Tin tức này được loan ra khi Trung Quốc phản ứng với các hoạt động huấn luyện tàu sân bay kép của Mỹ trong khu vực, sử dụng cùng lúc hai tàu USS Ronald Reagan và USS Nimitz. Các cuộc tập trận của Mỹ tập trung vào khả năng tấn công tàu sân bay phối hợp, nhờ vào mạng lưới phức hợp, khả năng chỉ huy và kiểm soát và xung đột trên không. Chúng tạo ra lợi thế lớn khi mang lại các lựa chọn tấn công trên biển bằng cách, về cơ bản, tăng gấp đôi hỏa lực, khả năng giám sát và năng lực vũ khí.
Sử dụng hai tàu sân bay cùng lúc không chỉ giúp tăng khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền ở mức độ lớn hơn, kéo dài thời gian tìm kiếm mục tiêu và cho phép các cuộc tấn công đa nền tảng phối hợp, mà còn cải thiện đáng kể hiệu quả của các cuộc tấn công bằng tên lửa và tàu khu trục. Mỗi nhóm tàu sân bay tấn công bao gồm một tàu sân bay, tàu tuần dương và hai tàu khu trục, mang đến sự kết hợp lớn, tích hợp các vũ khí phóng từ biển, theo National Interest.
|
Thủy thủ và máy bay cảnh báo sớm Hawkeye của hải quân Mỹ trên tàu sân bay. |
Ngoài ra, có lẽ quan trọng hơn, Trung Quốc tuyên bố rằng các tàu sân bay Mỹ cực kỳ dễ bị tổn thương là một câu hỏi còn phải tranh luận và có nhiều cách giải thích khác nhau. Các tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc được nói là có tầm bắn xa tới 900 hải lý và là mối đe dọa đáng kể đối với các tàu sân bay Mỹ. Nhưng trong khi đó, các nhà lãnh đạo hải quân Mỹ đã nói rõ ràng rằng các tàu sân bay Mỹ có thể hoạt động ở những nơi cần thiết bất cứ lúc nào. Có một loạt các yếu tố cần xem xét với điều này.
Đầu tiên, tầm bắn được báo cáo của các loại tên lửa diệt tàu sân bay Trung Quốc này không phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu sân bay đang đi tới trừ khi chúng có hệ thống dẫn đường chính xác và khả năng tấn công các mục tiêu đang di chuyển. Ngoài ra, đương nhiên là vì lý do bí mật, trong khi phần lớn không được mang ra công khai thảo luận, Hải quân Mỹ tiếp tục thúc đẩy nhanh chóng các công nghệ mới cải thiện hệ thống phòng thủ tàu nhiều lớp.
Các tàu sân bay thường xuyên di chuyển theo nhóm tấn công, nghĩa là chúng được bảo vệ bởi các khu trục hạm, tàu tuần dương và các khí tài giám sát và tấn công trên không khác nhau. Thứ hai, Hải quân Mỹ tiếp tục nhanh chóng trang bị cho tàu chiến mặt nước vũ khí laser mới và các hệ thống cảnh báo sớm tiên tiến, có khả năng gây nhiễu tên lửa, ngăn chặn chúng, phá hủy quỹ đạo bay của chúng hoặc đơn giản là bắn hạ chúng.
Hơn nữa, hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Hải quân Mỹ không chỉ bao gồm các cảm biến tầm xa trên không, trong không gian và trên tàu chiến, mà các máy bay đánh chặn trên hạm cũng vẫn tiếp tục được nâng cấp phần mềm để cải thiện độ chính xác.
Ví dụ, tên lửa SM-6 và Evolved Sparrow Missile Block II của Hải quân Mỹ hiện được thiết kế với các nâng cấp phần mềm và cảm biến cho phép chúng nhận thức rõ hơn và tiêu diệt các mục tiêu di động đang tiến tới. Ví dụ, các nâng cấp kỹ thuật của SM-6 có “chế độ tìm kiếm kép” để phân biệt tốt hơn các mục tiêu di chuyển và điều chỉnh trong hành trình bay để tiêu diệt chúng.
Ngoài ra, Evolved Sparrow Missile Block II còn có chế độ lướt trên biển cho phép nó đánh chặn tiêu diệt các tên lửa đối phương bay ở độ cao thấp.
Các cảm biến trên không mới, chẳng hạn như máy bay không người lái tiên tiến và máy bay chiến đấu tàng hình F-35C có khả năng trinh sát, do thám và tình báo giúp cảnh báo các chỉ huy trên tàu về tên lửa và, trong một số trường hợp, đánh chặn hoặc phá hủy tên lửa chống hạm đối phương đang bắn tới.
Trên thực tế, chính khả năng này đã được các tàu khu trục của Hải quân Mỹ triển khai, nó được gọi là điều khiển hỏa lực tích hợp hải quân đối không. Đây là một hệ thống sử dụng máy bay do thám Hawkeye hoặc thậm chí F-35 để phát hiện các mối đe dọa tiếp cận từ bên ngoài đường chân trời, kết nối với chỉ huy và điều khiển trên tàu và cho phép tên lửa đánh chặn SM-6 được dẫn đường tốt hơn, có thể hạ gục tên lửa tầm xa đang bắn tới.
Tất cả những điều này có nghĩa là, mặc dù Trung Quốc tuyên bố rằng tên lửa diệt tàu sân bay của họ khiến tàu sân bay trở nên lỗi thời, nhưng có vẻ hợp lý khi các nhóm tác chiến tàu sân bay có thể phòng thủ thành công chống lại chúng. Điều này đặc biệt đúng khi các tàu sân bay được hộ tống bởi đội 51 khu trục hạm được vũ trang tốt của Mỹ.
Có lẽ những yếu tố này có thể là một phần lý do tại sao các nhà lãnh đạo Hải quân Mỹ tiếp tục nói rằng các tàu sân bay của họ có thể hoạt động thành công bất cứ nơi nào họ cần. Cuối cùng, việc đánh chặn thành công tên lửa chống hạm tầm bắn 900 hải lý có thể ít áp lực hơn khi có sự xuất hiện của máy bay tiếp nhiên liệu MQ-25 Stingray do tàu sân bay phóng ra, ít nhất, giúp tăng gần gấp đôi phạm vi tấn công của các máy bay chiến đấu trên hạm như F-35C và F / A-18 Super Hornet.
Theo Anh Minh/Tiền Phong