Đồng thái của Triều Tiên làm gia tăng thêm căng thẳng vốn đã leo thang sau khi nước này tiết lộ thông tin hiếm hoi về một cơ sở làm giàu uranium vào tuần trước.
Theo thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, các vụ phóng diễn ra vào lúc 6h50 sáng nay 18/9 (giờ địa phương) từ tỉnh Nam Phyongan, phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Những tên lửa này được cho là đã bay xa khoảng 400 km về hướng Đông Bắc. Quân đội Hàn Quốc đang duy trì tư thế sẵn sàng, tăng cường giám sát và cảnh giác trước các vụ phóng tiếp theo, đồng thời chia sẻ thông tin chặt chẽ với Mỹ và Nhật Bản.
Ngay sau thông báo của Hàn Quốc, Nhật Bản xác nhận thông tin về vụ phóng, đồng thời cho biết, các tên lửa do Triều Tiên phóng đi đều rơi ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Tuy nhiên thông tin chi tiết về hướng bay và quỹ đạo của tên lửa không được đề cập. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã gửi công hàm phản đối đến Triều Tiên.
Ông Hiroshi Moriya, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản khẳng định: “Hiện tại vẫn chưa có xác nhận nào về thiệt hại đối với máy bay hoặc tàu thuyền di chuyển trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi vụ phóng. Việc Triều Tiên phát triển tên lửa hạt nhân là mối đe dọa đến hòa bình và an ninh của đất nước chúng tôi cũng như cộng đồng quốc tế. Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được.Liên quan đến vụ phóng mới nhất này, chúng tôi phản đối mạnh mẽ hành động của Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao ở Bắc Kinh”.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cũng đã nhận được thông tin về vụ phóng mới nhất này, đồng thời đang tiến hành tham vấn chặt chẽ với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.
Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa chỉ vài ngày sau khi nước này bất ngờ công bố hình ảnh các máy ly tâm sản xuất nhiên liệu cho bom hạt nhân, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm một cơ sở làm giàu uranium trong nước, cũng như công khai tiến hành thử nghiệm hệ thống tên lửa đa nòng 600mm mới.
Trước đó không lâu, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã khẳng định quyết tâm của chính quyền Bình Nhưỡng để thực hiện một cách đều đặn chính sách tăng cường số lượng vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân.
Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nhận định, giữa lúc hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Nga đang được tăng cường, xét đến chuyến thăm gần đây của thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu tới Triều Tiên, các vụ phóng tên lửa mới nhất này phần nào cho thấy nỗ lực xuất khẩu vũ khí sang Nga.
Hiện Mỹ đang tăng cường hợp tác với các đồng minh nhằm phá vỡ và ngăn chặn các giao dịch vũ khí giữa Triều Tiên và Nga, đồng thời lo ngại về tác động an ninh của các giao dịch này đối với bán đảo Triều Tiên và châu Âu. Song cả Triều Tiên và Nga đều lên tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng Triều Tiên đang cung cấp vũ khí bất hợp pháp cho Nga, đồng thời khẳng định hai bên chỉ đang xây dựng mối quan hệ trên cơ sở lợi ích chung.
Cũng có ý kiến cho rằng, mục tiêu dài hạn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là buộc Mỹ chấp nhận ý tưởng Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân cũng như sẵn sàng đàm phán các nhượng bộ về an ninh và kinh tế. Ông Yang Uk, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan (Hàn Quốc), cho rằng Triều Tiên có khả năng sẽ mở rộng kho dự trữ uranium làm giàu cao hơn, qua đó gửi thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ:
“Số lượng cơ sở hạt nhân mà Triều Tiên sở hữu sẽ là thước đo rất quan trọng về khả năng hạt nhân của nước này. Triều Tiên liên tục gửi đi thông điệp rằng họ là một quốc gia hạt nhân không thể đảo ngược. Vì vậy, nếu có một cuộc đàm phán với Mỹ, họ sẽ thực hiện một thỏa thuận trong khuôn khổ như thể họ là một quốc gia hạt nhân”, ông Yang Uk nói.
Giới quan sát cũng không loại trừ khả năng Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân hoặc thử tên lửa tầm xa trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới với mục đích tác động đến kết quả bầu cử cũng như giành được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tương lai với chính quyền mới của Mỹ.
Theo Phương Anh/VOV1