungaria.
Tu binh cuoi cua The chien thu 2 va con duong tro ve nha o the ky 21-Hinh-3
 Tù binh chiến tranh Đức bị Liên Xô bắt giữ. Ảnh: Beyond.
Trong khi những người tù binh cùng vào tù với Toma lần lượt được trở về nhà trong những năm cuối thập niên 40 đầu thập niên 50 thì ông lại phải vật lộn với cuộc sống biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài bên trong một trại tâm thần ở Liên Xô. Toma cũng gần như không thể học nổi tiếng Nga do đây là thứ tiếng quá xa lạ với ông, theo lời kể của những người từng chăm sóc cho Toma trong trại tâm thần thì ông chỉ có thể nói được những câu đơn giản như đồ ăn, nước uống, đi vệ sinh,…
Năm 2000, giới chức Nga bàng hoàng khi nhận ra họ vẫn đang giữ một người tù binh chiến tranh từ Chiến tranh Vệ quốc – người mà giờ đây đã thành một ông lão ngoài 70 tuổi bị phê trong bệnh án mắc bệnh tâm thần.
Dù người đàn ông này mắc bệnh tâm thần thật thì chính phủ Nga lúc này cũng muốn ông ta được trở về nhà sau hơn nửa thế kỷ xa quê hương. Một chuyên gia ngôn ngữ học ngay lập tức được gọi tới nhà thương điên nơi Toma đang được chăm sóc để giải mã thứ ngôn ngữ mà người đàn ông tâm thần này đang sử dụng.
Với công nghệ của thế kỷ 21, ngay lập tức người ta phát hiện ra Toma đang sử dụng tiếng Hungaria – nhưng lại là một thứ tiếng Hungaria cổ từ cách đây nhiều chục năm, khác khá xa với thứ tiếng Hungaria hiện đại ngày nay và thậm chí những người trẻ tuổi ở Hungaria ngày nay cũng chỉ có thể hiểu được bập bõm thứ tiếng Hungaria được sử dụng từ giữa thế kỷ 20 này.
Ngay lập tức, căn bệnh tâm thần do hội chứng chiến tranh được gạch khỏi bệnh án của Andea Toma, Nga liên hệ với chính quyền Hungaria để trả người và cả đất nước Hungaria nổi sóng phẫn nộ khi biết tin một công dân của quốc gia này đã bị Liên Xô/Nga giam giữ suốt 55 năm và bị gán cho cái mác tâm thần chỉ vì không ai hiểu ông nói gì.
Dựa trên lời khai và trí nhớ còn khá minh mẫn của Toma, người ta đã tìm ra một người em gái và một người em trai của ông hiện vẫn còn sống – những người đã ngay lập tức nhận ra ông vì ông giống hệt người cha quá cố của họ. Kết quả xét nghiệm AND đã xác minh lại điều này là chính xác và ông được trở về nước, sống chung với người em gái của mình.
Tu binh cuoi cua The chien thu 2 va con duong tro ve nha o the ky 21-Hinh-4
 Andrea Toma ở tuổi ngoài 70 được trở về với quê hương và gia đình mình sau 55 năm bị giam giữ ở đất khách quê người và bị coi là người tâm thần. Ảnh: Serve.
Chính quyền Hungaria tỏ ra rất cảm kích với nỗi khổ mà Toma phải chịu đựng trong suốt nửa thế kỷ qua, quân đội Hungaria đã ngay lập tức chi trả cho Toma một khoản tiền kếch sù tương đương với 55 năm lương của ông.
Toma sống khép kín suốt quãng đời ngắn ngủi còn lại, người đàn ông bất hạnh này đã bị bắt làm tù binh khi 19 tuổi và trở về nhà khi đã bước qua tuổi 74. Toma qua đời năm 2004 – bốn năm sau khi ông được trở về nhà, khép lại số phận trớ trêu đầy nghiệt ngã mà ông đã phải chịu đựng gần như suốt cả cuộc đời mình.

Mời độc giả xem Video: Phương tiện được Đức chuẩn bị cho cuộc xâm lược Ba Lan năm 1939.

Tuấn Anh