Tên lửa lảng vảng (TLLV) là sản phẩm của sự kết hợp giữa công nghệ tên lửa tiên tiến và công nghệ UAV, có thể nhanh chóng tiếp cận khu vực mục tiêu và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau như bay tuần tra, trinh sát và giám sát, đánh giá thiệt hại và không kích.
TLLV đã được sử dụng rộng rãi trong một số cuộc xung đột khu vực gần đây, là một khái niệm vũ khí mới khác sau máy bay không người lái (UAV).
Lợi thế chiến đấu kép
TLLV còn được gọi là UAV tự sát hay tên lửa địa hình. Năm 1994, Mỹ lần đầu tiên đề xuất khái niệm TLLV và bắt đầu phát triển loại đạn tấn công tự sát chi phí thấp "Locas".
TLLV Locas được trang bị hệ thống dẫn đường GPS/INS, sử dụng đầu dò laze, cánh gấp, động cơ phản lực và đầu đạn đa chế độ, giống như một UAV mang đầy chất nổ.
Sau khi được phóng đi, TLLV "Lokas" có thể tự động bay qua khu vực mục tiêu và sau đó bổ nhào để tấn công sau khi tìm thấy mục tiêu. Mục tiêu chiến đấu chính của nó chủ yếu là các mục tiêu cơ động trên bộ như xe tăng, xe bọc thép.
|
Tên lửa hành trình lảng vảng Locas |
"Locas" đã đặt nền tảng kỹ thuật cho tên lửa lảng vảng sau này. Giống như loại tên lửa thông thường, nó có thể được phóng hoặc thả bằng nhiều bệ vũ khí khác nhau và sau khi phóng, nhanh chóng đi vào khu vực tác chiến, nó sẽ "biến hình" thành quả bom tấn công mục tiêu.
Đồng thời, nó được trang bị cánh và động cơ, có thể bay trên không trong thời gian dài, thuận lợi cho việc săn tìm mục tiêu ẩn nấp. Ngoài ra, nó còn có thể điều chỉnh đường bay và tấn công mục tiêu theo những thay đổi của tình hình chiến đấu, đồng thời thực hiện các đòn tấn công chính xác "có chọn lọc". Theo sau "Locas", mốt số quốc gia đã đầu tư nghiên cứu về TLLV.
|
Tên lửa hành trình lảng vảng Harrop |
Các loại TLLV hiện nay chủ yếu bao gồm UAV rình mò trinh sát và TLLV rình mò tấn công. UAV trinh sát không có khả năng tấn công, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm và trinh sát, liên lạc chuyển tiếp và đánh giá thiệt hại.
Còn TLLV không chỉ có chức năng trinh sát mà còn thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào mục tiêu, chúng được chia thành tên lửa lảng vảng chiến đấu và tên lửa lảng vảng chế áp.
TLLV chiến đấu chính có thể tấn công ngay khi tìm thấy mục tiêu, tên lửa lảng vảng chế áp có thể bay trong vài giờ, chủ yếu nhắm vào radar của đối phương và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu chế áp phòng không.
|
UAV tự sát Lancet của Nga.
|
Ứng dụng rộng rãi trong thực tế chiến đấu
Mặc dù một số lượng lớn TLLV đã được đưa vào thực chiến trong những năm gần đây, nhưng tốc độ phát triển nhanh chóng có xu hướng thay thế các UAV tích hợp trinh sát và tấn công hạng nhẹ như UAV TB-2 của Thổ Nhĩ Kỳ.
TLLV "Delilah" thực chất là loại tên lửa hành trình dẫn đường chính xác do Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Israel phát triển và sản xuất; dài 2,171 mét, đường kính 0,33 mét, đầu đạn nặng 30 kg, trang bị động cơ phản lực và có tốc độ bay giữa Mach 0,3-0,7. Tầm hoạt động tối đa 300 km và thời gian hành trình vài giờ.
Trong chiến tranh Syria, máy bay chiến đấu Israel đã nhiều lần phóng tên lửa hành trình "Delilah" vào các trận địa tên lửa phòng không ở ngoại ô thủ đô Damascus, dụ radar Syria bật phát sóng rồi tấn công.
|
Tên lửa hành trình lảng vảng Delilah |
TLLV "Harrop" là một sản phẩm khác của Israel Military Industries. Harrop sử dụng phương pháp phóng hộp gắn trên xe và được trang bị động cơ pít-tông dẫn động cánh quạt.
Harrop có tầm hoạt động tối đa 1.000 km, thời gian bay 9 giờ, đầu đạn nặng 23 kg, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tác chiến chống mục tiêu có tính chất bức xạ như các đài radar của đối phương.
Trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, quân đội Azerbaijan đã sử dụng Harrop để phá hủy radar của hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300P của quân đội Armenia.
|
Ảnh: Khoảnh khắc tổ hợp phòng không Pantsir-S1 bị Không quân Israel tiêu diệt. Nguồn Không quân Israel. |
TLLV "Switchblade" được phát triển bởi Environmental Corporation of America của Mỹ; sử dụng ống phóng dạng ống (giống súng cối); Switchblade-300 dài 0,36 mét, đầu đạn nặng 0,32 kg, thời gian bay chỉ 15 phút.
