Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm nhiều loại phương tiện được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân trong những năm qua và mới đây nhất quốc gia này đã cho ra mắt tàu không người lái Haeil-2, chiếc tàu này đã trải qua vòng thử nghiệm thứ hai bắt đầu từ ngày 4 đến ngày 6/4, trong đó nó đã di chuyển hơn 1.000 km trên biển.
Sự tồn tại của chiếc tàu không người lái chỉ mới được công bố vào đầu năm 2023, nhưng theo báo cáo nó đã được phát triển từ năm 2012, ba năm sau khi Triều Tiên thực hiện vụ nổ hạt nhân có kiểm soát đầu tiên.
Triều Tiên đã phát triển vũ khí hạt nhân từ cuối những năm 1980 và theo tình báo Mỹ, nước này có khả năng tấn công hạt nhân ở mức độ hạn chế vào đầu những năm 1990. Sau đó Triều Tiên đã phát triển chương trình thử nghiệm hạt nhân trên các đầu đạn thu nhỏ và một loạt các phương tiện vận chuyển từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho đến các phương tiện bay lượn siêu thanh.
Haeil-2 có nghĩa là “Sóng Thần” trong tiếng Triều Tiên và nó hoạt động bằng cách cho nổ các đầu đạn hạt nhân dưới biển để kích hoạt một cơn sóng thần phóng xạ tấn công bờ biển của kẻ thù.
|
Hình ảnh của tàu tấn công hạt nhân không người lái của Triều Tiên trong buổi thử nghiệm |
Khi được thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 3 vừa qua, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã thông báo về vai trò của vũ khí này: “Tàu không người lái tấn công hạt nhân này có thể được triển khai tại bất kỳ bờ biển và cảng nào hoặc được kéo bởi một tàu nổi để hoạt động… Hệ thống sẽ phục vụ như một vũ khí tiềm năng và có triển vọng của các lực lượng vũ trang Triều Tiên, rất cần thiết để ngăn chặn mọi hành động quân sự đang gia tăng của kẻ thù, loại bỏ các mối đe dọa và bảo vệ đất nước”.
Truyền thông Triều Tiên cũng đã đưa tin về cuộc thử nghiệm mới nhất của máy bay không người lái Haeil-2: “đầu đạn thử nghiệm đã phát nổ chính xác dưới nước. Cuộc thử nghiệm đã chứng minh một cách hoàn hảo độ tin cậy của hệ thống vũ khí chiến lược dưới nước và khả năng tấn công chí mạng của nó”.
Với mục đích thúc đẩy chương trình tàu không người lái và phô trương lực lượng, cuộc thử nghiệm của Triều Tiên diễn ra sau khi Hàn Quốc và Mỹ khởi động các cuộc tập trận lớn trong đó mô phỏng cuộc tấn công vào lãnh thổ Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã liên tục đáp trả các cuộc tập trận như vậy bằng các vụ thử vũ khí quan trọng.
Khi quốc gia này mở rộng sản xuất đầu đạn hạt nhân, tàu không người lái Haeil-2 được coi là một phương tiện vận chuyển hiệu quả mà ít quốc gia trên thế giới có thể so sánh được, nó sẽ làm phức tạp nghiêm trọng các kế hoạch của Mỹ và Đồng minh trong việc đánh chặn một cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên.
Vũ khí tương tự lần đầu tiên được phát triển ở Liên Xô vào những năm 1950, cụ thể là chương trình Lavina, mặc dù chương trình này chưa bao giờ được vận hành. Các cuộc tấn công như vậy khó bị phát hiện hoặc đánh chặn hơn nhiều so với các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
|
Tàu tấn công hạt nhân không người lái Haeil-2 |
Mặc dù thiếu các phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân từ trên không, nhưng khả năng vận chuyển hạt nhân của hải quân ngày càng tăng đã củng cố đáng kể khả năng răn đe của Triều Tiên kể từ giữa những năm 2010, với kho vũ khí tàu ngầm chiến lược của nước này dự kiến sẽ tiếp tục phát triển.
Cựu Tổng thống Barak Obama từng ủng hộ một cuộc tấn công vào năm 2016 và được cho là chỉ bị ngăn chặn bởi những cảnh báo nghiêm khắc từ Lầu Năm Góc, trong khi người kế nhiệm của ông là Donald Trump vào năm 2017 đã vạch ra kế hoạch cho các cuộc tấn công hạt nhân hàng loạt vào Triều Tiên được cho là đã ra đời từ thời người tiền nhiệm.
Trước đây, các chính quyền Harry Truman, Dwight Eisenhower và Richard Nixon đều rất coi trọng các cuộc tấn công hạt nhân vào Triều Tiên, trong khi chính quyền Lyndon Johnson và Bill Clinton cũng đã tiến rất gần đến việc phát động các cuộc tấn công phi hạt nhân vào quốc gia này.
Triều Tiên vẫn chưa hoàn thành việc dọn dẹp bom, đạn trên lãnh thổ do chiến dịch ném bom của phương Tây bởi Mỹ dẫn đầu trong Chiến tranh Triều Tiên từ những năm 50 của thế kỷ trước. Theo các chuyên gia quân sự, những ký ức về chiến tranh với Mỹ là động lực chính của chính sách an ninh Triều Tiên, mối đe dọa này càng được củng cố sau các cuộc tấn công vô cớ của Mỹ chống lại Libya và Iraq. Chính vì vậy mà Triều Tiên không bao giờ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình với mục tiêu bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa từ Mỹ.
Lê Quang