Hiện những dòng xe này đang được trang bị pháo 30mm và 100mm. Tuy nhiên, chúng lại không chứng tỏ được hiệu quả chống lại phương tiện bọc thép hoặc phương tiện có tốc độ cao của đối phương. Pháo 30mm không đủ hỏa lực và tầm bắn thấp, trong khi pháo 100mm có hỏa lực mạnh nhưng không linh hoạt.
Trong các cuộc xung đột hiện nay, các xe cơ giới hạng nhẹ và máy bay không người lái có vũ trang của đối phương mới là những mục tiêu chủ yếu trên chiến trường, thay vì xe chiến đấu bộ binh hay xe bọc thép chở quân. Chính vì vậy, pháo 57mm sẽ là câu trả lời cho cả hai trường hợp trên.
|
Nguyên mẫu 2S38 Derivatsiya-PVO được giới thiệu tại Army 2018. |
Để tối ưu hóa sức mạnh của xe thiết giáp Nga, pháo được lắp vào mô-đun tháp pháo tự động AU-220M có gắn thêm súng máy đồng trục 7,62mm. Pháo có thể bắn đạn xuyên giáp, đạn nổ phá mảnh trên phạm vi đến 14km với tốc độ bắn đạt 120 viên/phút. Tháp pháo được trang bị hệ thống quan sát camera quang học và quang ảnh nhiệt, hệ thống đo xa bằng laser, hệ thống ổn định tầm hướng sẽ giúp pháo 57mm tiêu diệt tất cả các phương tiện bay tầm thấp cũng như xuyên phá hầu hết các loại xe tăng, thiết giáp thông thường, các công trình quân sự...
Ngoài ra, kết cấu mô-đun của AU-220M giúp đơn giản hóa quá trình thay thế, sửa chữa hoặc nâng cấp. Trước đó, Nga từng trang bị mô-đun tháp pháo này trên nguyên mẫu xe bọc thép ATOM dành cho mục đích xuất khẩu.
Vào giữa những năm 1950, Liên Xô (cũ) phát triển pháo phòng không tự hành ZSU 57mm 2 nòng trên thân xe tăng T-54. Đại diện mới nhất của dòng pháo 57mm là hệ thống pháo phòng không tự hành 2S38 Derivatsiya-PVO sử dụng khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3. Tổ hợp này xuất hiện lần đầu tiên tại diễn đàn quân sự quốc tế Army 2017 dưới dạng mô hình và chỉ được giới thiệu chính thức cũng ở sự kiện này vào tháng 8 vừa qua.
Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi Nga phát triển pháo tự động 57mm lên khung gầm xe thiết giáp hạng nhẹ, bởi chúng thường được biên chế trên các phương tiện hạng nặng và trong biên chế quân đội nước này vẫn có các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không uy lực như Pantsir hay Tunguska.
Tuy nhiên, sức mạnh của Pantsir hay Tunguska đều phụ thuộc phần lớn vào đạn tên lửa do pháo 30mm có hiệu suất tác chiến khá thấp. Trong khi đó, giá thành của tên lửa lại đắt đỏ nên có khai hỏa cũng phải khá “chắt chiu”. Do đó, pháo 57mm được phối thuộc trên các xe thiết giáp hạng nhẹ sẽ giúp tăng tính cơ động cũng như đảm bảo đủ hỏa lực trong tác chiến.
Theo Phạm Huy/Quân đội Nhân dân