Switchblade sử dụng thiết kế cánh gấp và chạy bằng pin, có thể mang theo trong ba lô chiến thuật của người lính.
Theo một số thông tin, "Switchblade" đã phá hủy các loại vũ khí bọc thép hạng nặng, bao gồm cả xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 do Nga sản xuất trong một số cuộc xung đột khu vực trong những năm gần đây.
|
Switchblade 300 đã được chứng minh khả năng chiến đấu. Ảnh: Edrmagazine
|
TLLV KUB-BLA, được phát triển bởi Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Kalashnikov của Nga, nó cần 2 người để sử dụng. KUB-BLA dài 1,21m, mang được 3kg thuốc nổ, thời gian bay 30 phút, từng tiêu diệt được lựu pháo xe kéo M777 do Mỹ sản xuất.
Theo truyền thông Nga, nếu mục tiêu phải sử dụng hàng nghìn quả đạn pháo thường, thì giờ đây có thể hoàn thành chỉ với 3 tên lửa lảng vảng KUB-BLA.
|
Ảnh: TLLV (UAV tự sát) KUB-BLA do ZALA Kalasnhikov phát triển. ZALA |
TLLV "Lancet"; đây là loại tên lửa rình rập, cũng do Tập đoàn Kalashnikov của Nga phát triển. Trong cuộc xung đột tại Ukraine, Lancet đã phá hủy pháo tự hành M109A3GN, xe bọc thép "Viper" M và radar ba tọa độ của hệ thống tên lửa đất đối không S-300P của Ukraine. Khả năng chiến đấu thực tế của nó được đánh giá cao.
Đánh giá từ một số cuộc xung đột khu vực gần đây, TLLV đã đóng một vai trò quan trọng trên chiến trường. Từ các hoạt động bao vây đến chế áp phòng không đến các hoạt động chống tăng, có thể thấy các loại TLLV khác nhau.
Do đặc điểm yếu của radar và tín hiệu hồng ngoại, TLLV có thể xuyên qua hầu hết mọi hệ thống phòng không và tiếp cận trực tiếp mục tiêu, điều này gây áp lực tâm lý rất lớn cho đối phương.
|
UAV tự sát Geran-2 của Nga là nỗi kinh hoàng trên chiến trường Ukraine hiện nay. |
Sự phát triển trong tương lai của tên lửa lảng vảng
Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm sử dụng chiến trường, công nghệ TLLV trong tương lai sẽ phát triển theo các hướng sau.
Tác chiến theo mạng: Khi công nghệ "bầy đàn" trưởng thành, công nghệ này cũng sẽ được áp dụng cho các tên lửa lảng vảng trong tương lai.
Mạng lưới "bầy đàn" bao gồm một số lượng lớn TLLV tham gia trong một cuộc tấn công, nhưng được chỉ huy thống nhất bởi một mạng, nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần.
|
UAV tự sát Shahed-136 của Iran có thể tấn công theo kiểu bầy đàn.
|
Thiết kế tốc độ kép: Sau khi TLLV bay lượn đến khu vực mục tiêu với tốc độ nhanh hơn, sau đó ở trên không với tốc độ thấp hơn để trinh sát, nên cần có cơ chế điều chỉnh tốc độ linh hoạt và hệ thống kiểm soát nhiên liệu/năng lượng. Hiện tại, công nghệ này đã được phát triển.
Ví dụ, TLLV mới do Tập đoàn tên lửa châu Âu phát triển, có thiết kế tốc độ kép, có thể bay đến khu vực chiến đấu với tốc độ Mach 3 và sau đó tuần tra ở tốc độ cận âm.
Thiế kế tàng hình: TLLV bay lơ lửng trong thời gian dài và bay ở độ cao thấp, để nâng cao khả năng sống sót và khả năng xuyên phá, cần có các thiết kế tàng hình bằng radar và quang học để giảm xác suất bị phát hiện trước khi tấn công.
Phương pháp chống tên lảng vảng trong tương lai
Khi có giáo thì phải có khiên, đó là “Quy luật mâu thuẫn” đã được chỉ ra trong triết học; hiện tại các quốc gia đã bắt đầu tích cực tìm kiếm các biện pháp đối phó với TLLV.
Đầu tiên là đẩy nhanh nghiên cứu phát triển loại radar chính xác và các thiết bị phát hiện quang điện đa phổ để cải thiện khả năng tìm kiếm mục tiêu.
Thứ hai là phát triển các tên lửa phòng không nhỏ giá rẻ và áp dụng các phương pháp phóng tên lửa phòng không chuyên sâu để đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình quy mô lớn.
|
Pháo phòng không bắn nhanh là vũ khí chống UAV hiệu quả. |
Thứ ba là tăng cường khả năng gây nhiễu đa chiều, bằng cách gây nhiễu và cắt đứt hệ thống định vị GPS và liên kết dữ liệu của tên lửa lảng vảng, biến nó thành "rắn không đầu".
Thứ tư là tăng cường hệ thống đánh chặn đầu cuối để có thể phát hiện kịp thời các tên lửa đang bay tới và phóng tên lửa đánh chặn để tiêu diệt chúng.
UAV tự sát Lancet của Nga tấn công trận địa tên lửa phòng không S-300 của Ukraine.
Tiến Minh