Kỹ thuật tàng hình được áp dụng trong công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu sau đó dần dần được ứng dụng lên các tàu chiến mặt nước. Tuy nhiên, bản chất của kỹ thuật tàng hình trên máy bay chiến đấu và trên tàu chiến mặt nước đều giống nhau đó là che giấu sự hiện diện trước các radar trinh sát đối phương. Nhưng do đặc điểm tác chiến và môi trường hoạt động khác nhau nên phương thức tàng hình trên tàu chiến mặt nước và máy bay chiến đấu rất khác nhau.
Trong số các tàu chiến mặt nước của Hải quân nhân dân Việt Nam, 2 tàu Gepard HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ dành được rất nhiều sự quan tâm, chú ý của truyền thông trong nước cũng như thế giới và nằm trong số những tàu hộ vệ tên lửa hiện đại nhất khu vực.
Tàu có chiều dài 102m, rộng 13,7m, lượng giãn nước 2.100 tấn, mớn nước 5,3m, vận tốc tối đa 28 hải lý/giờ, tầm hoạt động 7.000 km, hoạt động liên tục 15 ngày, thủy thủ đoàn 98 người.
|
Hai tàu Gepard số hiệu 011 và 012 của Việt Nam. Ảnh: Haiquanvietnam |
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, các tàu này sẽ giúp Hải quân Việt Nam nâng cao sức mạnh tác chiến trên biển qua đó hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại thì các tàu chiến Gepard 3.9 của Việt Nam được cho là có khả năng tàng hình trên mặt biển.
Các tài liệu nước ngoài cho rằng, tàu Gepard 3.9 được tàng hình theo các cách sau:
Tàng hình bằng khử từ
Định kỳ hàng năm, các tàu Gepard sẽ được khử từ bằng cách quấn quanh thân tàu những sợi cáp điện. Mục đích của quá trình này là triệt tiêu từ trường bên ngoài thân tàu, giảm độ bộc lộ trước các hệ thống trinh sát tầm xa của đối phương. Bên cạnh đó, vỏ thép của tàu được khử từ cũng khó kích nổ mìn cảm ứng, giúp các tàu chiến Gepard tăng khả năng sống sót tại các vùng biển bị rải mìn. Quá trình khử từ cho một tàu Gepard thường kéo dài từ 7 - 10 ngày liên tục tại cảng bảo dưỡng.
|
Một tàu Gepard của Việt Nam đang được Nga khử từ. Ảnh: Livejournal |
Tàng hình bằng cách tối ưu hóa thiết kế
Hai bên sườn và thân tàu của chiến hạm Gepard được chế tạo từ thép, riêng phần đài chỉ huy và các khu vực phía trên được làm bằng hợp kim nhôm - magiê có khả năng hấp thụ sóng radar. Với thiết kế góc cạnh để tán xạ sóng rada và tháp radar với diện tích mặt cắt nhỏ, đồng thời các tấm hợp kim vỏ tàu tạo góc cạnh luân phiên, tránh tạo bề mặt phẳng lớn giúp chỉ số RCS ở mức thấp khiến radar của đối phương khó phát hiện. Bên cạnh đó, boong và cấu trúc các tầng nổi được thiết kế theo kiểu dốc nghiêng xuống với chất liệu là hợp kim cũng giúp hạn chế tối đa sự phản xạ của sóng radar thông thường.
Tàng hình bằng khử rung
Các tàu Gepard được trang bị hệ thống truyền động theo cấu hình CODOG 2 trục được cung cấp lực đẩy sự kết hợp giữa 2 động cơ diesel loại 61D (công suất 8.000 mã lực) sử dụng đi đường trường và 2 động cơ turbine khí (29.300 JP) cung cấp tốc độ cao trong chiến đấu lên đến 28 hải lý/giờ. Hệ thống điện được cung cấp bởi 3 máy phát điện diesel công suất 600 kW/giờ.
Tất cả các hệ thống động lực trên đều có thiết kế tối ưu cho tiếng ồn thấp do được đặt trên các giá giảm chấn và được đặt hoàn toàn bên trong thân tàu nên giảm thiểu tối đa tiếng ồn động cơ và bức xạ điện từ. Trong quá trình tàu di chuyển, nếu như bị rung lắc thì toàn bộ tiếng ồn từ các thiết bị phát ra sẽ được khử rung và dẫn động qua các kết cấu để lan tỏa vào phần vỏ chịu áp và truyền lan vào nước.
|
Hai tàu Gepard số hiệu 011 và 012 của Việt Nam. Ảnh: Haiquanvietnam |
Tàng hình bằng sơn phủ đặc biệt
Cũng giống như máy bay, để giảm khả năng phản xạ lại sóng radar thăm dò của đối phương, các tàu chiến Gepard được phủ một lớp sơn hấp thụ sóng âm. Trở kháng âm học tương đương của các lớp phủ cho phép tiếng động dễ dàng “bị nuốt” vào lớp phủ này để chúng có thể giảm tới mức tối đa cường độ tín hiệu phản hồi trở về radar đối phương. Thông thường, các lớp phủ có độ dày từ 1 - 3,5cm cho khả năng đối phó hiệu quả với các bước sóng lớn hơn mà các radar 2 trạm và đa trạm sử dụng.
Lam Ngọc