Tạp chí quốc phòng Ukraine cho biết, giới chức quân sự của nước này hy vọng rằng Kiev sẽ sớm nhận được viện trợ chiến đấu cơ từ Mỹ và NATO, nhất là sau khi chương trình huấn luyện phi công Ukraine, đã được Hạ viện Mỹ thông qua.
Mặc dù trước đó, đã có thông tin cho rằng việc viện trợ chiến đấu cơ cho Ukraine, chưa được Mỹ và NATO xem xét tới. Tuy nhiên, Kiev vẫn tỏ ra khá lạc quan với yêu cầu này, và cho rằng tình hình thực tế trên chiến trường, sẽ sớm đòi hỏi Ukraine có thêm nhiều loại vũ khí hiện đại hơn nữa, trong đó có
tiêm kích chiến đấu.
|
Tiêm kích F-16 - loại chiến đấu cơ phổ biến nhất và rẻ nhất của phương Tây hiện nay.
|
Mặc dù vậy, việc nhận được viện trợ chiến đấu cơ từ nước ngoài - và việc có thể vận hành, làm chủ được loại chiến đấu cơ này, là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Hãy cùng xét xem, sẽ cần bao lâu để đào tạo một phi công tiêm kích F-16 - loại chiến đấu cơ rẻ và đông đảo nhất của phương Tây ở thời điểm hiện tại.
Khoá huấn luyện tiêm kích F-16
Theo chương trình huấn luyện phi công của Không quân Mỹ, học viên phi công quân sự sẽ phải theo học 6 tháng trên máy bay huấn luyện T-6. Đây là loại máy bay sử dụng động cơ cánh quạt đơn - loại máy bay "đầu đời" của mọi phi công chiến đấu. Sau khi hoàn thành thời gian huấn luyện với T-6, các phi công sẽ chuyển loại sang huấn luyện với phản lực T-38 Talon trong thời gian 7 tháng, sau đó là 2 tháng với AT-38.
|
Máy bay huấn luyện T-38.
|
Như vậy, các phi công học viên sẽ tốn khoảng 1,5 năm, trước khi được chính thức ngồi vào khoang lái của tiêm kích F-16 lần đầu tiên. Tạp chí Quốc phòng của Ukraine cho biết, trong trường hợp của nước này, các phi công Ukraine có kinh nghiệm có thể rút bớt thời gian huấn luyện với máy bay T-6 và T-38.
Tới khi được ngồi lên chiếc F-16, trong vài tháng đầu tiên, các phi công học viên sẽ phải học thuộc cách thức vận hành và từng nút bấm trong khoang lái chiếc F-16. Sau khi "thuộc nút", các phi công sẽ bắt đầu với việc bay trong hệ thống mô phỏng, thời gian huấn luyện mô phỏng có thể lên tới 8 tháng, sau đó là bay đôi có huấn luyện viên, rồi bay đơn,... Tổng thời gian tốn khoảng 2 năm.
Sau 2 năm huấn luyện bay với chiến đấu cơ F-16, phi công về cơ bản đã làm chủ được chiếc tiêm kích, tuy nhiên chưa thể tham chiến, mà cần trải qua khoá học chiến đấu trên không.
Huấn luyện chiến đấu với tiêm kích F-16
Huấn luyện chiến đấu với tiêm kích F-16 chia ra nhiều phương thức. Đầu tiên là huấn luyện tác chiến không đối không. Kỹ năng này đòi hỏi học viên phi công F-16 thực hiện 26 phi vụ bay với những bài bay đặc biệt và các loại vũ khí không đối không tiên tiến nhất.
Kỹ năng tác chiến không đối đất cũng yêu cầu 26 phi vụ bay, tuy nhiên các loại vũ khí mang theo và các kỹ thuật bay sẽ khác hơn nhiều so với kỹ năng tác chiến không đối không.
Trong trường hợp phi công được huấn luyện để sử dụng phiên bản tiêm kích F-16 Block 50, khoá huấn luyện sẽ cần thêm một kỹ năng nữa, đó là kỹ năng sử dụng hệ thống điện tử trên máy bay để áp chế, né tránh hệ thống phòng không đối phương.
Phi công và máy bay là chưa đủ?
Một phi công chiến đấu được coi là "tài sản quốc gia" với chi phí và thời gian đào tạo rất lâu, thậm chí còn tốn kém hơn so với thời gian và chi phí cần có để tạo ra được một chiếc tiêm kích. Tuy nhiên, việc có được phi công và máy bay, không có nghĩa là Ukraine có thể đưa loại vũ khí này vào tác chiến ngay được.
Ukraine về cơ bản là chưa từng có kinh nghiệm vận hành máy bay chiến đấu theo tiêu chuẩn Mỹ và NATO. Điều này có nghĩa, các cơ sở vật chất của Ukraine sẽ không thể đáp ứng được việc vận hành máy bay F-16, cần phải sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới thêm rất nhiều hạng mục.
|
Không quân Mỹ ước tính, luôn có 55% quân số tiêm kích F-16 của lực lượng này "nằm đất" để chờ bảo dưỡng, sửa chữa, chỉ 45% quân số luôn ở trong trạng thái "sẵn sàng chiến đấu".
|
Ngoài ra, các thợ máy, kỹ sư của Ukraine cũng sẽ cần rất nhiều thời gian để có thể làm chủ được việc bảo dưỡng, sửa chữa chiếc chiến đấu cơ F-16. Thời gian để các thợ máy cần phải học trước khi làm chủ được việc sửa chữa, bảo dưỡng cho một tiêm kích chiến đấu, cũng kéo dài ngang ngửa với thời gian đào tạo phi công.
Những khó khăn này sẽ khiến Ukraine - ít nhất là trong tương lai gần - chưa thể đưa các chiến đấu cơ F-16 hay bất cứ một loại tiêm kích nào khác của phương Tây vào biên chế.
Trần Trân (Theo Defence-au)