Phản công của Ukraine không thể đột phá, tên lửa Nga chờ sẵn

Google News

Gặp phải “vấn đề khó khăn nhất”, khiến cuộc phản công của quân Ukraine đi vào bế tắc; trong khi đó, Quân đội Nga đưa vào trực chiến tên lửa mới nhất có sức công phá cực khủng.

Phan cong cua Ukraine khong the dot pha, ten lua Nga cho san
Tên lửa Sarmat rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Plesetsk hồi tháng 4/2022. Ảnh: Sputnik. 

Vì một số "vấn đề khó khăn nhất", cuộc phản công của quân đội Ukraine kéo dài hơn hai tháng đã đi vào bế tắc. John Kochkhoff, Giám đốc cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ, tin rằng cuộc chiến trên mặt trận Ukraine đã “có chút bế tắc” do hệ thống phòng thủ dọc siêu mạnh được xây dựng sẵn của quân đội Nga.

Dù quyết tâm của quân đội Ukraine, vốn được phương Tây ủng hộ hoàn toàn, đã được thể hiện mạnh mẽ trên chiến trường; nhưng các nước phương Tây “bất lực trong việc ra tay”, vì Nga nắm chắc con “át chủ bài” về vũ khí hạt nhân.

Quân bài hạt nhân của Nga đang có tác dụng răn đe nghiêm khắc Mỹ và khối NATO; ngăn NATO trực tiếp gây chiến.

Vì vậy, nhiệm vụ chính hiện nay của Nga không chỉ là cố gắng hết sức ngăn chặn quân đội Ukraine phản công, mà còn phải tích hợp các nguồn lực quân sự, tập trung vào vũ khí răn đe chiến lược và duy trì khả năng răn đe hạt nhân mạnh mẽ.

Phan cong cua Ukraine khong the dot pha, ten lua Nga cho san-Hinh-2
 Một tên lửa R-36M Satan của Nga rời hầm phóng. Nguồn Topwar

Ngày đầu tiên của tháng 9, Nga bất ngờ công bố một việc lớn. Ông Borisov, người đứng đầu công ty vũ trụ Roscosmos của Nga cho biết:

Hệ thống tên lửa hạt nhân chiến lược mới nhất và mạnh nhất Sarmat của quân đội Nga, đã chính thức bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cỡ lớn này có tầm bắn 18.000 km và có thể mang ít nhất 10 đầu đạn hạt nhân, có thể tấn công bất cứ nơi nào trên trái đất.

Tuyên bố của ông Borisov nhanh chóng thu hút sự chú ý của thế giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói: “Nếu Nga không còn ở đó thì phải làm gì trên trái đất?”. Tổng thống Putin nói điều này, bởi Nga có năng lực tấn công hạt nhân xuyên lục địa cực lớn.

Giờ đây, khả năng tấn công hạt nhân của Nga đã đạt đến một tầm cao mới nhờ Sarmat - tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng.

Phan cong cua Ukraine khong the dot pha, ten lua Nga cho san-Hinh-3
Một tên lửa R-36M Satan của Nga rời hầm phóng. Nguồn Topwar 

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Sarmat có trọng lượng phóng hơn 200 tấn, tải trọng tối đa 10 tấn; có thể mang theo 16 đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ hoặc 10 đầu đạn hạt nhân cỡ lớn.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cỡ lớn RS-28 Sarmat do Viện Công nghệ Nhiệt Moscow (MIT) phát triển, có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân dẫn đường phân hướng (MIRV), với sức công phá tương đương 750.000 tấn TNT.

Tên lửa Sarmat đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước vào năm 2022; được trang bị chính thức vào cuối năm 2022 và đi vào trực chiến vào năm 2023.

Tên lửa Sarmat có tầm bắn hiệu quả 18.000 km; toàn bộ thân tên lửa dài 35,5 mét, đường kính 3 mét, trọng lượng toàn bộ của tên lửa 208 tấn, khối lượng nhiên liệu 178 tấn và sử dụng nhiều đầu đạn dẫn đường riêng.

Mỗi đầu đạn độc lập có thiết bị dẫn đường đầu cuối riêng; trong tương lai, Sarmat sẽ được trang bị đầu đạn siêu âm "Pioneer (Tiên phong)", có thể thực hiện các động tác rất cơ động lắt léo trên đường bay; có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ ở tốc độ siêu âm.

