Đầu tháng 11 năm 2019 xuất hiện hình ảnh đầu tiên của tàu hộ vệ săn ngầm số hiệu 20 lớp Pohang được phía Hàn Quốc viện trợ cho Hải quân Việt Nam đã được tích hợp các bệ phóng KT-184 của tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 Uran-E.
Như vậy từ một chiến hạm chuyên về chức năng săn ngầm, hỏa lực chủ yếu trông chờ vào pháo và ngư lôi thì Tàu 20 đã "lột xác" trở thành một hộ vệ hạm đa năng đích thực.
|
Các ống phóng ngư lôi chống ngầm vẫn còn nguyên trên Tàu 20 |
Tuy nhiên khi đó có nhiều ý kiến cho rằng con tàu mới chỉ chạy thử nghiệm trên biển để kiểm tra độ cân bằng sau khi gắn tên lửa chống hạm và vũ khí mới chưa được tích hợp vào hệ thống quản lý tác chiến của tàu, bởi chưa thấy sự xuất hiện của radar dẫn bắn.
Mặc dù vậy cũng có luồng ý kiến khác cho rằng không nhất thiết phải bổ sung radar kiểm soát hỏa lực Garpun Bal lên nóc cabine chỉ huy mà Tàu 20 vẫn có khả năng triển khai tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E một cách chính xác.
Cụ thể trong trường hợp bắn tên lửa ở cự ly không quá xa, con tàu có thể lấy thông số mục tiêu thông qua các trạm radar bờ, máy bay trinh sát, hay thậm chí từ tàu chiến khác cùng nằm trong biên đội.
Sau khi xác định mục tiêu, tàu sẽ nạp tọa độ vào tên lửa rồi phóng, bộ dẫn đường quán tính sẽ đưa đạn bay đến khu vực dự kiến rồi dùng đầu dò chủ động để khóa đối tượng cần tiêu diệt.
Thực tế cũng cho thấy ngay trong biên chế Hải quân Việt Nam có tàu hộ vệ BPS-500 cũng không được tích hợp radar điều khiển hỏa lực Garpun Bal mà nó chỉ sử dụng radar trinh sát Pozitiv-E.
Mới đây nhất trong phóng tự "Câu chuyện đầu năm" phát sóng trên Kênh VTV8, Tàu 20 được nhìn thấy đã nằm trong đội hình tác chiến của hải quân, cho thấy quá trình tích hợp tên lửa chống hạm đã hoàn thành và con tàu sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Bên cạnh tên lửa chống hạm, chi tiết đáng quan tâm nữa là các ống phóng ngư lôi săn ngầm hạng nhẹ cỡ 324 mm vẫn được giữ lại, cho thấy chúng ta vẫn sử dụng vũ khí này thay vì đổi sang loại 400 mm như các dự đoán trước đó.
Theo Tùng Dương/Đất Việt