Tại sao tên lửa R-37M lại giúp Su-57 trở nên đáng sợ hơn?

Google News

Bộ Quốc phòng Nga thông báo đang hoàn tất những thử nghiệm cuối cùng của tên lửa không đối không mới định danh R-37M được thiết kế để tấn công bất kỳ mục tiêu trên không nào từ khoảng cách hàng trăm km.
 

Theo đó mẫu tên lửa không đối không mới của Không quân Nga có tầm bắn hơn 300 km này được thiết kế để tấn công bất kỳ mục tiêu trên không nào từ khoảng cách hàng trăm km. Hơn thế, kẻ thù không thể phát hiện R-37M đang tiến đến cho đến khi quá muộn. Đặc tính “tàng hình" này của tên lửa R-37M (NATO định danh là Arrow - Mũi tên) là nhờ một hệ thống nhắm bắn có một không hai.
Các tính năng chi tiết của R-37M chưa được tiết lộ nhưng về cơ bản, R-37M hoạt động có sự kết hợp giữa radar của máy bay, hệ thống dẫn đường quán tính và một radar lắp trong tên lửa. Điều này làm tăng đáng kể khả năng không chiến của các máy bay được trang bị R-37M.
R-37M làm tăng đáng kể khả năng hủy diệt của máy bay thế hệ 5 Su-57. Ảnh: Sputnik 
Tên lửa R-37M là biến thể cải tiến từ tên lửa không đối không R-37 do Liên Xô chế tạo từ những năm 1980. Thời đó, tên lửa tầm xa là một vũ khí chủ lực của các tiêm kích đánh chặn Liên Xô chống lại những máy bay ném bom chiến lược của địch. Và R-37, nặng tới 6 tấn và dài 4 mét, được trang bị cho tiêm kích đánh chặn MIG-31.
Giữa thập niên 2000, Nga bắt đầu dự án hiện đại hóa tên lửa R-37 nặng nề này để có thể trang bị cho nhiều loại máy bay như Su-30, Su-35 và máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 Su-57. Kết quả, R-37M chỉ nặng 500 kg với đầu nổ 60 kg và tầm bắn xa trên 300 km.
Cách nhắm bắn đặc biệt của R-37M, gồm ba hệ thống biệt lập nhau, giúp tên lửa bay đến mục tiêu mà không bị phát hiện.
Khi nhắm bắn, các radar của máy bay phát hiện mục tiêu từ xa. Khi tìm được mục tiêu, kể cả máy bay tàng hình, hoặc tọa độ tương đối của nó, máy bay sẽ bắn tên lửa về vùng mục tiêu nhờ hệ thống dẫn đường quán tính. Nghĩa là tên lửa không sử dụng radar mang theo và do vậy không bị địch phát hiện. Khi tới gần mục tiêu, R-37M sẽ bật radar dẫn đường và tăng tốc nhanh chóng lên vận tốc siêu vượt âm (Mach 6, tức hơn 7.000 km/giờ). Lúc này phi công địch mới phát hiện tên lửa đang nhắm đến, nhưng sẽ không đủ thời gian xử lý.
Chuyên gia Alexei Leonkov cho biết: “Những tên lửa tầm xa nằm trong ý tưởng về không chiến ‘xa hơn tầm nhìn’. Chúng được sử dụng để tiêu diệt những máy bay được thiết kế để tránh các hệ thống phòng không. Bắn hạ máy bay bao giờ cũng hiệu quả hơn đối phó với những tên lửa đã được phóng”.
Các chuyên gia Nga khẳng định, với hệ thống vũ khí hiện đại, trong đó có tên lửa R-37M, các máy bay Nga, đặc biệt là át chủ bài Su-57, sẽ ngày càng bất khả chiến bại.
Theo Báo Tin Tức