Phan cong cua Ukraine khong the dot pha, ten lua Nga cho san-Hinh-4
Đồ họa đường bay của tên lửa xuyên lục địa sử dụng đầu đạn phân hướng. Nguồn Wikipedia

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng RS-28 Sarmat thực chất là phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-20/R-36M Satan, được phát triển từ thời Liên Xô; nên truyền thông phương Tây gọi là tên lửa Sarmat là Satan-2. Đó là thành tựu nghiên cứu khoa học điển hình của Nga.

Tên lửa Satan cũ được Cục Thiết kế miền Nam Ukraine phát triển trong Chiến tranh Lạnh, dưới thời kỳ Xô Viết. Sau sự tan rã của Liên Xô, Lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã kế thừa 45 hầm phóng tên lửa Satan và vòng đời của những tên lửa Satan này sẽ kéo dài đến năm 2022.

Hơn nữa, do quan hệ giữa Nga và Ukraine rạn nứt, nên số tên lửa Satan hiện có không thể duy trì được công nghệ.

Các tên lửa đạn đạo liên lục địa Satan cũ hiện đang phục vụ trong Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, sẽ ngừng hoạt động vào năm 2022. Nhưng nếu buộc phải gia hạn sử dụng những tên lửa với tình trạng kỹ thuật không ổn định này, có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Kết quả là Nga tiến hành "phát triển độc lập" tên lửa "Satan" mới.

Phan cong cua Ukraine khong the dot pha, ten lua Nga cho san-Hinh-5
 Đưa tên lửa Sarmat vào bệ phóng tại sân bay vũ trụ Plesetsk hồi tháng 4/2022. Ảnh: Sputnik.

Do "Sarmat" là bản sao của tên lửa đạn đạo liên lục địa "Satan" cũ, hiệu quả chiến đấu của nó được giới truyền thông ca ngợi là “cực kỳ uy lực”.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Daily Mail của Anh vào năm 2021, truyền thông Anh dựa vào các nguồn tinh tình báo của nước này cho biết, loại tên lửa đạn đạo này của Nga đủ sức hủy diệt một vùng đất rộng hàng triệu kilomets vuông chỉ bằng một phát bắn.

Báo chí ở Anh khi đó cũng khẳng định, đây là loại tên lửa có sức mạnh kinh khủng nhất từng được phát minh kể từ Chiến tranh Lạnh, có khả năng tái khởi động một cuộc chạy đua vũ trang trong tương lai.

Sức mạnh của tên lửa Sarmat đã khiến rất nhiều quốc gia phải nể sợ, vì nó có thể hủy diệt cả một khu vực rộng lớn lên tới 700.000 km vuông - tương đương với bang Texas của Mỹ hay diện tích hơn cả nước Pháp.

Theo hãng tin Sputnik của Nga, việc đưa tên lửa Sarmat vào trực chiến, là phản ứng của Nga trước khái niệm "Đòn tấn công nhanh toàn cầu" (PGS) do các nhà hoạch định quân sự của Lầu Năm Góc phát triển.

Phan cong cua Ukraine khong the dot pha, ten lua Nga cho san-Hinh-6
Siêu tên lửa Sarmat rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Plesetsk hồi tháng 4/2022. Ảnh: Sputnik. 

Khái niệm PGS chủ trương tiến hành tấn công phủ đầu bằng tên lửa hành trình thông thường quy mô lớn, để vô hiệu hóa vũ khí đối thủ và loại bỏ bộ máy lãnh đạo.

Khái niệm này, được công bố sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo với Nga năm 2002, đã thúc đẩy Moscow phát triển các loại vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa siêu vượt âm, phương tiện lướt, và tên lửa Sarmat.

Thông qua việc phô diễn khả năng đáp trả mạnh mẽ, Nga đặt mục tiêu răn đe ngăn chặn các cuộc tấn công bất ngờ tiềm ẩn.

Trước mắt tên lửa Sarmat là “cây gậy hạt nhân” để răn đe và "làm nguội" những cái “đầu nóng” của Mỹ và phương Tây; đặc biệt là trong cuộc xung đột với Ukraine đang diễn ra.

Tiến Minh (theo Reuters, Sputnik, TASS)