Theo Tạp chí Quốc phòng Ukraine, các tổ hợp pháo phản lực HIMARS được Mỹ viện trợ cho quốc gia này, đã thể hiện rất tốt trên chiến trường, khiến Nga phải vất vả đối phó, hoặc thậm chí là không thể đối phó được.
Quân đội Nga, mặc dù sở hữu rất nhiều hệ thống phòng không đánh chặn uy lực, được quảng cáo có khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu bay ở tốc độ cao, nhưng lại chưa từng bắn hạ được tên lửa từ tổ hợp HIMARS được Ukraine phóng đi.
Chuyên gia quân sự Ryan McBeth - cựu lính đặc chủng Mỹ từng tham chiến ở Trung Đông cho biết, sở dĩ việc đánh chặn các tên lửa từ tổ hợp HIMARS rất khó là vì Ukraine sử dụng một chiến thuật cực kỳ thông minh.
|
Các tổ hợp HIMARS được Mỹ viện trợ cho Ukraine.
|
Cụ thể, phía Ukraine không bao giờ khai hoả các tên lửa từ tổ hợp HIMARS đơn lẻ, mà luôn "bắn kèm" với nhiều loại pháo phản lực khác - ví dụ như Grad.
Các tên lửa từ tổ hợp HIMARS có vận tốc bay tối đa Mach 2,4; trong khi đó các tên lửa từ tổ hợp pháo phản lực phóng loạt Grad có tốc độ bay tối đa Mach 2,1 .Chênh lệch về mặt tốc độ là quá ít, khiến các trắc thủ của Nga không thể phân biệt được mục tiêu nào là HIMARS, mục tiêu nào là các tên lửa Grad rẻ tiền.
|
Các tổ hợp HIMARS sẽ luôn được phóng đi cùng các tổ hợp Grad "rẻ tiền" của Ukraine.
|
Ukraine đã khôn ngoan bố trí các tổ hợp Grad ngay cạnh những dàn phóng HIMARS, cùng khai hoả một lúc và cùng có một hướng bay .Thứ duy nhất mà kíp trắc thủ của Nga thấy được trên màn hình radar, sẽ chỉ là những chấm đỏ chi chít di chuyển với tốc độ cực nhanh .Cơ hội đánh chặn tên lửa ở tốc độ Mach 2 trở lên vốn dĩ đã khó, nay còn trở nên mong manh hơn, khi phải phân biệt được đâu là mục tiêu có giá trị, đâu chỉ là "mồi nhử".
Ryan McBeth nhận định rằng, quân đội Ukraine đã làm rất tốt, khi biết tận dụng những loại vũ khí rẻ tiền sẵn có, kết hợp với các loại vũ khí hiện đại để tạo ra hiệu quả tác chiến tốt .Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, Nga hoàn toàn có thể nâng cấp các hệ thống radar của họ bằng phần mềm hoặc bổ sung phần cứng, để chúng có thể phân biệt được từng loại mục tiêu bay, tuy nhiên quá trình nâng cấp có thể tốn tới hàng năm trời, chứ không thể diễn ra trong thời gian ngắn.
Trần Trân (TH)