Trung Quốc bán vũ khí "nhạy cảm" cho Pakistan, chọc tức Ấn Độ

Google News

(Kiến Thức) - Theo như những gì Trung Quốc tuyên bố nước này đang giúp chương trình tên lửa của Pakistan tiến nhanh hơn 10 năm. Động thái này rõ ràng là nhắm tới Ấn Độ, quốc gia đang dần trở thành đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc trong khu vực.

Theo RT, Trung Quốc đã cung cấp cho Pakistan một hệ thống theo dõi quang học tiên tiến cho phép Islamabad đẩy nhanh chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của nước này.
Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam (SCMP) hôm 22/3 đưa tin, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đã công bố việc bàn giao hệ thống trên cho Pakistan. Theo CAS, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên bán thiết bị quân sự được đánh giá là "nhạy cảm" này cho Pakistan.
Trong ảnh là tên lửa đạn đạo tầm trung Shaheen-III do Pakistan tự phát triển, nó có tầm bắn gần 3.000km và có khả năng triển khai đầu đạn hạt nhân. Nguồn ảnh: Reuters
Hệ thống theo dõi trên được các chuyên gia Trung Quốc lắp đặt tại một căn cứ thử nghiệm tên lửa bí mật của Pakistan và nó sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho đợt thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Islamabad trong tương lai.
Hệ thống này gồm bốn camera có tốc độ chụp cực cao được trang bị các cảm biến quang học siêu nhạy, cùng với đó là bộ đo khoảng cách bằng laser và hệ thống điều khiển tự hành cho phép nó luôn theo sát quả tên lửa ngay sau khi được phóng lên. Các camera này được đặt ở những vị trí khác nhau và được đồng bộ bằng đồng hộ nguyên tử cho phép chụp hay quay lại toàn bộ quá trình thử nghiệm tên lửa với thời gian thực và độ chính xác cao.
Tuyên bố của CAS khẳng định, hệ thống theo dõi của Trung Quốc có ưu thế vượt trội hơn hẳn so với thiết bị mà Pakistan phát triển trong nước và hiệu suất của nó “vượt xa so với mong đợi của người dùng”.
“Chúng tôi đơn giản chỉ là cung cấp cho họ đôi mắt. Họ có thể sử dụng cặp mắt này để xem bất cứ điều gì, thậm chí cả Mặt trăng”, Zheng Mengwei, một nhà nghiên cứu của CAS, phát biểu.
Theo RT, việc Trung Quốc công khai tiết lộ hệ thống theo dõi tiên tiến này có thể nhằm mục đích gửi thông điệp đến “kẻ thù” chính của Pakistan, đó là Ấn Độ - quốc gia đang dần trở thành đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc trong khu vực.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa Islamabad và New Delhi vốn chẳng tốt đẹp khi hai nước thường xảy ra những vụ tranh chấp trong hàng chục năm qua. Cả Ấn Độ và Pakistan đều phát triển vũ khí hạt nhân và đang nỗ lực để cải thiện hệ thống phân phối đầu đạn hạn nhân.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Cận cảnh Nga khai hỏa hàng loạt tên lửa S-400 (Nguồn: Vietnamnet.vn)
Đối với Trung Quốc, Pakistan là một nhân tố quan trọng trong kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng thương mại quy mô lớn mang tên “Một vành đai -Một con đường”. Bắc Kinh đã đầu tư hơn 60 tỉ USD vào đường sá và các cảng của Pakistan trong dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Hành lang này tạo điều kiện thuận này cho việc tiếp cận hàng hóa của Trung Quốc tới Vịnh Bengal và làm rút ngắn tuyến hàng hải tới Châu Phi và Tây Á.
Trong khi đó, một số nhà quan sát cho rằng, Ấn Độ có thể là mục tiêu của Mỹ trong nỗ lực làm suy yếu tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, đặc biệt là khi nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể xảy ra dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thiên An (Theo RT)